Tổng thống Putin: Không chống lại đồng USD, chỉ phản đối việc ‘vũ khí hoá’ đồng bạc xanh

An Chi |

Tờ Business Insider nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang giảm quy mô của chiến dịch phi “đô la hoá” của BRICS.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào tuần vừa qua, ông Putin cho biết ông không muốn phát triển các giải pháp thay thế cho hệ thống vốn đã được định giá bằng đồng USD.

Mở đầu hội nghị, ông Putin đã kêu gọi khối các quốc gia đang phát triển cùng tạo ra một hệ thống thanh toán mới. Ngoài ra, ông cũng nói rõ rằng ông không chống lại đồng USD, chỉ phản đối việc "vũ khí hoá" đồng USD.

Ngoài ra, theo trang web của hội nghị, các khách tham dự sự kiện được khuyến nghị mang theo USD và euro đến Nga để đổi lấy rúp. Các hình thức thanh toán bằng Mastercard và Visa sẽ không thể thực hiện vì 2 công ty này đã rút khỏi Nga từ năm 2022.

Nga đã gặp nhiều khó khăn do đối diện với hàng loạt lệnh trừng phạt, bao gồm việc bị loại khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu là SWIFT.

Ông Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hôm 23/10: "Chúng tôi không từ bỏ, không chống lại đồng USD, nhưng nếu phương Tây tiếp tục gây khó khăn, chúng tôi sẽ buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế. Và điều này đang diễn ra."

Tại một cuộc họp báo kết thúc sự kiện vào ngày 24/10, ông Putin nói rằng BRICS không tạo ra một giải pháp thay thế cho SWIFT, mà khối đang nỗ lực giải quyết các vấn đề thanh toán bằng các đồng nội tệ.

Tổng thống Nga cho biết, các hệ thống thanh toán của ngân hàng trung ương Nga và các nước BRICS là "đủ" nên khối sẽ không thành lập một hệ thống mới.

Bình luận của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh nhiều tờ báo trong năm qua đưa tin BRICS đang xem xét việc tạo ra một đồng tiền tệ chung, lên kế hoạch thành lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới kết nối các ngân hàng trung ương và xem xét sử dụng tiền số.

Nhận định về bình luận của ông Putin, các nhà phân tích của ING cho biết dường như một số kế hoạch đã bị "gác lại". Nhóm giải thích, Tổng thống Putin có thể đã loại bỏ ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS. Thay vào đó, trọng tâm của khối là giảm tần suất sử dụng đồng USD và sẽ sử dụng các đồng nội tệ nhiều hơn.

Các nhà phân tích của ING cho biết, BRICS đã thúc đẩy việc "chủ động phi đô la hoá" nguồn tiền, chẳng hạn như các khoản yêu cầu bồi thường của ngân hàng xuyên biên giới và nợ nước ngoài. Ngoài ra, khối cũng sử dụng nhiều đồng nội tệ hơn thông qua SWIFT.

Tuy nhiên, các nền kinh tế BRICS lại chiếm tỷ trọng không lớn trong dòng tiền toàn cầu, điều này cũng hạn chế tác động của việc phi đô la hoá, tương tự như việc sử dụng các đồng nội tệ.

ING nhận định, xu hướng này vẫn chưa phải mối đe dọa trực tiếp và ngay lập tức đối với đồng USD - đồng tiền dường như vẫn duy trì sự thống trị đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Song, BRICS+ vẫn có khả năng thách thức một số đồng tiền tệ lớn trong tương lai.

Nguồn:  Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại