Các bệnh viện ở Indonesia hiện đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: CGTN
Bác sĩ người Indonesia – Cheras Sjarfi cho biết bệnh công nơi cô làm việc ở thủ đô Jakarta bị "làn sóng" bệnh nhân COVID-19 ập đến khi chưa có sự chuẩn bị kĩ càng.
Bệnh viện này vốn chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhưng nay phải tiếp nhận điều trị cho cả bệnh nhân COVID-19 bất chấp tình trạng thiếu máy thở và phòng chăm sóc đặc biệt.
"Chúng tôi không chuẩn bị cho tình huống này", Sjarfi (28 tuổi) nói, đồng thời cho biết nhiều bệnh viện khác cũng đang trải qua tình trạng tương tự.
Nhiều bệnh viện phải dựng lều để điều trị tạm thời cho các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: CGTN
Ảnh: CGTN |
Theo Sjarfi, gần như tất cả các bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 ở bệnh viện của cô đều nhận kết quả dương tính sau đó một tuần.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với 275 triệu dân, đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Indonesia hiện đang là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, với số ca mắc mới liên tục lập kỉ lục trong vòng 11 ngày qua. Ngày 1/7, 24.836 ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận ở Indonesia, với 504 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia hiện đã lên tới 2,2 triệu ca, với gần 59.000 ca tử vong.
Các bệnh viện ở thủ đô Jakarta trong tuần này phải hoạt động với 93% công suất. Các bệnh viện trên khắp Java cũng gần như kín chỗ. Ba bệnh viện công, cũng như các phòng cấp cứu, đã được chuyển đổi để chỉ tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo trong tuần này rằng Indonesia đang ở bên bờ vực của thảm họa.
Các nhân viên dịch vụ tang lễ kiệt sức vì quá tải. Ảnh: CGTN |
Ảnh: CGTN
"Chúng tôi chỉ biết tiếp nhận bệnh nhân bằng tất cả khả năng của mình. Để họ thở oxy, kiểm tra huyết áp và quan sát họ", Sjarfi nói. Nhưng nếu tình hình của bệnh nhân xấu đi, thì chưa chắc bệnh viện khác có thể tiếp nhận họ.
"Trường hợp xấu nhất là họ phải trút hơi thở cuối cùng ở đây. Tôi thất rất buồn dù đã thấy người chết nhiều lần."
Nữ bác sĩ hiện đang làm việc theo ca 12 tiếng, gấp đôi thời gian bình thường, sau khi một số đồng nghiệp của cô nhiễm bệnh.
Để kiểm soát làn sóng dịch bệnh, cơ quan chức năng Indonesia đã ban hành một loạt quy định mới, bao gồm hạn chế di chuyển bằng đường hàng không, cấm các nhà hàng phục vụ tại chỗ, và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu.
Nguồn cung oxy cho các bệnh viện cũng đã tăng gấp ba lần, khi dữ liệu cho thấy biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) đang chiếm tới 60% số ca mắc mới.
Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết 3/4 sản lượng oxy quốc gia được sử dụng cho ngành công nghiệp sẽ được chuyển sang cho các bệnh viện trong hai tuần tới. "Chúng tôi đã học hỏi từ Ấn Độ", ông Sadikin nói.
Trên thị trường, bình dưỡng khí đã trở thành một trong những mặt hàng được săn lùng nhiều nhất ở các thành phố lớn ở Java, khi nhiều người buộc phải tự điều trị ở nhà thay vì đến bệnh viện. Giá bình oxy ở Jakarta đã tăng hơn gấp đôi từ 50 đô la/thùng lên 140 đô la/bình.
Người dân xếp hàng mua bình dưỡng khí. Ảnh: CGTN
Ảnh: Rex
Bộ trưởng Y tế Sadikin cho biết chính phủ từng dự đoán số ca mắc COVID-19 ở Indonesia sẽ đạt đỉnh trong tuần đầu tiên của tháng Bảy. Nhưng tình hình hiện tại được Sadikin nhận định là không thể đoán trước được, vì biến thể Delta lây lan rất nhanh. "Rất khó để dự đoán một cách chính xác, vì đây là biến thể mới."