Tổng hợp các cách giúp tiết kiệm điện khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ

A.M |

Đang là mùa nắng nóng, hầu hết các gia đình đều bật máy lạnh để giảm nhiệt trong khi giá điện mới đây lại tăng cao. Điều nhiều người quan tâm là dùng máy điều hoà nhiệt độ thế nào để tiết kiệm điện?

Không để nhiệt độ quá thấp

Do trời nóng, nhiều người có xu hướng điều chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp để mong làm lạnh nhanh nhất có thể. Điều này vừa gây tốn tiền điện vừa làm cho chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời quá cao dễ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt khi ra khỏi phòng, nhất là người già và trẻ em. 

Khi giảm nhiệt độ quá thấp thì máy điều hoà sẽ phải vất vả hoạt động ở công suất lớn để điều chỉnh nhiệt độ xuống mức cài đặt, trong khi việc này không giúp đạt được nhiệt độ mong muốn nhanh hơn, mà chỉ làm tiêu tốn điện năng hơn do máy phải hoạt động đến khi đạt đến nhiệt độ thấp nhất mới có thể dừng lại. 

Cách hữu hiệu hơn là bạn tăng tốc độ quạt gió lên, nhiệt độ sẽ nhanh chóng tản đều ra khắp phòng.

Để sử dụng máy lạnh có hiệu quả về điện, ta nên chọn nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 – 27°C. Do đó, chọn nhiệt độ 26°C là nhiệt độ thích hợp để máy lạnh của bạn có thể hoạt động một cách tối ưu nhất, không tốn quá nhiều điện năng mà vẫn duy trì một nhiệt độ vừa phải và phù hợp (do nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch quá lớn).

Kéo rèm cửa che nắng, hạn chế trao đổi nhiệt với bên ngoài

Thiết kế cửa kính của các toà nhà trông hiện đại và sang trọng nhưng đồng thời cũng hấp thụ nhiệt rất nhiều. Hãy sử dụng loại rèm vải dày và đóng rèm ban ngày để nắng không làm nóng không khí trong nhà, sẽ giúp giảm bớt chi phí điện năng khi bật máy điều hoà nhiệt độ. 

Hiện nay có loại rèm nằm trong hộp kính, có thể điều chỉnh nâng lên hạ xuống bằng tay hoặc tự động có thể giúp người sử dụng tiết kiệm điện năng do khả năng cản ánh sáng và giảm sự truyền nhiệt vào trong nhà.

Để tiết kiệm điện, bạn nên lắp đặt điều hòa ở phòng kín ít có các khe hở để tránh làm thất thoát nhiệt ra ngoài, từ đó giúp điều hòa hoạt động nhanh hơn. Việc ra vào mở cửa phòng liên tục cũng sẽ làm thất thoát nhiệt, khiến máy phải làm việc nhiều hơn.

Nếu bạn không ra khỏi nhà quá lâu thì không nên tắt điều hòa. Tốt nhất bạn hãy tăng nhiệt độ máy lạnh lên nhiệt độ cao nhất (30 hoặc 32 độ) và đóng tất cả cửa sổ, mành rèm lại. Việc che kín phòng sẽ ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng làm nhiệt độ phòng tăng lên quá cao. 

Khi quay trở lại, có thể bạn sẽ thấy nóng trong vài phút nhưng hơi nóng tỏa ra cũng không quá lớn đến mức mà máy lạnh của bạn phải hoạt động để làm mát lại từ đầu. Mẹo này áp dụng khi nhiệt độ bên ngoài quá cao.

Sử dụng kết hợp giữa quạt điện và điều hòa

Nhiều người có thói quen đặt một chậu nước sạch trong phòng điều hoà để tránh khô da. Bạn có thể kết hợp sử dụng thêm một quạt điện thổi vào chậu nước này, gió từ quạt sẽ giúp lưu thông không khí trong phòng nhanh hơn và phân bố khí mát từ điều hòa đều hơn, từ đó tiết kiệm điện hơn. 

Bạn sẽ thấy mát nhanh hơn mà không cần giảm nhiệt độ, rút ngắn thời gian sử dụng điều hòa và tiết kiệm tối đa điện năng.

Hẹn giờ tắt máy

Nếu thời tiết dịu đi vào ban đêm hoặc sáng sớm, bạn có thể hẹn giờ để máy điều hoà tự tắt điện thay vì chạy thâu đêm suốt sáng. Vào ban đêm khi bạn ngủ, nhiệt độ cơ thể hạ thấp và có thể bạn sẽ thấy lạnh khi bật điều hoà, vì thế hẹn giờ tắt máy vừa giúp tránh cho bạn bị lạnh, vừa giảm tiền điện.

Để chế độ quạt gió tự động

Việc này giúp tiết kiệm điện vì công suất hoạt động của máy nhỏ hơn các chế độ khác, đồng thời cả căn phòng sẽ được mát một cách toàn diện. Do gió được lưu thông trong phòng một cách tự động, bạn sẽ thấy không khí dễ chịu và dịu dần, thay vì quạt quá mạnh có thể gây mệt.

Chọn chế độ "Dry" thay vì chế độ "Cool"

Một số máy điều hòa có chế độ Dry (hút ẩm, làm khô, có hình giọt nước), nếu máy điều hòa nhà bạn có chế độ này, hãy lựa chọn biểu tượng hình giọt nước thay vì hình bông tuyết (tức chế độ Cool – lạnh). Thao tác đơn giản trên sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa 10 lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.

Tổng hợp các cách giúp tiết kiệm điện khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ - Ảnh 1.

Chế độ làm lạnh (bên trái) và chế độ làm khô (bên phải)

Tính năng làm khô giúp hạ thấp nhiệt độ trong phòng bằng cách làm giảm độ ẩm trong không khí và nó chủ yếu được áp dụng ở những nơi có khí hậu nhiệt đới, độ ẩm trong không khí cao gây khó chịu. Cách làm này giúp giảm nhiệt độ trong phòng nhưng không lại không cần làm nóng phía bên ngoài để đảm bảo luồng không khí mát hơn.

Khi sử dụng "Dry", lượng hơi nước không mất đi hoàn toàn mà vẫn nằm trong bộ phận khử nước. Lượng nước này sẽ được trả lại không khí một phần và chu trình làm mát lại quay vòng, do đó độ ẩm trong phòng vẫn được duy trì ở một mức nhất định, thường ở mức 60%. Do vậy, vận hành theo cách này sẽ giúp máy điều hòa tiết kiệm điện hơn kha khá so với chế độ thông thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý, chế độ Dry chỉ thực hiện chức năng khử ẩm, duy trì nhiệt độ hiện tại của phòng chứ không có khả năng làm lạnh. Khi chuyển sang chế độ Dry, chúng ta có thể cảm thấy mát hơn do hơi ẩm trong phòng bị hạ xuống, nhưng sẽ chỉ hiệu quả trong những ngày trời mát, nhiệt độ không quá cao.

Dùng tấm bạc chống nhiệt để phủ dàn nóng

Việc này giúp cho dàn nóng của điều hòa không bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu có điều kiện, người sử dụng có thể làm khung chống nóng bằng gỗ hoặc các vật liệu cách nhiệt khác tốt hơn. Chi phí để mua tấm bạc chống nhiệt khá rẻ nhưng có thể giúp tiết kiệm tiền điện của điều hòa từ 5% đến 10%.

Lắp đặt hợp lý

Chọn đúng vị trí lắp đặt hệ máy lạnh sẽ giúp tiết kiệm điện năng. Giàn nóng máy lạnh nên lắp đặt tại nơi thông thoáng, tránh cho nắng chiếu vào bên trong giàn làm tăng nhiệt độ thiết bị. Tại khu vực có nhiều gió, hướng lắp đặt tốt là để quạt làm mát thổi vuông góc với hướng gió. Việc này sẽ làm tăng khả năng thoát nhiệt của thiết bị. Chú ý, không được lắp đặt giàn nóng ở những nơi có nguồn nhiệt, khói thải hoặc hoá chất gây bẩn, ăn mòn.

Chênh lệch độ cao và khoảng cách giữa giàn lạnh - giàn nóng cần bố trí hợp lý, ngắn nhất để vừa tiết kiệm chi phí vật tư, vừa tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Đối với máy lạnh thông thường, chiều dài đường ống ga không nên vượt quá 5m và chênh lệch độ cao không nên vượt quá 3m. Việc vượt quá các định mức trên càng nhiều sẽ càng gây suy giảm năng suất lạnh đáng kể của hệ thống.

Sử dụng điều hòa đúng cách

Trong giàn lạnh có hai bộ cánh giúp điều chỉnh gió lạnh ra khỏi giàn theo các hướng mong muốn. Người dùng nên điều chỉnh các cánh gió sao cho hơi lạnh thổi tập trung đến nơi cần làm lạnh nhất.

Luôn luôn tắt máy lạnh khi không còn nhu cầu sử dụng. Nếu không có nhu cầu sử dụng trong thời gian dài, người sử dụng cần tắt cả nguồn máy (aptomat) vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn sẽ tiêu thụ điện ngầm, hơn nữa tắt nguồn điện sẽ an toàn hơn.

Tắt các bóng đèn không cần thiết giúp quá trình làm lạnh nhanh hơn. Không tắt bật hay điều chỉnh máy quá nhiều vì để khởi động lại máy sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, vậy nên hãy duy trì nhiệt độ ổn định.

Mặc dù máy lạnh có những tấm tản gió giúp đưa khí mát đến đúng hướng mình cần nhưng tốt nhất bạn nên xếp gọn đồ đạc để không làm cản hướng gió, nhờ đó mà bạn cũng sẽ cảm thấy nhanh mát hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn.

Công suất thiết bị phù hợp với căn phòng

Việc chọn lựa điều hoà phù hợp với không gian phòng là điều quan trọng. Bởi, nếu bạn mua sản phẩm công suất nhỏ thì sẽ không thể làm mát phòng có diện tích lớn, thiết bị phải hoạt động liên tục, ngốn nhiều điện năng hơn. Ngược lại, nếu mua điều hoà có công suất quá lớn so với không gian sống thì lãng phí.

Thường xuyên bảo dưỡng

Để điều hoà hoạt động tốt trong mùa nóng, người dùng cần định kỳ bảo dưỡng vệ sinh máy thật sạch. Ngoài ra, để tránh thiết bị hỏng hóc, người dùng khi mua cần chọn những thương hiệu uy tín, chất lượng, chế độ hậu mãi tốt.

Hãy vệ sinh máy lạnh định kỳ ít nhất mỗi 3 tháng. Nếu chỉ bảo quản máy tốt thôi thì chưa đủ, để máy hoạt động tốt, bạn cần phải gọi thợ đến vệ sinh máy lạnh. Máy điều hoà bẩn có thể giảm đến 15% công suất hoạt động của máy, do đó nếu vệ sinh định kỳ sẽ giúp tiết kiệm một lượng điện rất lớn, đồng thời tăng tuổi thọ của máy.

Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng trong năm, nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh thì nên bảo dưỡng máy lạnh 3 - 4 tháng 1 lần (tùy vào mức độ sử dụng thường xuyên).

Sử dụng quạt trần

Quạt trần giúp lưu thông không khí mát mẻ khắp nhà, giúp máy điều hoà không phải làm việc hết sức để bơm không khí mát vào phòng. Việc lưu thông không khí được cải thiện cũng sẽ cho phép bạn điều chỉnh nhiệt độ cao hơn bốn độ mà không làm giảm sự thoải mái của bạn. Quạt trần sử dụng ít điện hơn và chúng giúp máy điều hoà thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Thay thế bộ máy điều hoà đã quá cũ

Một chiếc máy điều hoà nhiệt độ đã hơn 10 năm tuổi có thể bị giảm khả năng làm mát. Hiện nay, hầu hết các máy điều hoà nhiệt độ có dán nhãn hiệu quả năng lượng Energy Star, tiết kiệm khoảng 10% so với các model máy đời cũ. Bạn nên cân nhắc thay mới nếu thấy máy phải mất nhiều thời gian để đạt nhiệt độ mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại