Sự công nhận đơn phương của Pháp sẽ không thể thay đổi tình hình thực tế nếu không có đàm phán thực sự, nhưng sẽ có ý nghĩa về mặt ngoại giao và biểu tượng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản đối chủ quyền của Palestine, nói rằng ông sẽ không thay đổi việc duy trì kiểm soát an ninh toàn diện ở phía tây Jordan, nghĩa là không công nhận nhà nước Palestine .
Ông Macron là nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên đưa ra đề xuất như vậy. Ông cũng nhấn mạnh sự thiếu kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo phương Tây khi thương vong ở Dải Gaza ngày càng gia tăng từ khi Israel mở chiến dịch tấn công sau ngày 7/10/2023.
"Các đối tác của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là Jordan, đang nỗ lực giải quyết vấn đề này, và chúng tôi đang hợp tác với họ. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp cho việc này, ở châu Âu và tại Hội đồng Bảo an. Việc công nhận một nhà nước Palestine không phải là điều cấm kỵ đối với Pháp”, ông Macron nói khi đứng cạnh Vua Abdullah II của Jordan tại Paris.
"Chúng ta nợ người Palestine điều đó, khi khát vọng của họ đã bị chà đạp quá lâu. Chúng ta nợ người Israel, những người đã sống qua cuộc thảm sát bài Do Thái lớn nhất trong thế kỷ của chúng ta. Chúng ta nợ điều đó với một khu vực khao khát thoát khỏi những kẻ thúc đẩy chủ nghĩa bạo lực và trả thù", ông Macron nói.
Bình luận của ông Macron có thể nhằm mục đích gây thêm áp lực lên Israel.
Chiến dịch tấn công trên không và trên bộ quy mô lớn của Israel vào Dải Gaza đến nay đã giết chết hơn 28.000 người Palestine, san phẳng các khu vực dân cư và khiến hầu hết trong số 2,3 triệu người dân ở đây mất nhà.
Hầu hết các nước đang phát triển đã công nhận nhà nước Palestine, nhưng phần lớn các nước Tây Âu không công nhận và cho rằng một nhà nước như vậy chỉ có thể ra đời sau khi đàm phán với Israel.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ xem xét công nhận nhà nước Palestine, bao gồm tại Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Macron cho rằng cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có và sẽ là bước ngoặt của cuộc xung đột.