Tại hội thảo "Văn hoá doanh nghiệp – Nền tảng hay lực cản" do JCI Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động đã gây ấn tượng mạnh với hơn 600 người tham dự dự bao bồm các tổng giám đốc, các giám đốc bộ phận, các CEO, các lãnh đạo, trưởng bộ phận nhân sự, và các start-up thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình và ông Tài không định lượng được mỗi năm phải chi cho nó bao tiền, ông chỉ biết rằng, văn hoá doanh nghiệp phải là sự tự điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, không cần đến các chế tài.
"Tôi mà bước vào mỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động hay Bách Hóa Xanh, các nhân viên mà làm việc bình thường, không để ý đến sự có mặt của tôi thì đó mới là văn hóa thật", ông Tài nói
Theo ông, trong một doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh, mọi người sẽ có hành xử đúng chuẩn mà không cần sự giám sát của các lãnh đạo doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp phải cần đến quá nhiều các chế tài để giám sát nhân viên thì đó chỉ là văn hoá "ảo", không thực sự tồn tại. Nó sẽ nhanh chóng mất đi khi không có sự quản lý của người đứng đầu.
5 năm đầu khởi nghiệp, ông Tài không biết văn hóa doanh nghiệp như thế nào, chỉ tập trung tìm cách sinh tồn, trở nên mạnh mẽ hơn. Mọi quyết định của ông tập trung lôi kéo khách hàng đến với mình, làm thế nào để họ quay lại nhiều hơn.
"Lúc đó nếu nghe đến văn hóa doanh nghiệp, tôi sẽ đút tay vào túi quần và bỏ đi. Cuối cùng tôi đã bị mất một số người tài vì công ty không có văn hoá. Nhưng bây giờ, tôi liên tục nói về nó, dành thời gian cho nó. Đó là niềm tự hào, là sự khác biệt đã góp phần tạo sức mạnh đưa TGDĐ phát triển như ngày hôm nay", ông Tài nói. Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, nếu các startup buộc phải đánh đổi thì nên tập trung vào khách hàng để sống tốt đã.
Giờ Thế Giới Di Động trở thành ông lớn trên thị trường phân phối, bán lẻ có văn hóa mà ông Tài thấy tự hào như: Thượng tôn khách hàng và văn hóa đặt nhân viên trên cổ đông. Khách hàng yêu mến thương hiệu Thế giới di động, còn nhân tài trung thành, gắn bó và cống hiến hết mình với công ty.
Nói về văn hóa công ty trong thời công nghiệp 4.0, ông Tài chia sẻ: 3 năm trở lại đây tất cả các nhân viên của TGDĐ đều phải dùng smartphone thay vì chỉ có người quản lý được dùng như trước đây. "Chúng tôi tích hợp ở smartphone nhiều công cụ bán hàng, chính sách khuyễn mãi mới, tình trạng sản phẩm. Smartphone giúp chúng tôi phục vụ khách hàng tốt nhất có thể", ông Tài nói.