Khoản bồi thường khổng lồ
Cuối tháng 8 tới đây, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu hỗ trợ khoản tiền 14,5 tỉ USD cho các nông dân chịu thiệt hại trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong thời gian vừa qua.
Đây là đợt viện trợ thứ hai giữa bối cảnh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh tiếp tục lâm vào bế tắc. Các nông dân đã nhận được viện trợ 10 tỉ USD trong năm ngoái.
Trả lời phóng viên, chuyên gia kinh tế tại Bộ Nông Nghiệp Rob Johannson nói: "Mâu thuẫn thương mại kéo dài hơn chúng tôi dự tính".
Các nông dân Mỹ là những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm như đậu nành, ngô và lúa mì. Thuế quan đã khiến mặt hàng nông sản của Mỹ đắt vượt mức có thể chi trả đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Gần như toàn bộ nhà nhập khẩu đã ngừng mua đậu nành Mỹ và khiến lượng hàng tồn kho ở Mỹ vượt mức kỉ lục vào cuối năm 2018 vừa qua.
Nông dân Mỹ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất bởi thương chiến. Ảnh: Bloomberg
Bộ Trưởng Nông Nghiệp Mỹ Sonny Perdue lần đầu tuyên bố rằng sẽ có đợt viện trợ lần thứ 2 vào hồi tháng 5 sau khi nội dung các cuộc đàm phán thương mại được tiết lộ và tổng thống Mỹ Trump đột ngột gia tăng thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Một số nông dân - những người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch giành lại thỏa thuận tốt hơn từ Bắc Kinh - bắt đầu trở nên thiếu kiên nhẫn.
Hôm qua (25/7), Bộ Nông Nghiệp Mỹ đã công bố chi tiết về việc tính toán các khoản hỗ trợ. Nông dân có thể nộp đơn xin hỗ trợ từ thứ 2 tuần tới (ngày 29/7) và có thể nhận được các khoản tiền bắt đầu từ giữa tới cuối tháng 8.
Số tiền mỗi hộ nhận được sẽ phụ thuộc vào diện tích mà chủ hộ đã trồng và tỉ lệ sẽ tùy thuộc vào từng địa phương. Mức giá thấp nhất được trả sẽ là 15 USD/1 héc-ta.
Trung Quốc không giữ lời
Hoạt động thanh toán sẽ được hoàn thành trong 3 đợt. Hai đợt sau sẽ được thanh toán vào mùa thu và mua đông - nhưng cũng có thể bị hủy bỏ nếu căng thẳng thương mại được giải quyết trước thời điểm đó. Mức tối đa một nông dân có thể nhận là 500.000 USD. Những người kiếm được hơn 900.000 USD/1 năm sẽ không nhận được tiền hỗ trợ.
"Tôi cho rằng tất cả nông dân đều rất trân trọng khoản tiền này, nhưng nông dân đã phải trả cái giá quá đắt trong cuộc chiến tranh thương mại," Brian Duncan, phó chủ tịch Hội Nông nghiệp bang Illinois, nói với CNN.
"Cho dù các khoản hỗ trợ về tới tay người dân, thì số tiền đó vẫn không thể bù đắp được những tổn thất đã xảy tới với chúng tôi. Một khi các tuyến giao dịch bị thay đổi, chúng sẽ không trở lại như xưa".
Bộ trưởng Perdue cũng thừa nhận điều này: "Đây là nỗ lực để thừa nhận rằng nông dân đã chịu thiệt hại nặng nề trong chiến tranh thương mại và những khoản tiền này được dùng để hỗ trợ và giúp họ tiếp tục canh tác".
Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ Zippy Duvall nói: "Mặc dù người nông dân đều biết ơn với những hỗ trợ của tổng thống Trump và bộ trưởng Perdue đối với ngành nông nghiệp, nhưng mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được buôn bán sản phẩm của mình chứ không phải nhận viện trợ. Hồi phục thị trường nông nghiệp và mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với các đối tác chung trên toàn thế giới là điều cực kì quan trọng."
Vào tháng 6, ông Trump nói các giao dịch thương mại với Trung Quốc đã được phục hồi sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bắc Kinh đã đồng ý mua lại các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Tuy nhiên 2 tuần sau đó, ông Trump phàn nàn rằng Trung Quốc chưa mua bất kì nông sản nào.
Ngoài ra, ông Perdue cho biết nông dân có thể sẽ không phải nhận hỗ trợ trong năm 2020 nữa bởi tới khi đó mọi chuyện đều đã được giải quyết.
Bên cạnh thuế quan, nông dân Mỹ hiện phải đối diện với một mùa xuân lạnh và ẩm ướt, khó trồng trọt cũng như thuế quan trả đũa từ Canada và Mexico do ông Trump áp thuế đối với thép và nhôm của hai nước này.
"Chúng tôi cần nhiều đảm bảo hơn," Phil Ramsay, một nông dân trồng lúa mì, ngô và đậu nành ở Indiana, cho biết.
Theo CNN, chính quyền Mỹ cũng sẽ mua các sản phẩm dư thừa do ảnh hưởng bởi thương chiến và phân phối các loại thực phẩm này tới các ngân hàng lương thực, trường học và chi trả cho các tổ chức hỗ trợ giao dịch nông sản. Tổng cộng, giá trị của gói hỗ trợ thứ 2 này - bao gồm khoản 14,5 tỉ USD kể trên - trị giá 16 tỉ USD.