Binh lính Nga canh giữ khu vực nhà máy thép ở Azovstal, Mariupol ngày 13/6. Ảnh: AFP
Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine ngày 24/6, Thống đốc tỉnh Lugansk, ông Serhiy Gaidai cho biết: “Việc ở nguyên tại những vị trí đã bị phá hủy trong nhiều tháng chỉ để có mặt tại đó không có nghĩa lý gì”. Theo các báo cáo, 90% các tòa nhà của thành phố công nghiệp này đã bị hư hại, hầu hết người dân phải đi sơ tán. Severodonetsk sẽ là thành phố lớn nhất của Ukraine mà Nga giành quyền kiểm soát kể từ khi lấy được thành phố cảng Mariupol vào tháng 5 vừa qua.
Bước tiến này có thể được Nga xem như bằng chứng cho thấy sự chuyển hướng nỗ lực từ thực hiện “chiến tranh chớp nhoáng” ở giai đoạn đầu sang một cuộc tấn công chậm hơn, dựa nhiều vào pháo kích tầm xa thay vì tầm gần, đang đạt hiệu quả. Còn với Ukraine, việc mất Severodonetsk là một tổn thất, nhưng tổn thất này không quá nặng nề như sự thất thủ của thành phố Mariupol - nơi có một cảng biển quan trọng và có hai nhà máy thép khổng lồ, nhà phân tích Aleksey Kushch ở Kiev nhận định.
Một quan chức của chính phủ Nga cho biết: “Quân đội của chúng tôi đã thay đổi chiến thuật. Họ biết rõ cách thức để đạt được mục tiêu. Chiến lược dù được tiến hành chậm rãi nhưng đã phát huy hiệu quả và gây ra ít thương vong hơn”.
Lý giải về sự thay đổi chiến thuật của Nga, ông Konrad Muzyka, một nhà phân tích quân sự tại Ba Lan cho rằng, Moscow có thể điều động ít binh sỹ hơn để tấn công, bất chấp việc phương Tây thời gian qua nghi ngờ Nga đang gặp vấn đề về nhân lực. “Chiến thuật mà họ đang triển khai mang lại lợi thế cho họ”, ông Konrad Muzyka nói.
Bước tiến của Nga tại Lugansk được cho là nhờ vào chiến thuật trước tiên dùng pháo kích dồn dập rồi sau đó cho binh sĩ và xe tăng tiến lên kiểm soát lãnh thổ. Moscow đã sử dụng nhiều bệ phóng tên lửa, máy bay ném bom và thậm chí cả tên lửa hành trình Tochka U để tấn công các vị trí quân sự của Ukraine.
Việc để mất Severodonetsk khiến các lực lượng Ukraine chỉ còn kiểm soát duy nhất một khu vực cuối cùng ở vùng Lugansk là thành phố Lysychansk lân cận nằm phía bên kia sông Siverskyi Donets. Lysychansk rất khó bị áp đảo do có địa hình phức tạp và quân đội Nga chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức khi nỗ lực vượt sông để tiến đánh thành phố này.
Một số chuyên gia của Ukraine cho rằng, sự kháng cự kéo dài của quân đội nước này tại Severodonetsk đã làm chậm bước tiến của Nga ở những nơi khác và khiến Moscow hao tổn nguồn lực. Đánh giá về quyết định rút khỏi Severodonetsk của quân đội Ukraine, bà Oleksander Musiyenko – nhà phân tích quân sự tại Kiev nêu rõ: “Lực lượng của chúng tôi phải tiến hành một cuộc rút lui chiến thuật vì về cơ bản không còn gì để phòng thủ. Các binh sỹ Ukraine không thể bị bao vây. Mọi thứ có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu quân đội Nga chiếm được Severodonetsk cách đây 3 tuần”.
Trong khi đó, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Moscow đã so sánh cuộc giao tranh tại Severodonetsk với Thế chiến thứ nhất. Ông dự đoán mục tiêu của Nga ở thời điểm này không phải là giành lãnh thổ mà muốn gây ra nhiều tổn thất hơn cho đối phương. “Chiến lược của Nga tương tự như cách tiếp cận trong Thế chiến Thứ nhất đó là khiến đối phương suy giảm khả năng chiến đấu. Chiến lược này có thể đang đạt hiệu quả”.
Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý, nếu Nga tiếp tục theo đuổi chiến lược như vậy, thì cuộc xung đột với Ukraine chắc chắc sẽ kéo dài trong bối cảnh Kiev vừa tiếp nhận các loại vũ khí tầm xa mới do Mỹ chuyển giao để đối đầu với pháo binh Nga.
Nga vẫn gặp trở ngại lớn trong việc thực hiện mục tiêu “giải phóng” Donbas do Ukraine đang kiểm soát gần một nửa Donetsk – nơi Moscow đang chuẩn bị tiến đánh, trong đó có nhiều thành phố kiên cố như Sloviansk và Kramatorsk, cả hai đều lớn hơn Severodonetsk. Lugansk cùng với Donetsk là 2 tỉnh hợp thành khu vực Donbass, hiện đang là tâm điểm của giao tranh.
Theo giới phân tích, sau khi giành được Severodonetsk, Nga có thể nhanh chóng chuyển sự chú ý sang thành phố Lysychansk bên kia sông. "Nga có thể sẽ cố gắng tấn công thành phố từ hai hoặc ba phía", chuyên gia Musiyenko nhận định./.