Tổng thống Biden và áp lực từ một thỏa thuận thời người tiền nhiệm Trump

Hà Linh |

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu sức ép để ra quyết định liệu có chấp hành thỏa thuận hòa bình đạt được dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump để đến 1/5 đưa 2.500 binh sĩ tại Afghanistan hồi hương hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đặt mục tiêu vào ngày 1/5 sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan. Thỏa thuận đạt được năm 2020 giữa Mỹ và Afghanistan tạo cơ hội để Washington giảm hoạt động nhưng kèm theo điều kiện là bạo lực thuyên giảm và Kabul cùng Taliban có đối thoại hòa bình hiệu quả. Theo Bloomberg, Taliban sau đó ngưng tấn công người Mỹ bởi tin rằng lực lượng quân sự nước ngoài sẽ rời đi.

Hãng tin Bloomberg cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một bức thư gửi Tổng thống Afghanistan đã nêu rõ về việc nên tăng cường đối thoại hòa bình với Taliban.

Nhưng ông Madiha Afzal tại Viện Brookings (Mỹ) phân tích: “Nếu quân đội Mỹ rời đi vào ngày 1/5, xung đột sẽ gia tăng giữa Taliban và Kabul. Rồi Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng bạo lực kéo dài. Nếu chúng ta ở lại, Taliban lại tấn công quân đội Mỹ trong khi Tổng thống Biden sẽ bị đổ trách nhiệm kéo dài cuộc chiến tranh lâu dài nhất của Washington”.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tránh cam kết công khai về việc rút quân hoàn toàn hoặc kéo dài thêm thời gian ở lại Afghanistan trong khi hạn chót về hậu cần cho quá trình này chỉ còn vài ngày tới.

Nhà nghiên cứu Adam Weinstein tại Viện Quincy về trách nhiệm quản lý nhà nước tại Washington phân tích: “Gánh nặng hậu cần không chỉ nằm ở việc đưa binh sĩ ra khỏi nước sở tại mà kèm theo đó là cả các thiết bị nhạy cảm”.

Sau khi thỏa thuận đạt được năm 2020, tình hình an ninh tại Afghanistan không khả quan hơn. Bạo lực leo thang và theo Liên hợp quốc (LHQ), trong năm 2020, có 8.820 người dân thường Afghanistan thiệt mạng hoặc bị thương.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez từng nói: “Nếu xác thực được Taliban không thực hiện được cam kết thì chúng ta có thể cân nhắc lại hạn chót 1/5. Bạn không thể bước vào thỏa thuận hòa bình nếu một bên đáp ứng các yêu cầu nhưng bên kia thì ngược lại”.

Việc rút quân nhanh chóng và gọn gàng có thể làm hài lòng dư luận về cam kết của Tổng thống Biden từ giai đoạn vận động tranh cử là “chấm dứt các cuộc chiến tranh dài đằng đẵng”. Diễn biến này còn có thể khiến những cá nhân tại Quốc hội vốn yêu cầu giảm các cuộc xung đột tốn kém sẽ ngừng lên tiếng.

Tuy nhiên, rút quân quá vội vàng có thể dẫn đến khả năng Taliban tái nắm giữ quyền lực.

Ngoài ra, viễn cảnh Taliban quay trở lại hoặc bùng phát nội chiến tại Afghanistan cũng mang rủi ro liên quan đến cuộc cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông David S. Sedney từng công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nhận xét: “Trung Quốc sẽ theo dõi hoạt động của Mỹ trên khắp thế giới. Nếu Mỹ lùi bước và giảm quy mô thì Trung Quốc sẽ tìm cách lợi dụng điều này. Vì vậy ý tưởng lờ đi một số nơi trên thế giới để tập trung vào Trung Quốc là sai lầm”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại