Một tàu hải cảnh Trung Quốc ở gần tàu Philippines hôm 5/3/2024. Ảnh: CNN
Phát biểu tại Đối thoại Shangri La, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cảnh báo rằng bất kỳ công dân Philippines nào thiệt mạng bởi một quốc gia khác ở Biển Đông sẽ "rất gần" với một hành động chiến tranh.
Đối thoại Shangri La diễn ra tại Singapore, nơi hội tụ các nhà lãnh đạo an ninh toàn cầu trong khu vực, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân.
Câu hỏi của một đại biểu đề cập đến "ranh giới đỏ" trong bối cảnh các tàu Philippines gần đây xảy ra va chạm với tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
"Nếu một công dân Philippines bị giết bởi một hành động cố ý, tôi nghĩ điều đó rất gần với những gì chúng tôi định nghĩa là một hành động chiến tranh và do đó chúng tôi sẽ đáp trả tương ứng", ông trả lời.
"Tôi tin rằng các đối tác hiệp ước của chúng tôi cũng có tiêu chuẩn tương tự", Tổng thống Philippines nói thêm.
Tổng thống Marcos Jr. đã nhiều lần đề cập các tranh chấp trong bài phát biểu của mình. Theo ông, những hành động bất hợp pháp, cưỡng bức, gây hấn đã tiếp tục vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philipines, đồng thời khẳng định Manila sẽ bảo vệ chủ quyền của mình đến "từng milimet vuông cuối cùng".
Hải quân Philippines nhấn mạnh họ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người dân Philippines và sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực tranh chấp.
Trong bài phát biểu của mình, ông Marcos cũng cảnh báo rằng sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông đánh giá sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn này đang lan rộng trong bối cảnh khu vực đang phát triển và đang làm trầm trọng thêm các điểm nóng.
"Sự ổn định liên tục của khu vực này đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ phải quản lý sự cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm", ông nói thêm.
Với những cuộc đối đầu trên biển đang ngày càng làm xấu đi mối quan hệ Bắc Kinh-Manila, Philippines đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Hai nước hiện đang duy trì một hiệp ước phòng thủ chung.
Đầu tháng 4 năm nay, Mỹ được phép sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines cho mục đích cứu trợ và nhân đạo. Hai nước cũng mở rộng các cuộc tập trận chung.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Vào năm 2016, Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đã ra phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với Biển Đông - bao gồm cái gọi là "đường lưỡi bò" - là không có giá trị pháp lý.
Tuần qua, Tổng thống Marcos Jr. cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc ban hành quy định mới, trong đó cho phép lực lượng Hải cảnh của nước này bắt giữ lên tới 30 ngày mà không cần xét xử đối với trường hợp người nước ngoài bị họ cáo buộc là "xâm phạm chủ quyền" Trung Quốc .
Về vấn đề này, ngày 23/5, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm.