Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành chuyến công du đến Trung Đông từ 13 - 16/7/2022. Khác với cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đến thăm Trung Đông ngay sau khi nhậm chức, sau hơn một năm rưỡi vào Nhà Trắng ông Joe Biden mới thăm khu vực.
Chuyến thăm này bao gồm Israel, lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Ả Rập Saudi và tham gia "Hội nghị thượng đỉnh An ninh và Phát triển" gồm 6 nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Iraq hay còn gọi là Hội nghị GCC 3 ở Jeddah.
Ông J. Biden đã có các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tạm quyền Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdullaziz và Thái tử Mohammed bin Salman MBS).
Tổng thống Joe Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Bối cảnh chuyến thăm
Tình hình Trung Đông đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng. Năm 2021, Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, triệt thoái phần lớn quân khỏi Iraq, giảm mạnh sự có mặt quân sự tại Ả Rập Saudi, ngừng ủng hộ liên quân Ả Rập trong cuộc chiến kéo dài 6 năm tại Yemen...
Washington cũng đã quyết định ngừng bán vũ khí tấn công cho Riyadh, đồng thời đang xem xét lại hợp đồng cung cấp 50 chiến đấu cơ F-35 hiện đại cho các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tàu sân bay, tàu chiến cùng 40 nghìn binh sỹ Mỹ đang được tái triển khai từ Trung Đông tới các khu vực khác.
Chính sách của Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông làm cho các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực lo ngại. Đặc biệt, quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi trở nên căng thẳng khi Tổng thống J. Biden cáo buộc Thái tử MBS đứng sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi và coi Ả Rập Saudi là một "quốc gia bất hảo". Tháng 3/2022, Thái tử MBS đã không nhấc máy trả lời điện thoại của ông J. Biden.
Nhà báo Jamal Khashoggi
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) bước vào giai đoạn cuối cùng gặp nhiều khó khăn, Washington và Tehran và các nước châu Âu đang tìm cách tháo gỡ. Israel và các nước vùng Vịnh lo ngại thỏa thuận JCPOA được khôi phục, Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran, ảnh hưởng tới an ninh của họ.
Nga, Trung Quốc gần đây tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Tháng 4/2022, Ngoại trưởng Nga và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tiến hành ‘Đối thoại chiến lược lần thứ 5", thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dầu mỏ và quân sự. Ả Rập Saudi là nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc đồng ý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Nội bộ nước Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh tế do đại dịch Covid-19, giá dầu tăng và quản lý kinh tế yếu kém. Tỷ lệ lạm phát lên tới 8-9%, mức cao nhất kể từ 40 năm nay. Đảng Dân chủ của Tổng thống J. Biden đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến tổ chức vào tháng 11/2022 tới.
Mục đích chuyến thăm
Trong bối cảnh nêu trên, trước khi rời Washington, Tổng thống J. Biden tuyên bố chuyến đi này nhằm "sửa chữa những sai lầm" trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Các mục đích chủ yếu đặt ra trong chuyến đi được Nhà Trắng nêu rõ gồm:
Tái khẳng định Mỹ không rời bỏ khu vực, vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết an ninh đối với các đồng minh ở Trung Đông. Thiết lập lại quan hệ với các đồng minh Israel, Ả Rập Saudi và các nước GCC. Làm yên lòng các đồng minh trước khả năng khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) và có thể có những bước hòa dịu với Tehran. Thuyết phục Ả Rập Saudi và các nước GCC tăng sản lượng dầu mỏ để bù đắp lại lượng thiếu hụt do trừng phạt Nga, nhằm ngăn chặn giá dầu tăng vọt trên thị trường, ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và phương Tây. Thúc đẩy bình thường hóa Israel - Ả Rập theo "Thoả thuận Abraham" dưới thời Tổng thống D. Trump, hội nhập đầy đủ Israel vào khu vực. Khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông, tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc đối với khu vực.
Kết quả chuyến thăm
Trong chuyến thăm Israel, Tổng thống J. Biden và Thủ tướng tạm quyền Israel Y. Lapid đã ký một tuyên bố chung mang tên "Tuyên bố Jerusalem", khẳng định trách nhiệm của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh của Israel, cam kết giữ ưu thế quân sự của Tel Aviv và bằng mọi cách không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, kể cả sức ép kinh tế và sử dụng vũ lực khi cần thiết.
