Theo báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, mức thu nhập bình quân của người lao động tại Tổng Công ty trong năm 2015 đạt 14,61 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, tiền lương bình quân mỗi tháng là 14,15 triệu đồng, thấp hơn 28% so với kế hoạch đặt ra đầu năm 2015 là 19,65 triệu đồng.
Còn với cán bộ quản lý tại Tổng Công ty (TCT), thu nhập bình quân năm 2015 là 38,48 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, mức lương bình quân là 37,03 triệu đồng, thấp hơn 9% so với kế hoạch.
Trong năm vừa qua, ông Dương Khánh Toàn – Chủ tịch HĐQT TCT Sông Đà có thu nhập bình quân 46,16 triệu đồng/tháng, ông Hồ Văn Dũng – Tổng Giám đốc có thu nhập 43,15 triệu đồng/tháng.
Năm 2016, TCT Sông Đà đặt kế hoạch tiền lương của người lao động là 21,87 triệu đồng/tháng (tức gần nghìn USD/tháng), tăng 55% so với thực hiện năm 2015; Tiền lương của ban quản lý cũng tăng 11% lên 41,04 triệu đồng/tháng.
Thu nhập đã và đang được nhiều người quan tâm. Cách đây không lâu, một báo cáo cho thấy thu nhập bình quân người lao động Viettel trong năm 2015 đạt 30,5 triệu đồng/người/tháng.
So với mức thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/tháng của người lao động tại Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam- VNPT thì thu nhập tại Viettel cao gấp 1,8 lần.
Trong khi đó, câu chuyện thật như đùa trong ngành mấy năm trước rất nóng là ngành ngân hàng lại khiến người ta suy nghĩ rất nhiều. Lâu nay ai cũng nghĩ rằng, cứ nhân viên ngân hàng là lương cao thưởng lớn.
Ấy thế nhưng trên thực tế, nhiều cán bộ làm ngân hàng có “mác xịn” hẳn hoi vẫn kêu than vì lương không đủ ăn. Nhiều người còn chưa đầy 1/3 lương bình quân mà Tổng Sông Đà lên kế hoạch trả cho nhân viên năm 2016.