Công tố viên hàng đầu của Brazil đồng ý yêu cầu điều tra Tổng thống Jair Bolsonaro vì lơ là trách nhiệm trong quá trình mua vắc-xin của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Bolsonaro bị cáo buộc liên quan đến những bất thường xung quanh hợp đồng trị giá 316 triệu USD được ký vào tháng 2 mua 20 triệu liều vắc-xin của nhà sản xuất Bharat Biotech (Ấn Độ) với một công ty trung gian Brazil. Chính phủ đã đình chỉ hợp đồng hôm 29-6 sau khi một ủy ban của Thượng viện nghi ngờ về vấn đề định giá quá cao và tham nhũng. Lơ là trách nhiệm ở Brazil bị xem là tội hình sự.
Quá trình điều tra tổng thống của văn phòng công tố hàng đầu cần phải được sự cho phép chính thức của Tòa án Tối cao và Thẩm phán Rosa Weber trong tuần này đã ra lệnh tiến hành ngay lập tức. Tổng công tố viên Augusto Aras, người được ông Bolsonaro bổ nhiệm vào vị trí này, đã muốn trì hoãn cuộc điều tra cho đến khi cuộc điều tra của Thượng viện kết thúc nhưng Thẩm phán Weber đã từ chối yêu cầu của ông.
3 thượng nghị sĩ đảng đối lập trong ủy ban Thượng viện hôm 28-6 đã yêu cầu điều tra về cáo buộc tham nhũng trong thỏa thuận Covaxin. Các thượng nghị sĩ lập luận rằng ông Bolsonaro đã không hành động khi ông được quan chức Bộ Y tế Luis Ricardo Miranda và nghị sĩ Luis Miranda thông báo hồi tháng 3 về những bất thường trong cuộc đàm phán mua vắc-xin Covaxin.
Tuy nhiên, chính phủ Brazil phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào và cho biết ông Bolsonaro đã chuyển thương vụ Covaxin cho Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là ông Eduardo Pazuello phụ trách, quan chức này cũng không phát hiện điều gì bất thường.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vắc-xin, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cam kết chuyển 4 triệu liều vắc-xin của hãng Moderna cho Indonesia sớm nhất có thể thông qua cơ chế COVAX bên cạnh các hỗ trợ khác.
Theo hãng tin Reuters, ông Sullivan cho biết khoản quyên góp này nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho người dân Indonesia trong bối cảnh nước này chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số ca mắc Covid-19.
Theo Nhà Trắng, hai quan chức cũng đang thảo luận về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực đối phó dịch Covid-19 quy mô lớn hơn của Indonesia.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và đang chật vật với một trong những đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất châu Á.
Indonesia ghi nhận 25.830 ca nhiễm và 539 ca tử vong trong ngày 2-7. Chính quyền Indonesia đang phụ thuộc phần lớn vào vắc-xin Sinovac của Trung Quốc và tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời đã cấp phép khẩn cấp cho một số loại vắc-xin khác, bao gồm Moderna của Mỹ.