Được thiết kế “hoàn toàn bí mật” ở Nga, SPS được coi là một trong những khẩu súng lục có độ chính xác cao nhất trên thế giới. Tuy là súng lục, dù vậy các chuyên gia vũ khí không thể phân loại nó.
SPS-được đặt tên theo nhà thiết kế - người có cùng họ với một cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga sẽ được sử dụng bởi Quân đội, Cơ quan An ninh liên bang, Bộ Nội vụ và lực lượng an ninh bảo vệ Tổng thống Putin dù đi công tác trong nước hay nước ngoài.
SPS được chứng minh đáng tin cậy trong phạm vi rất rộng ở nhiệt độ từ -50 độ C đến +50 độ C. Loại súng này có độ chính xác tuyệt vời nhất thế giới, thậm chí ngay cả khi nằm trong tay của một tay súng trung bình. SPS được phát triển trong những năm 1990 – một giai đoạn rất khó khăn trong lịch sử Nga.
Súng SPS.
Hiện nay phiên bản đang được sản xuất của loại súng này được định danh SR-1M. Vì vậy, các tên gọi như Gyurza, SPS, SR-1 Vector hay SR-1M đều nói đến khẩu súng này. Gyurza có kích thước khá nhỏ gọn nhưng khối lượng không nhẹ. Cụ thể, súng nặng 1 kg, khi nạp đủ đạn sẽ tăng thêm 180 g. Chiều dài 195 mm với nòng dài 120 mm.
Gyurza sử dụng cơ cấu ngắm bằng thước ngắm - điểm ruồi rất đơn giản và không thể điều chỉnh tầm bắn. Súng cũng có thể trang bị các đường ray loại nhỏ để gắn kính ngắm, đèn pin và đèn chỉ thị laser nhưng rất hiếm thấy, hoặc đi kèm với một ống hãm thanh chuyên dụng trong một số nhiệm vụ đòi hỏi tính bí mật.
Gyurza nạp đạn tự động bằng cơ chế giật ngắn khá tin cậy với cơ cấu khóa sau nòng như một số khẩu súng ngắn khác. Thanh trượt được gắn với thân bằng một đòn bẩy chống nghiêng nằm bên dưới nòng. Cơ chế này tương tự như khẩu Walther P38 hay Beretta 92. Lò xo đẩy nằm ở xung quanh nòng súng.
Súng có khóa an toàn kiểu cò kép tương tự như dòng Glock, khóa an toàn búa điểm hỏa tự động bên trong súng và một khóa an toàn tích hợp vào trong tay cầm. Với khóa an toàn tích hợp vào trong tay cầm, người bắn cần nắm mạnh vào trong tay nắm, phần núm bán nguyệt phía sau sẽ được đẩy vào, và đây là vị trí sẵn sàng khai hỏa.
Gyurza được thiết kế để bắn loại đạn 9 x 21 mm được thiết kế chuyên cho khả năng xuyên giáp. Ngoài Gyurza, SR-2 cũng là mẫu tiểu liên sử dụng loại đạn này.
Đạn 9 x 21 mm được phân thành 4 loại chính: SP-10 (7N29) - đạn xuyên giáp với đầu đạn bằng thép cứng; SP-11 (7N28) - đạn xuyên giáp đầu mềm làm bằng chì; SP-12 - đạn nảy với khả năng xuyên một lần và SP-13 (7BTZ) - đạn vạch đường xuyên giáp dựa trên mẫu SP-10.
Trong đó, đầu đạn SP-10 là loại Gyurza thường sử dụng với khả năng xuyên giáp rất cao. Cụ thể, nếu mục tiêu không mặc giáp, đầu đạn thép của SP-10 sẽ để lại một vết thương rất rộng. Nếu mục tiêu mặc giáp, một phần đầu đạn sẽ phá hủy bên ngoài và phần còn lại sẽ đi sâu vào bên trong để tiêu diệt đối tượng.
Đầu đạn của SP-10 đạt sơ tốc 410 m/s và động năng 560 J, có thể xuyên thủng 2 tấm titan dày 1,2 mm cộng với 30 tấm Kevlar ở khoảng cách 50 m.
Tuy nhiên, một điểm bất lợi chính là muốn có sơ tốc cao để xuyên phá thì cần giảm khối lượng đầu đạn để tối ưu hóa đường đạn, điều này dẫn đến động năng của đầu đạn sẽ giảm nhanh trên quãng đường bay, làm giảm tầm bắn hiệu quả của súng.