Tổng thống Biden tặng ông Putin "món quà bất ngờ": Đảng Cộng Hòa tức giận, châu Âu gióng chuông cảnh báo

Duy Anh |

Mỹ tạm dừng cấp phép các dự án xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Mỹ dừng cấp phép dự án xuất khẩu LNG

Tạp chí Foreign Policy đánh giá, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm dừng cấp phép cho các dự án xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới của Mỹ trong tương lai khiến đảng Cộng hòa tức giận, các đồng minh nước ngoài đang ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Mỹ lo ngại. Động thái đặt ra câu hỏi về tương lai của nguồn năng lượng mới nhất thế giới này.

Cuối tháng trước, chính quyền Tổng thống Biden thông báo sẽ tạm dừng phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới. Hành động này được cho là sẽ không làm ảnh hưởng đến các dự án kho cảng đang được xây dựng.

Mỹ nêu ra 2 lý do cho động thái này. Đầu tiên là bởi những lo ngại kéo dài rằng việc vận chuyển lượng lớn khí đốt giá rẻ của Washington ra nước ngoài có thể làm ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của nước này về năng lượng giá rẻ.

Thứ hai, Mỹ cho rằng quá trình sản xuất, vận chuyển và bảo quản LNG cũng gây tác động tới môi trường không kém than đá. 

Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố: "Việc tạm dừng phê duyệt các dự án LNG mới cho thấy bản chất của cuộc khủng hoảng khí hậu - mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta."

LNG-tanker-GettyImages-1248842446.jpg

Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng cập cảng Piombino của Ý vào ngày 20/3/2023. Ảnh: AFP

Thành viên Đảng Cộng hòa phản đối

Trong nhiều năm, việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giúp các nước châu Á và châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng từ than đá và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Điều này đặc biệt quan trọng ở các nước châu Âu - khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến lục địa này phải tính toán đến việc đột ngột mất đi nguồn năng lượng nhập khẩu lớn từ Moscow. 

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á và châu Âu phản đối việc tạm dừng các dự án LNG của Mỹ, cho rằng điều này có thể đe dọa khả năng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế của họ.

Các thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Năng lượng Hạ viện phản đối động thái này, gọi đây là món quà mà Mỹ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vì họ coi đó là mối đe dọa đối với an ninh của các đồng minh của Mỹ. 

Ngày 26/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nhấn mạnh việc Tổng thống Biden quyết định tạm dừng xuất khẩu LNG sẽ mở rộng khả năng của Nga và khiến châu Âu phụ thuộc vào nhiên liệu Nga.

Foreign Policy nhận định, việc tạm dừng các dự án chỉ ảnh hưởng đến một số dự án trong tương lại chứ không ảnh hưởng đến công suất xuất khẩu LNG đang được trển khai trên toàn thế giới.

640x426_cmsv2_8e0a56b9-b222-5423-ae01-f1a3f8218ed3-8208160.webp

Một nhà ga LNG ở Lusby, MD, tháng 11 năm 2014. Ảnh: AP

Các tập đoàn châu Âu "gióng chuông cảnh báo"

Trong nhiều thập kỷ trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nổ ra, Moscow là nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Châu Âu sau đó đã giảm một nửa lượng nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga vào năm 2022 và giảm tiếp một nửa vào năm 2023. 

Kết quả này có được là nhờ châu Âu tăng vọt lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Châu lục này đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Mỹ và Washington cũng trở thành nhân tố quan trọng để châu Âu thoát khỏi áp lực kinh tế sau khi "cai" khí đốt Nga. 

Fox News cho biết, các tập đoàn công nghiệp năng lượng ở châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng việc tạm dừng các dự án của Mỹ có thể gây bất lợi cho an ninh năng lượng của lục địa này trong tương lai nếu nguồn cung khí đốt từ xuất khẩu LNG hiện giờ không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Tập đoàn Uniper - nhà kinh doanh khí đốt lớn nhất của Đức - cho biết: “Hành động của Mỹ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh năng lượng của Đức và châu Âu, chẳng hạn như khả năng đẩy giá năng lượng tăng cao do nguồn cung trên thị trường bị hạn chế."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại