Do thiếu đạn pháo, lực lượng Ukraine phải phụ thuộc vào máy bay không người lái cỡ nhỏ mang chất nổ như một phương tiện hỏa lực thay thế. Hiện nay, những chiếc UAV như vậy trở thành hệ thống quan trọng nhất trong kho vũ khí của Ukraine.
Trong khi đó, các thiết bị gây nhiễu vô tuyến chiến thuật, có thể chặn tín hiệu mà đối phương sử dụng để điều khiển UAV, là hệ thống quan trọng nhất trong kho của Nga.
Chính vì vậy, khi những chiếc xe tăng Nga đưa ra tiền tuyến được gắn bộ thiết bị gây nhiễu mới trong những tuần gần đây, những người điều khiển UAV Ukraine đã tỏ ra rất quan tâm.
Nếu các thiết bị gây nhiễu mới của Nga hoạt động hiệu quả, Ukraine sẽ cần phải có giải pháp đối phó. Nhưng để tìm ra giải pháp phù hợp, họ cần tìm hiểu về thiết bị của Nga.
Cơ hội đã đến vào đầu tháng này, khi một chiếc T-72 của Nga có gắn bộ thiết bị gây nhiễu bị mắc phải dây thép gai ở Terny, tỉnh Donetsk. Dây thép gai mắc vào dây xích khiến người điều khiển xe tăng không thể quay đầu đủ nhanh để tránh va chạm với xe chiến đấu BMP của đối phương.
Ngay sau đó, một chiếc UAV của Ukraine lao tới và phát nổ. Cuộc tấn công không gây thiệt hại nặng nề cho chiếc xe tăng nặng 51 tấn, kíp chiến đấu bỏ chiếc xe lại để di tản nhưng sau đó đã thiệt mạng do bị UAV khác tấn công.
UAV của Ukraine lảng vảng quanh chiếc T-72 trong suốt khoảng thời gian đó. Sau khi xem xét kỹ lưỡng hình ảnh, các nhà phân tích kết luận chiếc T-72 chỉ bị hư hỏng nhẹ và thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến của nó sẽ là một chiến lợi phẩm đáng giá.
Kế hoạch nguy hiểm
Chiếc xe tăng bị UAV tấn công là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thiết bị gây nhiễu hoạt động không tốt. Tuy nhiên, phía Ukraine vẫn muốn tìm hiểu chi tiết.
Lữ đoàn xung kích số 3, một trong những đơn vị tinh nhuệ của quân đội Ukraine, đã tình nguyện thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm. Mục tiêu của họ là tịch thu chiếc T-72 đang nằm bất động trên chiến trường bên ngoài Terny.
“Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho nhiệm vụ này cùng nhau” một lính tăng của Lữ đoàn 3 tên Ilya cho biết. Nhưng vấn đề là họ không biết liệu chiếc xe có còn chạy được không hay đã bị hỏng động cơ.
Đêm thứ nhất, các kỹ sư Ukraine tìm cách tiếp cận chiếc xe tăng để kiểm tra tình trạng của nó. Họ quay trở lại phòng tuyến của Ukraine cách đó chưa đầy 2km với một tin tức không mấy khả quan. Mặc dù chiếc xe tăng có vẻ như vẫn còn hoạt động được nhưng tháp pháo của nó được cố định ở vị trí phía trước và khẩu pháo chính 125 mm đã chặn cửa khoang lái.
Để người lái xe có thể vào khoang lái, bắt buộc phải xoay tháp pháo trước và điều này chỉ có lính tăng được đào tạo bài bản mới có thể thực hiện được.
Vào đêm thứ hai, lính tăng có tên Baidar được cử đi cùng nhóm đột kích. Trong khi các kỹ sư cẩn thận gỡ dây thép gai bị cuốn vào xích xe tăng, Baidar quay tháp pháo theo cách thủ công để mở cửa khoang lái, sau đó khởi động chiếc xe tăng.
Mọi việc không suôn sẻ. Sau khi bị UAV tấn công, kíp chiến đấu của Nga đã làm cạn nguồn điện của chiếc xe tăng trước khi bỏ nó lại.
Ngày hôm đó, nhóm lính Ukraine vẫn chưa thể tịch thu chiếc T-72.
Kết quả bất ngờ
Đêm hôm sau, nhóm đột kích quay trở lại. Các kỹ sư dẫn đường và được bộ binh hộ tống. Lực lượng y tế sẵn sàng ở phía sau, phòng trường hợp xảy ra thương vong.
Nhóm hành động chính gồm Ilya và Baidar. Họ mang theo 3 bình ắc-quy, cùng với khí nén, dụng cụ và kính nhìn ban đêm. Khí nén sẽ giúp khởi động chiếc xe tăng.
Tiếng đạn pháo của Nga vang lên gần đó khi các binh sĩ Ukraine tiến hành công việc.
“Tôi đã lắp những bình ắc-quy đó vào, hy vọng có thể khởi động được”, Ilya kể lại.
Cuối cùng, chiếc xe tăng đã có thể hoạt động. Nhưng tiếp sau đó mới là phần khó khăn: lái nó gần 2km về vị trí của Ukraine mà không bị hỏa lực của Nga làm cho nổ tung.
“Chúng tôi thu dọn tất cả mọi thứ và bắt đầu lái chiếc xe tăng rời đi”, Ilya nói.
Nhìn qua kính nhìn đêm, Ilya không gặp vấn đề gì khi lái xe băng qua dải đất Terny đầy vết tích của giao tranh.
“Khi tôi lái xe vào làng, những ổ gà sâu hoắm đầu xuất hiện. Chiếc xe cứ lao lên lao xuống mỗi đoạn dốc. Thật khó để quan sát”, Ilya kể lại.
Ilya đã không phát hiện ra cái hố sâu, có vẻ như là hậu quả của một quả bom lượn, suýt nuốt chửng chiếc T-72.
“Tôi lao vào hố với tốc độ cao, đập đầu vào cửa và bất tỉnh”, Ilya nói.
Các miệng hố do bom tạo ra rất sâu và có thể làm sa lầy vĩnh viễn một chiếc xe tăng nặng 51 tấn như T-72.
Ilya cài số lùi và tăng tốc động cơ lên tối đa 2.000 vòng/phút, cuối cùng chiếc xe tăng thoát ra khỏi hố bom.
Phải băng qua nhiều hố bom nữa và xuyên qua làn đạn pháo của Nga, Ilya mới đưa được chiếc xe tăng về phía sau phòng tuyến.
Các kỹ sư Ukraine bắt tay ngay vào việc đầu kiểm tra các thiết bị gây nhiễu mà họ đã liều mạng để lấy chúng khỏi chiến trường.
“Đó chỉ là giải pháp tạm thời”, Ilya nhận xét.
Các thiết bị gây nhiễu riêng lẻ và ăng-ten của chúng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà máy, nhưng chúng được lắp ráp với nhau theo kiểu chắp vá và có vẻ như không hiệu quả lắm. Điều này được xem như tin tốt cho chiến dịch sử dụng UAV của Ukraine.