“Đây là một việc rất đáng tự hào. NATO đã có thêm hai nghìn dặm biên giới sau khi kết nạp hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điện", Tổng thống Mỹ nói, đồng thời cho biết hiện có rất nhiều quốc gia NATO tiếp giáp với biên giới Nga.
Trong nhiều năm trở lại đây, Nga thường xuyên bày tỏ quan ngại về việc NATO mở rộng về phía biên giới nước này và coi các chính sách của NATO là một mối đe dọa hiện hữu. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga.
Sau khi Phần Lan gia nhập liên minh vào năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thành lập một quân khu mới tại biên giới tiếp giáp với quốc gia Bắc Âu này. Điện Kremlin cũng đưa ra tuyên bố rằng tư cách thành viên NATO sẽ chỉ đe dọa chứ không thể đảm bảo an ninh cho Phần Lan.
Trong gần hai thập kỷ qua, Tổng thống Putin đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng, các chính sách của NATO làm suy yếu an ninh Nga. Nếu kết nạp thêm Ukraine, NATO sẽ thực sự chạm vào “lằn ranh đỏ” của Moscow. Vào tháng 2 vừa qua, ông Putin đã tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine đối với Nga là một "vấn đề sống chết", nhưng đối với phương Tây thì chỉ đơn giản là vấn đề “cải thiện vị trí chiến thuật”.
Hiện NATO vẫn để ngỏ khả năng kết nạp Ukraine vào liên minh này, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận Washington không thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev mà không thông qua sự chấp thuận của Quốc hội, đồng thời chỉ trích những động thái gần đây của người tiền nhiệm Donald Trump đang de dọa đến khối đoàn kết NATO.
Ông Biden cho rằng việc gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD dành cho Kiev đang bị chặn ở Thượng viện gây "nguy hiểm" đến sự đoàn kết chung của NATO, đồng thời quy trách nhiệm về phía cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa.
“Ông Trump đang nỗ lực chặn gói viện trợ tới Kiev và điều này có thể khiến NATO tan rã. Đó sẽ là một thảm họa đối với Mỹ, một thảm họa đối với châu Âu và một thảm họa đối với thế giới”, ông Biden nói.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 113 tỷ USD dưới nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau kể từ khi chiến sự nổ ra hồi năm 2022. Trong thời gian đó, Moscow đã nhiều lần lên án các chuyến hàng vận chuyển vũ khí của phương Tây tới Ukraine, cho rằng những chuyến hàng này sẽ chỉ kéo dài xung đột giữa Nga-Ukraine, đồng thời biến phương Tây thành một bên tham chiến trực tiếp.