Kết thúc "Hội nghị thượng đỉnh GCC 3 ở Jedda", một tuyên bố chung đã được thông qua, khẳng định cam kết giữ gìn an ninh và ổn định ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia vùng Vịnh và Mỹ.
Tuyên bố nêu rõ sự cần thiết hợp tác giữa Mỹ và các nước Ả Rập trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Các bên khẳng định cam kết phát triển hợp tác chung nhằm hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế quốc tế, giải quyết các hậu quả tiêu cực về kinh tế của đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine, đồng thời đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hàng hoá.
Tuyên bố nhấn mạnh ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng khu vực, làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng, an ninh và tình báo trong khu vực, cũng như đảm bảo tự do và an ninh của các tuyến vận tải biển.
Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ khu vực Vùng Vịnh không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, can thiệp vào công việc của các quốc gia trong khu vực, đối đầu với chủ nghĩa khủng bố và mọi hoạt động gây bất ổn khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas
Sau cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, Tổng thống J. Biden khẳng định cam kết của Washington đối với giải pháp hai nhà nước và hứa dành 300 triệu đô la cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) và các bệnh viện Palestine ở Jerusalem.
Bên cạnh đó, một tuyên bố chung giữa Ả Rập Saudi và Mỹ cũng đã được ký kết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chiến lược, kinh tế và đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những hậu quả của nó. Tuyên bố nêu rõ, Mỹ hoan nghênh cam kết của Ả Rập Saudi trong việc hỗ trợ ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tổng thống J. Biden khẳng định cam kết hỗ trợ Ả Rập Saudi về trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình và tạo điều kiện để nước này tiếp cận các khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Đồng thời, Tổng thống J. Biden tuyên bố, việc bình thường hóa với Israel không thay thế cho giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel - Palestine.
Quan hệ giữa Tổng thống J. Biden với Thái tử MBS tiếp tục căng thẳng
Đặc biệt, quan hệ giữa J. Biden và Thái tử MBS vẫn hết sức căng thẳng. Các phương tiện thông tin tin đại chúng đã trích dẫn lại cuộc đối thoại giữa ông J. Biden và Thái tử MBS đã thể hiện điều này.
Ngay khi mở đầu cuộc đàm phán, ông J. Biden đã cảnh báo Thái tử MBS: "Những gì xảy ra với nhà báo Jamal Khashoggi thật khủng khiếp, không nên lặp lại những vụ việc tương tự và nếu điều này xảy ra một lần nữa, Ả Rập Saudi sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ hơn thế nữa của Mỹ."
Thái tử đáp lại: "Điều gì đã xảy ra thật không may, và chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp pháp lý, từ điều tra và xét xử cho đến khi phán quyết được ban hành và thực hiện. Chính phủ Ả Rập Saudi cũng đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn những sai lầm như vậy tái diễn trong tương lai." Trước đây, chính quyền Mỹ đã cáo buộc Thái tử MBS ra lệnh giết nhà báo J. Khashoggi.
Ông cũng nêu rõ, cùng với J. Khashoggi, nhiều nhà báo khác cũng đã bị giết hại ở nhiều nơi trên thế giới và chính Mỹ cũng mắc một số sai lầm, chẳng hạn như sự cố nhà tù Abu Ghraib ở Iraq và vụ sát hại nhà báo Mỹ Sherine Abu Aqleh mới đây. Thái tử MBS cũng đã đặt câu hỏi chính quyền Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới đã có biện pháp gì để ngăn chặn những sai lầm này tái diễn?
Về việc J. Biden nói về các giá trị chung, Thái tử đã đáp lại: "Tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Ả Rập Saudi đều có nhiều giá trị chung và nhiều giá trị riêng, nhưng các giá trị tốt đẹp luôn được các dân tộc chấp nhận. Việc áp đặt các giá trị bằng vũ lực rất phản tác dụng, như đã từng xảy ra ở Iraq và Afghanistan, nơi Mỹ đã không thành công.
Mỗi quốc gia đều có những giá trị riêng cần phải được tôn trọng và nếu Mỹ sẽ chỉ giao thiệp với những quốc gia chia sẻ 100% các giá trị của mình, thì Mỹ sẽ không có bất kỳ nước nào đồng ý ngoại trừ các thành viên NATO, vì vậy chúng ta phải cùng tồn tại trong sự khác biệt này."
Về quan hệ với Iran, Thái tử nói, bàn tay của Ả Rập Saudi vẫn rộng mở với Iran và Ryahd mong muốn bình thường hóa quan hệ với Tehran. Chúng tôi đang thương lượng để tìm ra giải pháp cho các quan ngại của chúng tôi. Các cuộc đàm phán hiện nay đang diễn ra với Iran là tích cực, mặc dù chưa đạt được kết quả cụ thể. Đối thoại và ngoại giao là biện pháp duy nhất để đạt được giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Chuyến đi của Tổng thống J. Biden không đạt được kết quả mong muốn
Tháng 4/2022, Thái tử MBS đã từ chối một cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống J. Biden về đề nghị tăng sản lượng dầu để kiềm chế tăng giá trong bối cảnh Washington áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Trong chuyến thăm này của J. Biden, Ryahd cũng đã từ chối đã đáp ứng yêu cầu của Washington. Ngoại trưởng Faisal bin Farhan tuyên bố, Ryahd chỉ phối hợp hành động nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu trong khuôn khổ OPEC .
Tại hội nghị thượng đỉnh Jedda, các nhà lãnh đạo Ả Rập đều phát biểu khẳng định, không thể có an ninh cũng như ổn định ở khu vực nếu không có giải pháp cho vấn đề Palestine trên cơ sở thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới năm 1967. Không có nước Ả Rập nào tham gia thêm vào "Thoả thuận Ibraham".
Ả Rập Saudi nhấn mạnh, việc mở cửa không phận cho tất cả các máy bay dân dụng không liên quan gì đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và không phải là bước dạo đầu cho các bước đi tiếp theo.
Trở lại giải pháp hai nhà nước, nhưng chính quyền của Tổng thống Biden vẫn duy trì đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, vẫn không cho mở lại văn phòng đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Wasshington D.C và đặc biệt vẫn thiên vị Israel thì không thể nào có giải pháp cho cuộc xung đột.
Về việc thành lập một liên minh chống Iran, Ngoại trưởng Faisal bin Farhan nói, không thể có bất kỳ hình thức hợp tác quân sự hoặc kỹ thuật nào với Israel và không có cái gọi là "NATO Ả Rập", đề xuất của Mỹ về một hệ thống "an ninh tập thể" hoặc "liên minh phòng thủ" đã không được thảo luận.
Iran lên án mạnh mẽ "Tuyên bố Jerusalem" về hợp tác an ninh giữa Washington và Tel Aviv chủ yếu nhằm chống lại Tehran. Tehran cho rằng, J. Biden đang lặp lại sai lầm của mình ở Ukraine trong việc mở rộng NATO, tìm cách thành lập một liên minh khu vực chống lại Iran ở Trung Đông, đi ngược lại cam kết và mong muốn của ông trong việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo: "Iran sẽ đáp trả khốc liệt đối với bất kỳ sai lầm nào của Washington và các đồng minh gây bất ổn ở Trung Đông, Iran sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của khu vực, sẵn sàng đối đầu với bất kỳ âm mưu nào nhằm gây bất ổn về an ninh cho khu vực."
Ý tưởng thành lập mặt trận chống lại Nga và Trung Quốc ở Trung Đông cũng không được các nước khu vực đáp ứng. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đến các nước vùng Vịnh tháng 5/2022 tham gia "Đối thoại chiến lược GCC - Nga" đã thể hiện niềm tin trong quan hệ giữa các nước này với Moscow.
Khác với Mỹ, Nga ủng hộ mạnh mẽ vai trò của Thái tử MBS, phản đối Houthi bắn tên lửa vào Ả Rập Saudi, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine. Bất chấp áp lực mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu, các nước GCC vẫn từ chối tham gia lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga và cam kết tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Nga trong khuôn khổ OPEC .
Trong khi đó, Ả Rập Saudi là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc đã đồng ý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thay cho đồng USD.
Mặc dù Mỹ và các nước đánh giá khác nhau về kết quả chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống J. Biden, nhưng dư luận chung cho rằng kết quả đạt được trong chuyến đi là hết sức khiêm tốn.
(*) tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại