Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, kinh tế Đức bị thiệt hại khi thiếu năng lượng Nga.
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nền kinh tế Đức đang chịu thiệt hại to lớn. Điều này đến từ chính sách điều hành của Chính phủ Đức chứ không phải do yếu tố bên ngoài nào, Sputnik đưa tin.
“Rõ ràng là các chính sách hiện nay của chính quyền Đức hiện tại đang gây thiệt hại to lớn cho tương lai của nền kinh tế Đức" - Tổng thống Putin nói.
Ông Putin cũng nhắc đến việc Berlin đang dần loại bỏ năng lượng của Nga vốn đã mang lại sự hưng thịnh cho ngành công nghiệp Đức trước đây.
Đồng thời cho rằng, việc giảm nhập khẩu năng lượng của Nga sẽ không gây ra thảm họa ở Đức nhưng sẽ khiến kinh tế Đức chỉ có khả năng "tồn tại".
Ông nói: “Nền kinh tế Đức có khả năng tồn tại và phát triển lâu dài nên sẽ không có thảm họa ở đây”.
Ông Putin cho biết, Nga không từ chối bán năng lượng cho ai và mọi kết quả đều là lựa chọn của đối tác.
"Các bạn [người châu Âu - ND] chỉ cần mở van và nói 'Chúng tôi muốn nhận', và họ sẽ bắt đầu nhận khí đốt ngay, chỉ mất một tuần. Nhưng họ không muốn" - ông nói.
Nga đang đối phó một cách hiệu quả với việc châu Âu từ chối cung cấp khí đốt của Nga bằng cách sử dụng các tuyến đường nước ngoài khác và đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt trong nước của mình.
Ông Putin cũng ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác đáng tin cậy nhất", nước tiếp tục bơm khí đốt Nga qua đường ống Turk Stream cho châu Âu.
Tổng thống Nga cũng chỉ ra rằng, các nước châu Âu kỳ vọng nếu họ không mua khí đốt của Nga, Nga sẽ sụp đổ. Nhưng thực tế quá trình không thể đảo ngược lại diễn ra ở Liên minh châu Âu. Các ngành công nghiệp châu Âu đang chuyển sang các nước khác.
Thay vào đó, nước Nga không thể sụp đổ vì châu Âu không mua năng lượng của Nga. Ông Putin thừa nhận, đúng là khi các nước châu Âu mua khí đốt của Nga, Nga có nhiều tiền hơn.
Nhưng Nga càng ít phụ thuộc vào năng lượng thì càng tốt vì các lĩnh vực khác của nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn.
Theo báo cáo của Eurostat (cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu), mặc dù lượng mua các sản phẩm dầu mỏ Nga của các nước EU giảm gần ba lần so với năm 2022, nhưng vào năm 2023, các nước EU vẫn chi ra tới 30 tỷ euro để mua các sản phẩm dầu khí từ Nga.
Theo báo cáo, tổng giá trị xuất khẩu nhiên liệu thô sang châu Âu năm 2023 giảm 2,9 lần so với năm 2022 - năm mà ngân sách Nhà nước Nga thu được khoảng 90 tỷ euro từ nguồn cung cấp hydrocarbon cho EU.
Đồng thời, Moscow cũng đã giảm đáng kể thị phần cung cấp khí đốt và dầu cho châu Âu.