Kết luận cho rằng, những vấn đề nêu trong đơn chỉ là lỗi trích dẫn, chưa đến mức đạo văn. Tuy nhiên, người tố cáo không đồng tình với kết luận này.
Theo kết luận này, ngày 1/11/2017, Học viện đã nhận được đơn tố cáo của tiến sĩ Mai tố cáo bà Nguyên đạo văn trong công trình luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội năm 2014.
Học viện đã lập Hội đồng thẩm định xem xét luận án tiến sĩ với đề tài Cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại TPHCM của bà Nguyên.
Sau khi thẩm định, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội đã kết luận không có việc đạo văn trong công trình này. Đề tài có đóng góp mới, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu... Kết luận chỉ cho rằng luận án chưa chuyên nghiệp trong các trích dẫn từ trang 17 - 24.
Trang luận án gây tranh cãi của TS Trần Phương Nguyên khi đưa 3 tiêu chí về cảnh huống ngôn ngữ theo tổng hợp của GS Nguyễn Văn Khang.
Lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cũng khẳng định việc thiếu chuyên nghiệp trong trích dẫn nghĩa là chưa thực hiện đúng chuẩn trong quy định về trích dẫn. Chẳng hạn, trích nguyên văn thì phải để trong ngoặc kép, chú thích phía dưới trang sách.
Hoặc nếu có nói theo tác giả khác thì cũng phải có mở ngoặc là xem nội dung này ở đâu. Hội đồng thẩm định đã xem xét kỹ và thấy việc trích dẫn chỉ vi phạm lỗi kỹ thuật trích dẫn chứ không đến mức đạo văn.
Còn trao đổi với PV Tiền Phong, TS Hồ Xuân Mai cho rằng bản kết luận của Học viện là cố ý bao che. “Tôi đã trao đổi với Giám đốc Học viện, đồng ý cho nói nhẹ là có sao chép nhưng chưa nghiêm trọng.
Nhưng kết luận của Học viện như vậy té ra tôi vu khống, nói sai à. Tôi sẽ làm đến cùng” - TS Hồ Xuân Mai khẳng định.
Trước đó, ngày 1/11/2017, TS Hồ Xuân Mai đã có thư tố cáo gửi ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Sau Đại học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong đơn tố cáo, TS Hồ Xuân Mai đã cho rằng TS Trần Phương Nguyên đã chép vài chục đoạn trong quyển Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản tác giả Nguyễn Văn Khang khi viết luận án tiến sĩ.
Ngoài ra, TS Hồ Xuân Mai cho rằng TS Trần Phương Nguyên đã đảo lộn, cắt xén và lắp ghép những đoạn khác nhau nên nếu không tinh ý thì chắc chắn sẽ khó phát hiện.
Một điểm đáng chú ý mà TS Hồ Xuân Mai đưa ra là trong hai người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho TS Trần Phương Nguyên có tác giả của hai quyển sách trên - GS.TS Nguyễn Văn Khang - nhưng không hiểu tại sao ông không phát hiện.
Không ai có thể nhớ hết những gì mình viết nhưng với những khái niệm, định nghĩa do mình đưa ra thì không thể không nhớ, chí ít là khái lược. Và, để ký đồng ý cho nghiên cứu sinh bảo vệ, người hướng dẫn phải đọc luận án, ít nhất là một lần, đặc biệt là những chỗ quan trọng như vậy. Vậy, tại sao ông không phát hiện học trò đã “cuỗm” của mình, TS Hồ Xuân Mai đặt câu hỏi.
Nhiều ĐH dùng phần mềm chống đạo văn trong luận án
Trong khi đó, các trường ĐH của Việt Nam cũng đang tìm mọi cách để chống đạo văn trong luận án tiến sĩ.
Ông Vũ Trọng Nghĩa- Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết trường triển khai phần mềm Turnitin chống đạo văn từ năm 2014 cho Viện Đào tạo sau ĐH, và áp dụng toàn trường từ năm học 2016-2017.
Các luận án tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, bài báo khoa học, công trình khoa học đều phải đưa vào phần mềm này để quét. Nếu phát hiện mức độ tương đồng cao hơn mức cho phép (30%), sản phẩm đó sẽ được trả lại cho người nộp để làm lại.
Đây cũng là giải pháp được nhiều trường thực hiện như ĐH Hàng hải, ĐH Kinh tế TPHCM, Lạc Hồng, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Tôn Đức Thắng...
Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa triển khai phần mềm Turnitin vào đầu năm 2017. Trường cũng có hẳn một văn bản quy định về kiểm soát và xử lý đạo văn trong học thuật.
Theo đó, đạo văn theo quy định của trường là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã sử dụng.
Thậm chí, trường còn quy định, tác giả sử dụng hơn 30% những sản phẩm học thuật của mình đã công bố vào những sản phẩm học thuật mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn gốc gọi là tự đạo văn.
Các hình thức chế tài trường đưa ra khá mạnh.
Đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án, bài báo, bài giảng, đề cương học phần, đề cương nghiên cứu, công trình khoa học, khi bị phát hiện lần thứ nhất (trước khi bảo vệ, báo cáo, trình bày), tác giả phải viết lại.
Nếu tác giả nộp sản phẩm lại nhưng vẫn có mức độ giống trên 20% và có đoạn văn giống từ 100 từ trở lên, người học bị đình chỉ báo cáo, bảo vệ, nghiệm thu trong vòng một tháng để tiếp tục chỉnh lần thứ hai.
Sau hai lần kiểm tra và chỉnh sửa, nếu vẫn còn ít nhất một đoạn văn có 100 từ trở lên sao chép nguyên văn, hoặc có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác (hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung của dữ liệu), người học bị lập biên bản, không công nhận các sản phẩm học thuật, không được bảo vệ, báo cáo, không đăng bài, chấm dứt hợp đồng.
Trường ĐH Hoa Sen cũng quy định rất khắt khe việc này.
Cụ thể, nếu sao chép nguyên văn 2 câu liên tiếp, 3 câu liên tiếp mà không dẫn nguồn đúng quy định thì là đạo văn.
Diễn đạt lại hoặc dịch toàn bộ một ý nào đó của người khác mà không dẫn nguồn đúng quy định cũng là đạo văn. Sử dụng hơn 30% nội dung của một báo cáo cuối kỳ do chính mình viết để nộp cho hai lớp khác nhau mà không có sự đồng ý của giảng viên cũng là đạo văn...
Trường cũng có quy định rất cụ thể về hình thức xử lý khi nghiên cứu sinh, sinh viên vi phạm quy định đạo văn.
"Tôi đã trao đổi với Giám đốc Học viện, đồng ý cho nói nhẹ là có sao chép nhưng chưa nghiêm trọng. Nhưng kết luận của Học viện như vậy té ra tôi vu khống, nói sai à. Tôi sẽ làm đến cùng".
TS Hồ Xuân Mai
Tối qua, 25/2, PV Tiền Phong đã liên lạc với TS Trần Phương Nguyên. TS Nguyên cho biết bà không có ý kiến gì thêm trước kết luận của Học viện Khoa học xã hội.