Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) mới đây đã quyết định sẽ lấy ý kiến của cổ đông Công ty để thông qua việc miễn nhiệm hàng loạt lãnh đạo của Trần Anh hiện tại.
Theo đó, cổ đông Trần Anh sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 đối với ông Trần Xuân Kiên và 7 thành viên HĐQT hiện tại bao gồm: bà Đỗ Thị Thu Hường, ông Okawa Yoshiteru, ông Noguchi Atshushi, ông Nghiêm Xuân Thắng, bà Đỗ Thị Kim Liên, ông Hoàng Anh Tuấn, ông Bùi Xuân Hùng. Đồng thời, 3 thành viên Ban Kiểm soát hiện nay cũng sẽ được cổ đông xem xét bỏ phiếu miễn nhiệm trong đợt lấy phiếu lần này.
Song song với quyết định miễn nhiệm dàn lãnh đạo cũ của Trần Anh, HĐQT cũng trình cổ đông công ty thông qua cơ cấu tổ chức mới với 5 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ 2017-2022.
Những người mới đến tiếp quản Trần Anh không ai khác là 5 cán bộ chủ chốt từ Thế giới Di động sau khi Quyết định trên được đưa ra khi mà Thế giới Di động gần như là đã hoàn tất M&A đối với Trần Anh sau khi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tuyên bố thương vụ 'thâu tóm' của Thế giới Di động đối với Trần Anh không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Trong đó, ông Trần Kinh Doanh, người đang giữ chức Tổng Giám đốc Thế giới Di động dự kiến sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Trần Anh.
Ông Nguyễn Đức Tài, ông Võ Hà Trung Tín – người được Thế giới Di động cử sang giữ chức Phó Tổng Giám đốc của Trần Anh vào đầu tháng 10/2017. 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Huy Thanh Tùng và ông Đặng Minh Lượm.
Ông Võ Hà Trung Tín, đại diện pháp luật nhiều chi nhánh của Thế giới Di động tại TP.HCM và từng nắm giữ chức vụ là Giám đốc bán hàng tại nhiều khu vực trên cả nước của Điện máy Xanh, cũng trở thành Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TAG. Ông Tín từng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của Trần Anh vào đầu tháng 10/2017 trước đó.
Bên cạnh vấn đề nhân sự, HĐQT Trần Anh còn trình cổ đông thông qua việc bổ sung 18 ngành nghề kinh doanh, trong đó có 15 ngành nghề là thêm mới như quảng cáo; sản xuất linh kiện điện tử; cổng thông tin; lắp đặt hệ thống điện, hệ thống xây dựng; bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ điện gia dụng, giường tủ, bàn ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác chưa phân vào đâu trong các cửa hàng chuyên doanh,…
Những quyết định trên cho thấy, Thương vụ Thế Giới Di Động tiến 'thâu tóm' Trần Anh thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư và chuyên doanh thị trường điện máy đang đi đến bước cuối cùng.
Việc tiến đến sáp nhập với Trần Anh (chiếm khoảng 17% thị phần phía Bắc) nằm trong chiến lược chiếm lấy 30% thị phần điện máy trên cả nước.
Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng trên, Thế Giới Di Động phải biến 40 siêu thị hiện nay của Trần Anh đạt được hiệu quả như những gì Điện Máy xanh đang thể hiện. Sau nhiều năm kinh doanh, hoạt động của Trần Anh vẫn khá lẹt đẹt, thậm chí Trần Anh còn chịu lỗ ròng 11,7 tỷ đồng bán niên 2017.
Thông thường, trong bất cứ một cuộc M&A nào thì việc tái cơ cấu lại toàn bộ Công ty đặc biệt là độ ngũ quản lý của một DN chưa kinh doanh hiệu quả là ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, phía thâu tóm sẽ tìm cách để hòa hợp 2 nền văn hóa doanh nghiệp khác biệt trở thành một nền văn hóa chung. Đối với trường hợp của Trần Anh, Thế giới Di động đã chọn giải pháp ‘tẩy nảo’ bằng cách thay toàn bộ dàn lãnh đạo cũ và đưa người của mình sang quản lý.
“Sự khác biệt về văn hoá, chất lượng dịch vụ đã khiến Thế giới Di động phải đặt mục tiêu làm thế nào để "tẩy não" cho nhân viên cũ của Trần Anh và đồng nhất họ với hệ thống của Thế giới Di động”, đó là vấn đề được ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế giới Di động đề cập trong một cuộc họp diễn ra cách đây vài tháng.
Đây cũng là câu trả lời cho việc Trần Anh sắp đi đến quyết định miễn nhiệm toàn bộ nhân sự cấp cao hiện nay.