“Nếu Nga chọc thủng tiền tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, tất nhiên điều đó không xảy ra ngay hôm nay, chúng ta sẽ phải cân nhắc khả năng gửi quân tới Ukraine”, Tổng thống Macron trả lời phỏng vấn The Economist ngày 2/5.
Một số quốc gia dù đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng vẫn ngần ngại trước ý tưởng đưa quân tới Ukraine, một động thái có thể kéo NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Vào tháng 2, nhà lãnh đạo Pháp đã đề cập đến khả năng triển khai quân của NATO tại Ukraine, nói rằng chưa có sự đồng thuận nào về việc gửi lính mặt đất tới Ukraine, nhưng “không nên loại bỏ khả năng nào” khi nhắc đến việc hỗ trợ Ukraine. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng việc triển khai quân NATO tới Ukraine là “không thể tưởng tượng được”.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Sẽ không có lực lượng bộ binh, không có binh sĩ mặt đất do các nước châu Âu hoặc các quốc gia NATO gửi tới Ukraine”. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng, việc gửi quân tới Ukraine “không phải là một lựa chọn đối với Đức”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu ý rằng các lực lượng của Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Vào tháng 3, Tổng thống Biden cho biết Ukraine đang yêu cầu hỗ trợ quân sự và vũ khí chứ không phải lính Mỹ. “Họ không yêu cầu lính Mỹ. Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm như vậy”, ông Biden nói.
Trước ý tưởng gửi quân NATO tới Ukraine của Tổng thống Macron, Điện Kremlin cảnh báo sẽ khó tránh khỏi một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO nếu quân đội của liên minh quân sự này chiến đấu ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông hoàn toàn giữ nguyên tuyên bố trước đó của mình và nói thêm: “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, bởi vì chúng ta đang đối mặt với lực lượng không loại trừ bất cứ điều gì”.