Tổng thống Mỹ thăm châu Á tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề Triều Tiên

Thu Hoài |

Ngày 3/11 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump rời thủ đô Washington, bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên kéo dài 12 ngày.

Chuyến đi nhằm 2 mục đích chính là tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế số 1 thế giới này.

Như một tín hiệu cho thấy sự coi trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực, ngay từ khi xuất hiện thông tin về chuyến thăm cách đây nhiều tháng, Nhà Trắng đã liên tục đưa ra những tuyên bố khẳng định, đây là chuyến công du khu vực dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 1991 và cũng là chuyến đi có nhiều điểm dừng nhất tại khu vực trong 14 năm qua, kể từ chuyến thăm châu Á năm 2003 của cựu Tổng thống George W. Bush.

Rời thủ đô Washington từ ngày 3/11 song chuyến công du châu Á của người đứng đầu Nhà trắng chỉ thực sự bắt đầu từ ngày mùng 5/11, với chặng dừng chân đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và cuối cùng là Philippines. Ông cũng sẽ tham gia 2 hội nghị cấp cao khu vực, một là của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Một chuyến đi nhiều thách thức

Thách thức thương mại của chuyến thăm này là rất nhiều. Đó là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ tại khu vực, khả năng tiếp cận với thị trường Trung Quốc, những mối quan hệ mới mà Mỹ phải thiết lập sau khi rút khỏi Thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam và Nhật Bản là 2 trong số những nước tham gia ký kết...

Song những thách thức về ngoại giao cũng không hề ít. Các cuộc thảo luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nhà lãnh đạo khu vực sẽ bị phủ bóng bởi những lo ngại liên quan tới mối đe dọa từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hay việc nước này tiếp tục các chương trình đạn đạo và hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải khẳng định lập trường của Mỹ trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Hàn Quốc.

Theo các nhà phân tích, ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump với chuyến thăm này, đó là tiếp tục xây dựng một sự đồng thuận khu vực đối với chiến lược gia tăng sức ép về kinh tế cũng như ngoại giao chống Triều Tiên. Ông Donald Trump cũng sẽ phải thúc đẩy việc thực thi các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt là với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Người đứng đầu nước Mỹ vẫn luôn cho rằng, Trung Quốc rõ ràng phải làm nhiều hơn nữa.

“Thời gian không còn nhiều và chúng tôi sẽ yêu cầu tất cả các quốc gia làm nhiều hơn nữa”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhấn mạnh. “Đặc biệt, Tổng thống sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng với Triều Tiên cô lập hơn nữa chính quyền nước này về kinh tế và chính trị, thuyết phục các nhà lãnh đạo nước này rằng, việc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân là một con đường chết chóc”.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Chặng dừng chân được dư luận đặc biệt quan tâm trong chuyến công du châu Á đầu tiên này của Tổng thống Donald Trump chính là Trung Quốc, với cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc cách đây đúng 2 tuần.

Ngay cả khi thống nhất được lập trường từ mối nguy cơ Triều Tiên, thì hai nhà lãnh đạo cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung về cách thức tiến hành.

Đối với Mỹ, để Triều Tiên nguyên trạng như hiện nay là không thể chấp nhận được. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động trao đổi thương mại, đặc biệt là dầu mỏ với Triều Tiên và phải đưa ra nhiều biện pháp cưỡng chế hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc, dù trên thực tế cũng đã gia tăng sức ép kinh tế với chính quyền Triều Tiên song vẫn muốn một cách tiếp cận từng bước hơn. Nước này muốn tránh nguy cơ một sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên có thể gây hậu quả nặng nề với bán đảo Triều Tiên và ngay cả với Trung Quốc khi có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, ít có khả năng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lấp đầy được sự khác biệt giữa hai bên.

Hành trang là một chiến lược mơ hồ?

Cần phải nhắc lại một điều là ngay trước thềm chuyến công du châu Á của người đứng đầu nước Mỹ, chiến lược của chính quyền Mỹ với Triều Tiên vẫn khá mơ hồ.

Trong phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thông Donald Trump từng cam kết sẽ “phá hủy hoàn toàn” quốc gia châu Á này, đồng thời trên trang mạng cá nhân chỉ trích những nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là “lãng phí thời gian”.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc không thể phớt lờ những thông tin đồn đoán về một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ tại Triều Tiên.

Bởi dù chiến lược của Tổng thống Donald Trump có gia tăng sức ép quân sự hay trừng phạt kinh tế thì nó cũng không khác quá nhiều so với những gì chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton có thể làm được. Trong khi đó, những phát biểu của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thời gian gần đây lại là đáng lo ngại bởi nó làm dấy lên nhiều nghi vấn, không rõ Mỹ có thực sự muốn đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán không hay quyết định đi xa hơn là lựa chọn giải pháp quân sự.

Theo một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ, các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp tục, song lập trường của Tổng thống là các cuộc thảo luận trực tiếp với Triều Tiên là không phù hợp vào giai đoạn hiện nay do thiếu những thay đổi đáng kể từ phía Triều Tiên.

Một điểm đáng chú ý trong chuyến công du này của người đứng đầu nước Mỹ là ông sẽ không tới thăm khu phi quân sự ở biên giới hai miền Triều Tiên như hầu hết các đời Tổng thống Mỹ thường làm trong hơn 30 năm qua. Nhiều nhà phân tích đều cho rằng, đây là một sự kiềm chế khá bất ngờ của ông Donald Trump, do lo ngại động thái này có thể được xem như một sự khiêu khích./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại