Khi Tổng thống Rodrigo Duterte đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức của mình, ông sẽ được chào đón bởi một sân bay hoành tráng, một đường cao tốc nhiều làn xe với hàng trăm nhà máy lớn hai bên đường, đường truyền Internet cực nhanh và hàng triệu chiếc xe máy.
Philippines dựa vào nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam rất nhiều
Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá để trở thành một trong những nước có nền kinh tế đang phát triển thành công nhất thế giới.
Tổng thống có thể sẽ tự hỏi rằng liệu có thể tiếp thu được gì từ Việt Nam hay không. Tôi đề xuất ba điều.
Tôi đã rút ra những bài học này từ 40 chuyến đến Việt Nam trong 8 năm qua, nơi tôi từng dạy cho hơn 1.000 quan chức cấp cao và từng là cố vấn cho Chính phủ Việt Nam.
Bài học đầu tiên là về phát triển kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong vòng 20 năm qua. Với tỉ lệ này, nền kinh tế đã tăng trưởng gần 14 lần và tăng thu nhập bình quân đầu người gần 10 lần. Kết quả là, tỉ lệ nghèo giảm từ 60% những năm 1990 còn 20% như ngày nay.
Sự gia tăng nhanh chóng trong thu nhập của các hộ gia đình có thể là kết quả của nền sản xuất và nông nghiệp theo hướng xuất khẩu. Từ thời kỳ thiếu đói cuối những năm 1980, ngày nay Việt Nam đã là một trong những nhà xuất khẩu gạo, thủy sản và cà phê hàng đầu thế giới.
Thực tế, Philippines dựa vào nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam rất nhiều.
Xét về khía cạnh sản xuất, ngày nay Việt Nam đang làm tốt hơn nhiều so với Philippines. Thật sự, tăng trưởng và phát triển kinh tế là một "nỗi ám ảnh" của các quan chức Việt Nam.
Việt Nam ủng hộ nhiệt tình TPP
Bài học thứ hai, đó là chủ nghĩa thực tế.
Việt Nam là một ví dụ rất tốt cho việc tự do hóa kinh tế trong Hiến pháp Philippines. Việt Nam là một quốc gia đậm tính dân tộc, đồng thời cũng là đất nước thực tế.
Năm 1987, sau những khó khăn ban đầu Việt Nam quyết định "mở cửa", chuyển sang tự do hóa nền kinh tế và chào đón đầu tư nước ngoài.
Trải qua một cuộc chiến đấu chống Mỹ dai dẳng và đầy cam go với hàng triệu người hi sinh, ngày nay Việt Nam là nước ủng hộ nhiệt tình (và cũng là nước thụ hưởng chính) từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.
Việt Nam hiện vẫn có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng điều này không làm cản trở mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ của mình. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch Việt Nam - Trung Quốc đạt 66,6 tỉ USD trong năm 2015, tăng 13% so với năm 2014.
Việt Nam cũng đã cố gắng theo con đường công nghiệp hóa tự thân (như Philippines đang làm) bằng cách đóng tàu và xây dựng nhà máy thép, nhưng đã thất bại vì vấn nạn tham nhũng và thiếu lợi thế cạnh tranh.
Giờ đây Việt Nam đã từ bỏ nỗ lực công nghiệp hóa tự thân, giảm quy mô các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và tập trung xem lĩnh vực tư nhân là động lực tăng trưởng.
Việt Nam - hiện thân cải cách kinh tế thành công nhất thế giới
Bài học thứ ba là sự phân quyền.
Việt Nam là minh chứng tốt cho một bộ máy phân quyền tốt hơn chính phủ ở Philippines.
Nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy phát triển là nhờ sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh, thành và khu vực được phân quyền rõ ràng.
Các tỉnh có được quyền tự chủ đáng kể trong việc quyết định phát triển kinh tế của địa phương mình. Mỗi tỉnh và thành phố phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư.
Có ba đầu máy chính của nền kinh tế - Hà Nội ở miền Bắc, Đà Nẵng ở miền Trung và TP.HCM ở miền Nam.
Ngày nay, Việt Nam là hiện thân cho một trong những sự cải cách kinh tế thành công nhất trên thế giới.
Tổng thống Duterte nên mang theo cố vấn kinh tế của mình đến để có cái nhìn sâu hơn về Việt Nam.