Tổng Bí thư: "Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến nhiều thứ lắm"

Hoàng Đan |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ thôi nhưng liên quan đến nhiều thứ và các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rất chặt chẽ.

Đừng để nhân dân thất vọng...

Hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa 14 thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc với cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ - Hà Nội.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Đặng Tài Tính (P. Cống Vị, Ba Đình) cho rằng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh là những người đáng lẽ ra phải gương mẫu nhưng thực tế, lại rất đáng buồn như ở Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT, Bộ TN và MT.

"Vụ việc Formosa, hay phân bón giả, hơn 800 sản phẩm dùng chất không đảm bảo, cấp giấy phép hay như vụ việc Bộ Công thương cần làm cho rõ ràng ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm và xử lý cho đến cùng dù là ai.

Đất nước ta dù có nhiều thành công nhưng còn nghèo nên đừng để nghèo thêm, khó khăn thêm. Tại sao có sự cố như ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cần có người chịu trách nhiệm và phải rút kinh nghiệm để không còn những trường hợp tương tự...", ông Tính nhấn mạnh.

Cử tri Phạm Năng Cương (Hoàn Kiếm) cũng nêu, dư luận quan tâm, mong các cơ quan thẩm quyền sớm làm rõ, kết luận sai phạm ở Bộ Công thương thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, tại tỉnh Hậu Giang đối với trường hợp luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh và con ông Hoàng là Vũ Quang Hải.

Tổng Bí thư: Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến nhiều thứ lắm - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay các cử tri.

Còn cử tri Phạm Quang Hà (P. Liễu Giai, Ba Đình) chia sẻ, việc Quốc hội không tăng thêm một Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ không tăng thêm một Phó Thủ tướng như thông tin là một sự nêu gương tốt.

Ông Hà cũng lo ngại sự cố môi trường do Formosa gây ra, sau đó lại chôn lấp chất thải tại Hà Tĩnh rồi chuyển ra Phú Thọ xử lý.

"Việc xử lý trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong việc cho thuê đất 70 năm đối với Formosa, ông Cự trả lời trên báo chí nhưng cử tri chúng tôi không đồng ý. Ở đây, ông ký rồi, sau khi Thanh tra nêu vấn đề, ông mới báo cáo Chính phủ, đó là tiền trảm hậu tấu.

Với những điều đó, ông Cự không xứng đáng đại diện của cử tri và nên thực hiện văn hóa từ chức."

Trong khi đó, cử tri Vũ Đức Thuận (Ba Đình) cũng nêu một số vấn đề tồn tại về khách du lịch người nước ngoài, trong đó, chủ yếu là khách Trung Quốc.

Theo ông Thuận, vẫn biết là phát triển du lịch là để quảng bá thương hiệu, danh lam, thắng cảnh, con người Việt Nam, là một nguồn thu cho phát triển nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, nhất là liên quan đến an ninh, quốc phòng, xâm hại đến văn hóa Việt Nam.

"Phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện vi phạm, cho du lịch chui, đồng thời, trục xuất ngay những cá nhân vi phạm", ông Thuận nêu ý kiến.

Cử tri này cũng nêu rõ, cần có quy định chặt chẽ hơn trong việc người nước ngoài, mà nhất là người Trung Quốc thuê, mua đất ở Việt Nam.

Ví dụ xung quanh sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng, nhiều người Trung Quốc đến thuê, mua đất làm biệt thự, nhà nghỉ, khi khách Việt Nam đến thì cho biết, nhà nghỉ này người Việt Nam không vào được...

"Quốc hội, Chính phủ cần có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt hơn nữa trong việc cho người nước ngoài, thuê, mua đất ở Việt Nam, nhất là ở những tỉnh, thành phố liên quan đến an ninh quốc phòng. Đồng thời, gắn trách nhiệm, xử lý nghiêm người làm sai", ông Thuận nêu rõ.

Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan nhiều thứ khác

Phát biểu sau ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời cảm ơn, các cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 đã tín nhiệm bầu ông cùng các đại biểu tại đây.

Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, theo Tổng Bí thư, đây là lĩnh vực rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, vất vả. 

Là cuộc đấu tranh trong nội bộ, mỗi con người, cá nhân, giữa cái tích cực và tiêu cực, liên quan đến lợi ích, danh dự của mỗi cá nhân, đơn vị, đặc biệt là lợi ích chằng chịt lẫn nhau, chưa kể bên ngoài tác động vào.

"Rất là khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn quyết tâm làm, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Vừa qua, ta đã làm, xử lý nhiều vụ lớn như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như...

Hiện chúng ta đang tiếp tục làm một số vụ án lớn khác nữa, Phạm Công Danh chỉ là 1 trong 8 vụ trọng án lớn. Phạm Công Danh được đưa ra xử rất gian nan. Đây mới là giai đoạn 1, xử sơ thẩm, thế mà phải làm trong 1 tháng và không biết nó còn diễn biến thế nào.

Gần đây, chúng ta cũng làm tiếp một số vụ mà báo chí đã nêu. Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ thôi nhưng liên quan đến nhiều thứ lắm. Chúng tôi đã nói nhiều lần, có bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả nhưng phải giữ cho ổn định để phát triển".

"Các bác cử tri xem Chính phủ vào cuộc chưa, các Bộ, các ngành vào cuộc chưa, bên Quốc hội vào cuộc chưa. Xin báo cáo là tất cả đã cùng vào cuộc. Với khí thế mới sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV công tác phòng chống tham nhũng sẽ làm tốt hơn nữa", Tổng Bí thư khẳng định.

Về sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, riêng vụ này, theo Tổng Bí thư, chúng ta đã tốn rất nhiều công sức và đây là đấu tranh chứ không phải chỉ là thương lượng. 

Chúng ta đấu tranh có lý, có tình  và cả dàn lãnh đạo cúi đầu, hứa khắc phục hậu quả, thay đổi công nghệ, hứa không tái phạm và nếu tái phạm sẽ không cho hoạt động. Phía Formosa cũng đã nhận đền bù cho chúng ta 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, qua sự cố này cũng cho ta một bài học, không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào mà phải bảo vệ môi trường. 

Tổng Bí thư cũng khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm của Formosa nhưng phải làm theo đúng quy trình, chặt chẽ.


Về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, Biển Đông, nhất là sau khi Tòa PCA có phán quyết vụ kiện Philippines với Trung Quốc, Tổng Bí thư tái khẳng định, chúng ta mặc dù làm kinh tế nhưng quyết phải giữ gìn an ninh, chủ quyền. 

"Cái lớn là chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ mà Đảng ta đã cương quyết, trước sau phải làm cho bằng được", Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.

Tổng Bí thư cũng thông tin, việc tòa PCA có phán quyết thì phán quyết đó không chỉ có mấy câu mà là tập rất dày nên chúng ta hoan nghênh phán quyết nhưng phải nghiên cứu thật kỹ, tính toán nhiều mặt, toàn diện rồi chúng ta mới có tuyên bố tiếp theo.

"Vào thời điểm này, phải tính lợi hại đối với lợi ích, quốc gia dân tộc và phán quyết này phải nghiên cứu kỹ rồi mới có những tuyên bố tiếp theo được", Tổng Bí thư nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại