Tổng thống Mỹ Biden cảnh báo sẽ trừng phạt cá nhân Tổng thống Putin

Bình Giang |

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tính chuyện trừng phạt cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Nga tấn công Ukraine.

Binh lính Ukraine dỡ hàng từ lô vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ viện trợ cho nước này. (Ảnh: Reuters)

Binh lính Ukraine dỡ hàng từ lô vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ viện trợ cho nước này. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, các lãnh đạo phương Tây tiếp tục tăng cường chuẩn bị về quân sự và kế hoạch bảo vệ châu Âu trước nguy cơ gặp cú sốc về nguồn cung năng lượng.

Cảnh báo trừng phạt hiếm thấy này được đưa ra khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và củng cố thế trận ở Đông Âu bằng việc bổ sung thêm tàu và máy bay chiến đấu để đề phòng Nga.

Ngày 25/1, một máy bay Mỹ chở thiết bị quân sự và vũ khí hạ cánh xuống Kiev. Đây là lô hàng thứ ba trong gói viện trợ 200 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine để giúp nước này tăng cường năng lực quốc phòng.

Mátxcơva phủ nhận kế hoạch tấn công và nói rằng cuộc khủng hoảng lần này là do NATO và Mỹ gây ra. Nga yêu cầu phương Tây bảo đảm về an ninh, bao gồm cam kết NATO không bao giờ kết nạp Ukraine.

Sau một số cuộc đàm phán thất bại, ông Biden đã đưa ra cảnh báo mạnh hơn khi tuyên bố cá nhân ông Putin sẽ bị trừng phạt.

Phát biểu với báo chí, ông Biden nói rằng nếu Nga tiến vào Ukraine với khoảng 100.000 binh lính đang tập hợp gần biên giới, đó sẽ là cuộc tấn công lớn nhất kể từ Thế chiến 2 và sẽ “thay đổi thế giới”.

Khi được hỏi liệu có trừng phạt trực tiếp ông Putin nếu Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Biden trả lời: “Có, tôi sẽ xem xét điều đó”.

Việc trừng phạt trực tiếp lãnh đạo của nước khác là điều hiếm khi xảy ra nhưng không phải chưa có tiền lệ. Những lãnh đạo từng bị Mỹ trừng phạt gồm Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Libya Muammer Gaddafi.

Lầu Năm Góc đã chuẩn bị đưa khoảng 8.500 binh lính đến phần phía đông của NATO. Ông Biden nói rằng ông có thể di chuyển lực lượng trong ngắn hạn nhưng bác bỏ khả năng đơn phương đưa quân Mỹ đến Ukraine, một quốc gia không phải thành viên NATO.

Đến nay NATO có khoảng 4.000 binh lính đang đóng tại các quốc gia gồm Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan, cùng với các đơn vị xe tăng, phòng không, tình báo và giám sát.

Ông Putin dự kiến sẽ có cuộc gặp với các công ty lớn nhất ở Ý trong ngày 26/1. Ý là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga.

“Điều vô cùng quan trọng là phương Tây phải đoàn kết vào lúc này, vì tình đoàn kết sẽ giúp chúng ta đối phó hiệu quả với bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói. Ông cho biết Anh sẽ thảo luận với Mỹ về khả năng loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT .

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông sẽ yêu cầu Nga giải thích ý định khi có cuộc điện đàm với ông Putin vào ngày 28/1. Các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Đức và Pháp dự kiến sẽ gặp nhau tại Paris trong ngày 26/1.

Các quan chức của chính quyền Biden cho biết Mỹ đang bàn với các công ty năng lượng lớn về khả năng chuyển nguồn cung sang châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine.

Châu Âu phụ thuộc vào khoảng 1/3 khí đốt từ Nga. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung này cũng sẽ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng sẵn có của châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại