"Nhiều khả năng đây là cuộc đảo chính có tổ chức do Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan thực hiện để nhằm đổ tội cho những người theo phong trào Gulen và quân đội" – ông Fathullah Gulen nói với các phương tiện truyền thông ngày 16-7.
Trước đó, Erdogan đã lên tiếng buộc tội giáo sĩ Gulen và phong trào Hizmet nổi tiếng, tìm cách giành chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ tay ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16-7 cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ dẫn độ Gulen về Ankara.
Giáo sĩ Gulen có thẻ xanh của Mỹ nhưng không phải công dân Mỹ, nói thêm rằng ông không quan tâm đến viễn cảnh bị trục xuất. Hiện ông sống lưu vong tại bang Pennsylvania. "Tôi không tin rằng thế giới sẽ xem những cáo buộc của Tổng thống Erdogan chống lại tôi là nghiêm túc" – Giáo sĩ Gulen chia sẻ trước khi lên án việc sử dụng bạo lực lật đổ ông Erdogan.
Hiện tại có ít nhất 265 người bị giết trong nỗ lực giành chính quyền nhưng thất bại của một nhóm quân nhân vào tối 15-7. Bên cạnh số người thiệt mạng, khoảng 2.800 quân nhân bị bắt và 2.700 thẩm phán bị cắt chức.
Trước khi ông Fethullah Gulen lên tiếng cáo buộc Erdogan dựng màn kịch đảo chính, nhiều nhà quan sát suy đoán thuyết âm mưu đã nghi ngờ điều này.
Họ cũng cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dựng màn kịch để có cơ hội thanh lọc quân đội và tăng cường kiểm soát đất nước. Một số khác lo lắng ông Erdogan sẽ dùng vụ đảo chính để đàn áp mạnh tay hơn những ai dám chống đối.
Tổng thống Erdogan. Ảnh: Reuters
Đồng thời, ông Fethullah Gulen cũng so sánh hành động của Erdogan không khác gì trùm phát xít Đức Adolf Hitler từng làm trong quá khứ để trấn áp các chính đảng, người chống đối ở Đức trước đây, từ đó biến đất nước thành một "nhà nước cảnh sát".
Những năm đầu khi Erdogan đắc cử Tổng thống năm 2003, ông dựa vào sự hỗ trợ của Hizmet, chiếm khoảng 10% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Erdogan và Gulen từ đồng minh trở thành đối đầu cho đến nay.
Cuộc đảo chính thất bại tối 15-7 dẫn đến tranh cãi ngoại giao giữa Ankara và Washington dù Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ che chắn cho Gulen khỏi bị truy tố và thậm chí còn bóng gió rằng đây là hành động "thù địch" nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi kêu gọi Mỹ và Tổng thống nước này hãy nhanh chóng trao Gulen đang sống lưu vong tại Pennsylvania cho chúng tôi" - ông Erdogan lên tiềng, cũng như nói thêm rằng nhiều thứ sẽ thay đổi khi Mỹ bắt và trao trả Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ.