Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc đáng ra không còn hội đủ điều kiện để nhận các lợi ích từ trạng thái nước “đang phát triển”, bao gồm trợ cấp xuất khẩu và một số lợi thế về thủ tục của WTO trong các tranh chấp thương mại. Các nước phát triển khác cũng có mối quan tâm lo lắng tương tự như Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 26.7 đã lên gân bằng những lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc và hệ thống thương mại thế giới WTO, đồng thời đe dọa Mỹ sẽ đơn phương thu hồi những quy chế đặc biệt mà WTO dành cho các quốc gia tự coi mình là nước đang phát triển.
Động thái này diễn ra trước thềm vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải. Dự kiến Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ đến Trung Quốc vào thứ hai, 29.7 tới để đàm phán, nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh cam kết thực hiện các biện pháp mới và cụ thể để tăng sức mua thêm với hàng hóa của Mỹ cũng như đẩy mạnh tự do hóa thị trường trong nước cho các công ty nước ngoài.
“WTO đang bị đổ vỡ khi những nước GIÀU NHẤT trên thế giới tự tuyên bố mình là nước đang phát triển để tránh quy định của WTO và nhận đối xử đặc biệt. KHÔNG còn chuyện đó nữa”, ông Trump viết trên twitter với từ GIÀU NHẤT được viết hoa như thể nhắm tới Trung Quốc. Đồng thời ông cho biết: “Hôm nay, tôi đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ hành động để các quốc gia ngừng LỪA DỐI dựa trên hệ thống gây bất lợi với Mỹ!”.
Một bản ghi nhớ mà ông Trump đã ký hôm qua, 26.7 phát đi cảnh báo chính quyền của ông đang tìm cách buộc WTO thay đổi ngay lập tức cách đối xử với một số quốc gia. Bản ghi nhớ tập trung vào Trung Quốc nhưng nêu tên thêm một số nền kinh tế hàng đầu khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar.
Đại sứ quán Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận vào hôm qua. Trung Quốc trong quá khứ luôn khăng khăng rằng họ tuân thủ tất cả các quy tắc của WTO. Trung Quốc đã được kết nạp vào WTO năm 2001 sau các cuộc đàm phán kéo dài, với kỳ vọng rằng sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ tư cách thành viên trong WTO.
Tuy nhiên, ông Trump đã cho rằng Trung Quốc đáng ra không còn hội đủ điều kiện để nhận các lợi ích từ trạng thái nước “đang phát triển”, bao gồm trợ cấp xuất khẩu và một số lợi thế về thủ tục của WTO trong các tranh chấp thương mại. Các nước phát triển khác cũng có mối quan tâm lo lắng tương tự như Mỹ.
Theo các quy định hiện hành của WTO, bất kỳ thành viên nào cũng có thể tự tuyên bố mình là nước “đang phát triển” thay vì “phát triển”. “Giả nghèo giả khổ” làm nước đang phát triển sẽ cho phép nó tránh một số biện pháp phải mở cửa thị trường được thông qua bởi các thành viên khác hoặc cùng lắm là trì hoãn chúng.
Bản ghi nhớ của Nhà Trắng nói rằng nếu WTO hành động chậm chạp trong việc thay đổi các quy tắc lâu đời đó thì trong vài tháng tới, thì chính Mỹ sẽ tự mình ngừng đối xử với các nước kiểu như Trung Quốc là nước đang phát triển.
Một tuyên bố như vậy sẽ không có tác động ngay lập tức đến quan hệ thương mại với các quốc gia khác, và không giống như những hành động quyết liệt khác của ông Trump trong hai năm qua, tức là sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến thuế quan, hạn ngạch hoặc thương mại xuyên biên giới. Vậy tác động của nó là gì?
Clete Willems, người từng làm việc về chính sách thương mại và WTO tại Nhà Trắng, cho biết hành động này có tầm quan trọng mang tính biểu tượng lớn, là biểu hiện mới nhất của sự bất mãn của chính quyền đối với WTO, đặc biệt là cách họ đối xử với Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập năm 2001. Đồng thời, nó nhằm mục đích làm xáo trộn các cuộc đàm phán của WTO về trợ giá thủy sản và thương mại điện tử, trong đó các cuộc đàm phán với Trung Quốc và các quốc gia khác nhận được đặc quyền kiểu như vậy.
“Điều này thực sự sẽ có tác động đến các cuộc đàm phán đó, nơi vài quốc gia đang nói rằng họ không phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự như Mỹ, hoặc Liên minh Châu Âu”, ông Willems nói. “Họ đã nói rằng họ không muốn cắt giảm trợ cấp nhiều hoặc nhanh như vậy”.
Một quan chức chính quyền cho biết điểm chính của thông báo là để “xem các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện tại... thông qua lăng kính mới”, chứ không chứa mục đích thay đổi các thỏa thuận thương mại hiện có.
Bản ghi nhớ là biểu hiện mới nhất của tình trạng gia tăng sức nặng liên tục của ông Trump lên WTO nhằm khiến tổ chức này phải thay đổi theo ước nguyện của Mỹ. Ông Trump đã có lúc đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi WTO gồm 164 thành viên, với phàn nàn rằng họ đã đối xử bất công với nước Mỹ. Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump thực sự có kế hoạch đi xa đến vậy, nhưng ông Trump đã thực hiện nhiều hành động khác nhau đang làm để làm khó cách vận hành của WTO, vô hiệu hóa các khả năng của tổ chức này.
Chính quyền Trump đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào tòa án thương mại của WTO để phản đối các phán quyết, bao gồm cả một số người ủng hộ Trung Quốc hơn Mỹ. Trừ khi Mỹ đảo ngược lập trường đó, khả năng phân xử các tranh chấp thương mại giữa các thành viên – chức năng chính của WTO phải chờ đến tháng 12 mới có hiệu lực trở lại
Sự bất bình lớn nhất của chính quyền Trump là WTO tiếp sức cho Trung Quốc trong 18 năm qua phát triển thành một cường quốc xuất khẩu mà không buộc Trung Quốc phải kiềm chế trợ cấp nhằm tạo lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước trên thị trường thế giới.
“Khi WTO ra đời và Trung Quốc gia nhập tổ chức..., họ đã trở thành tàu tên lửa", ông Trump nói hôm qua. “Bạn biết đấy, đó là một tình huống rất bất công đã xảy ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới”.
Việc Trung Quốc tự gọi mình là một quốc gia đang phát triển với khả năng tránh một số đòi hỏi nhất định trong khi đã trở thành nhà giao dịch hàng đầu thế giới, đã bị các quan chức Mỹ để ý từ lâu.
“Những người như vậy không quan tâm đến việc tuân thủ các quy tắc của WTO, bao gồm cả việc có thể coi thường bất kỳ quy tắc nào trong tương lai, không thể tiếp tục không bị kiểm soát”, bản ghi nhớ viết. “Trung Quốc là minh họa rõ nét nhất cho điểm này”.
Bản ghi nhớ của Nhà Trắng tuyên bố các chỉ số kinh tế mà Trung Quốc dựa vào để tự coi là một quốc gia đang phát triển. Nó cũng trích dẫn một số chỉ số, bao gồm cả bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc, đã đưa tổng sản phẩm quốc nội nước này lên vị trí thứ hai trên thế giới, và lưu ý rằng Trung Quốc chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu.
Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối các thắc mắc của Mỹ trong những tháng gần đây. “Chúng tôi không né tránh các trách nhiệm quốc tế của mình và sẵn sàng nhận các nghĩa vụ trong WTO tương thích với trình độ và khả năng phát triển kinh tế của mình”, ông Cao Phong, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết vào tháng 4. “Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới”.
Nhiều hành động của ông Trump bị chỉ trích tại nước Mỹ nhưng lần này thì ông nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong việc vạch mặt những kẻ giàu có giả nghèo giả khổ.
Ông Jennifer Hillman, cựu thẩm phán WTO được Mỹ bổ nhiệm dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown khẳng định các nước lớn và phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc không nên làm điều này. “Chính quyền Trump đang cố gắng tô lại một số dòng đậm nét hơn”, Hillman ví von đầy ẩn ý.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cơ quan WTO, hoạt động dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên và đã không áp dụng các cải cách lớn kể từ khi thành lập, có thể đáp ứng với quyết tâm mới nhất của Mỹ hay không.
Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Mỹ đang yêu cầu một thứ gì đó mà WTO không thể đáp ứng, bởi vì họ không chịu đồng ý về bất cứ điều gì quan trọng trong 18 năm qua”. Đồng thời Scissors dự đoán: “Để tạo ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, WTO sẽ phải chịu thay đổi nhiều hơn, hoặc Mỹ sẽ phải đe dọa rời khỏi tổ chức”.