Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học VN: Cần miễn nhiệm chức danh với giáo sư “đạo văn”

ĐẶNG CHUNG |

Dư luận quanh chuyện Giáo sư (GS) Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam – bị tố đạo văn của học trò vẫn chưa lắng.

Chia sẻ với Lao Động, PGS -TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – cho rằng, Hội đồng Chức danh Giáo sư cần rốt ráo vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc.

Nếu việc đạo văn là có thật cần kiên quyết xử lý, để lấy lại danh dự cho những nhà khoa học chân chính.

Theo dõi vụ việc GS ngành ngôn ngữ học bị tố đạo văn của học trò , cũng là một nhà ngôn ngữ, ông có suy nghĩ gì?

- Thực ra tôi biết chuyện này từ rất lâu rồi. Năm 2003, khi tôi về Viện Ngôn ngữ học, đã nghe những ý kiến trong nội bộ của Viện.

Khi tôi làm Trưởng ban Thanh tra Nhân dân của Viện cũng nhận được đơn thư phản ánh về việc ông Tồn đạo văn của học trò. Vấn đề này được đưa ra bàn thảo công khai trong Viện, đến bây giờ tôi vẫn giữ những văn bản về vụ việc này.

Sau khi tiến hành xác minh theo đơn phản ánh, tháng 10.2005, Chi ủy Viện Ngôn ngữ học đã làm báo cáo về sự việc gửi lên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đề nghị xem xét, giải quyết.

Nhưng hồi đó mọi người làm không đến cùng, dù sự việc đã tương đối rõ là ông Tồn có đạo văn.

Cơ sở nào để ông khẳng định ông Nguyễn Đức Tồn đã “đạo văn”?

- Dựa vào giấy trắng, mực đen khi chúng tôi đối chiếu các cuốn sách của ông Tồn và luận án của Nguyễn Thúy Khanh, khóa luận của sinh viên Cao Thị Thu, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà, đã công bố trước đó.

Bản quyền sẽ thuộc về ai công bố trước.

Mới đây, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm -Chủ tịch Hội đồng Chức danh ngành Ngôn ngữ học–cũng đã khẳng định là ông Tồn có đạo văn. Về mặt nguyên tắc, mọi trích dẫn phải đưa vào trong ngoặc kép và phải ghi xuất xứ.

Trong cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” đã trích dẫn hơn một trăm trang của những người khác, nhưng lại không ghi đồng tác giả.

Đối với người nghiên cứu khoa học, tính trung thực rất quan trọng. Không thể lấy chất xám của người khác rồi ghi công của mình như vậy.

Theo ông, lúc này cơ quan chức năng cần làm gì để vụ việc “đạo văn” kéo dài từ nhiều năm trước được sáng tỏ?

- Theo tôi Viện Ngôn ngữ học và Hội đồng Học hàm phải vào cuộc khẩn trương và mạnh mẽ hơn. Nếu đây là chuyện hiểu sai, vu oan thì ông Tồn phải được minh oan.

Bởi nghi án đạo văn này liên quan đến danh dự của nhiều con người. Nhất định phải xử lý đến nơi đến chốn, có quyết định rõ ràng, minh bạch.

Nếu khẳng định ông Tồn có đạo văn, theo PGS, vấn đề nên được xử lý ra sao?

- Khi xét phong GS, PGS cho bất kỳ ứng viên nào thì họ phải có những minh chứng kèm theo để chứng minh mình có đủ điều kiện để phong học hàm…

Nếu luận án “Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” của ông Tồn là một cơ sở để được hội đồng chức danh tính điểm trong việc phong học hàm, thì nhất quyết phải xem xét lại.

Chưa kể đến vấn đề đạo đức cũng đã đủ để tước, miễn nhiệm chức danh GS. Thậm chí một nhà ngôn ngữ học còn đề xuất, nếu không đủ tư cách là một nhà khoa học thực thụ thì bằng PGS trước đó cũng phải xem xét lại.

Thời gian qua đã có những lùm xùm không hay về việc công nhận chức danh GS, nhưng cũng có rất nhiều người xứng đáng với chức danh đó và cần tôn trọng.

Nhưng để có được điều này, trước hết cần làm trong sạch hóa đội ngũ GS, PGS bằng việc xử lý dứt điểm vụ việc của ông Nguyễn Đức Tồn.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại