Lực lượng ủng hộ Nga tại Mariupol, thành phố chiến lược bên bờ Biển Đen mà Kiev đã mất quyền kiểm soát. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kết thúc thông qua một thỏa thuận được thương lượng, nhưng điều đó không có nghĩa là phương Tây nên ngừng gửi vũ khí cho Kiev hoặc giảm áp lực trừng phạt đối với Moskva.
“Rất có thể, cuộc chiến này sẽ kết thúc tại bàn đàm phán”, ông Stoltenberg nói với tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày 25/6, thừa nhận rằng một chiến thắng quân sự hoàn toàn không nằm trong các lá bài.
Lãnh đạo NATO nói: “Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng Ukraine ở vị trí mạnh nhất có thể và giúp nước này vẫn là một quốc gia châu Âu có chủ quyền và độc lập”.
Theo ông, cách tốt nhất để củng cố lập trường của Kiev trước các cuộc đàm phán với Moskva là “cung cấp hỗ trợ quân sự mạnh mẽ, hỗ trợ kinh tế và thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Nga”.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg từ chối cho biết khi nào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra.
“Hòa bình luôn có thể đạt được nếu bạn đầu hàng. Nhưng Ukraine đang đấu tranh cho tự do của mình, cho quyền tồn tại, cho quyền trở thành một quốc gia dân chủ mà không khuất phục trước sức mạnh của Nga. Và người Ukraine sẵn sàng trả một giá rất đắt, hy sinh bản thân vì những giá trị này”, ông Stoltenberg nói.
Khi được hỏi liệu việc phương Tây trang bị vũ khí cho Kiev có đang thúc đẩy xung đột và gia tăng thiệt hại về nhân mạng ở Ukraine hay không, người đứng đầu NATO trả lời rằng “chúng tôi giúp họ vì họ đang yêu cầu điều đó”.
“Trong suốt lịch sử chúng ta thấy các quốc gia sẵn sàng chấp nhận những hy sinh lớn để có được tự do”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng bất chấp vũ khí được Mỹ và EU cung cấp cho Ukraine, “hoàn toàn không có chiến tranh giữa NATO và Nga”.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không giao vũ khí cho Kiev, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài giao tranh và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Vào tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do liên minh quân sự mà Mỹ đứng đầu tiến hành chống lại Moskva.
Các phái đoàn của Nga và Ukraine ở nhiều cấp đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình ngay sau khi chiến sự bùng nổ. Nhưng không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai bên kể từ cuối tháng 3, khi họ gặp nhau ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban đầu, Moskva lạc quan về kết quả của các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó cáo buộc Kiev đã quay lưng lại với các thỏa thuận đạt được ở đó, đồng thời tuyên bố mất hết lòng tin vào các nhà đàm phán Ukraine.
Trong bối cảnh đàm phán bế tắc và xung đột ở chiến trường Donbass đang ngả lợi thế về phía Nga, các lãnh đạo châu Âu đang tỏ ra ủng hộ giải pháp đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Hôm 16/6, bốn lãnh đạo châu Âu - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã cùng sang Kiev. Thông điệp được họ phát đi là dù ủng hộ và hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nhưng phương Tây vẫn ưu tiên thúc đẩy đối thoại để kết thúc xung đột, tránh đổ máu thêm.
Trao đổi với kênh truyền hình TF1 ngày 16/6 trong khi đang ở Kiev, Tổng thống Pháp Macron khẳng định lại sự ủng hộ với Ukraine nhưng cũng cho biết Paris sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn xung đột leo thang hơn nữa. Trước khi sang Kiev, Tổng thống Macron đã cảnh báo rằng sự thù địch kéo dài với Nga không phải là giải pháp lâu dài khả thi cho an ninh châu Âu. Ông khẳng định quan điểm của mình rằng nếu muốn xung đột nhanh kết thúc thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “sẽ phải đàm phán với Nga”, đồng thời gợi ý rằng Pháp có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.
Cùng ngày 16/6, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đưa thông điệp của phương Tây tới Moskva. Cho rằng “việc nói chuyện với ông Putin là hoàn toàn cần thiết”, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ cố gắng tận dụng cơ hội đối thoại với ông Putin để đưa ra một số tuyên bố “rõ ràng” với Nga.