Trong cuộc họp báo ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông chưa nhận thấy mối đe dọa hạt nhân nào từ vũ khí chống vệ tinh của Nga đối với người dân Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
“Bất cứ điều gì Nga đang làm và sẽ làm liên quan đến vệ tinh trong không gian đều có thể ảnh hưởng xấu đến các hệ thống không gian này" , Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner hôm 14/2 cảnh báo về "mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng".
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lặp lại quan điểm này, nói rằng "khả năng này không cao".
Trước đó, ngày 15/2, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby xác nhận xuất hiện các mối đe dọa an ninh quốc gia mới từ việc Nga không ngừng phát triển khả năng chống vệ tinh. Sau đó, Tổng thống Biden đã yêu cầu các quan chức Nhà Trắng bắt đầu liên lạc ngoại giao trực tiếp với Nga liên quan đến vấn đề này.
Ông Kirby nói thêm rằng mặc dù việc Nga phát triển khả năng chống vệ tinh là điều đáng lo ngại nhưng nó không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho sự an toàn của bất kỳ ai .
Ngày 17/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Washington vẫn chưa liên hệ với Moskva về các đề xuất hợp tác về vũ khí chống vệ tinh, nhưng Nga sẵn sàng làm việc nếu những sáng kiến như vậy xuất hiện.
“Nếu có bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ”, ông Peskov nói với các phóng viên khi trả lời câu hỏi về sự sẵn sàng hợp tác của Nga đối với Mỹ về vấn đề này.
Giới phân tích theo dõi các chương trình không gian của Nga cho biết mối đe dọa trong không gian đó có thể không phải là đầu đạn hạt nhân mà là một thiết bị năng lượng cao, cần năng lượng hạt nhân để thực hiện một loạt cuộc tấn công chống lại vệ tinh.
Chúng có thể bao gồm thiết bị gây nhiễu tín hiệu, vũ khí có thể làm mù cảm biến hình ảnh hoặc xung điện từ (EMP) đốt cháy tất cả các thiết bị điện tử của vệ tinh trong một vùng quỹ đạo nhất định.
Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2023 cho biết Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh riêng lẻ và cũng có thể đang phát triển "các hệ thống sử dụng năng lượng cao hơn nhắm vào các vệ tinh".
Theo các quan sát nếu Nga đưa vũ khí hạt nhân lên quỹ đạo, đó sẽ là hành động vi phạm Hiệp ước không gian vũ trụ - 1967 mà Mỹ và Nga đều là thành viên. Hiệp ước này cấm các bên ký kết đặt vào quỹ đạo quanh trái đất bất kỳ vật thể nào mang vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.