Theo ghi chép của "Tả truyện", tổ tiên của Tôn Vũ thực ra không phải họ Tôn, mà là họ Cơ, là hậu duệ của công tử Huệ Tôn nước Vệ thời kỳ Xuân Thu.
Tôn Vũ có cha là Tôn Thư, ông nội là Tôn Khoái, sau này lánh nạn đến nước Tề cho đến khi trưởng thành.Là tác giả viết ra "Binh pháp Tôn Tử", cuốn binh thư nổi tiếng thế giới, Tôn Vũ tự Trường Khanh, người Lạc An, nước Tề, là nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng thời kỳ Xuân Thu ở Trung Quốc, được mệnh danh là bậc thánh của binh pháp.
Sau này, Tôn Vũ được người đời gọi là Tôn Tử, suy tôn làm thầy của binh gia muôn đời, thủy tổ của nghiên cứu binh pháp phương Đông.
Càng lớn, Tôn Vũ càng tỏ ra yêu thích quân sự và có thiên bẩm đặc biệt. Tôn Vũ từ nhỏ đã thông minh, cơ trí, nhanh nhạy hơn người, siêng năng hiếu học, giỏi suy xét, giàu sáng kiến, yêu thích những câu chuyện hành quân đánh trận.
Mỗi khi cha xong việc trên triều đình về nhà, Tôn Vũ đều quấn quít lấy cha, lắng nghe cha kể những câu chuyện trên chiến trường.
Ngoài đặc biệt hứng thú với chuyện chiến trường, Tôn Vũ còn rất yêu thích binh thư, đọc đến chỗ nào không hiểu là ông liền hỏi thầy giáo hay các bậc cha chú.
Trước khi chính thức dẫn quân đánh trận, Tôn Vũ đã khảo sát những chiến trường xưa kia trong lịch sử, nhờ vậy mà ông đã tích lũy được tư liệu thực tế phong phú để viết nên cuốn "Binh pháp Tôn Tử" nổi tiếng sau này.
Khi đến nước Ngô, Tôn Vũ đã được Ngũ Tử Tư tiến cử cho Ngô vương Hạp Lư. Để thử tài binh pháp của Tôn Vũ, vua Hạp Lư lệnh cho ông lấy binh pháp huấn luyện mỹ nữ trong cung.
Ban đầu, các mỹ nữ trong cung coi thường Tôn Vũ, không thực hiện các mệnh lệnh nghiêm túc của ông.
Do đó, trong huấn luyện, Tôn Vũ đã cho chém hai đội trưởng vốn là hai cung phi được Ngô vương rất sủng ái, cưng chiều vì lý do không nghe lời.
Thấy vậy, đám mỹ nữ trong cung vô cùng sợ hãi, thực hiện các động tác đứng, ngồi, quỳ, dậy răm rắp theo chỉ đạo của Tôn Vũ, điều này đã được Ngô vương khen ngợi.
Sau đó, Tôn Vũ đã dẫn quân Ngô đánh quân Sở 5 trận và thắng cả 5, chiếm được thủ phủ Sính Thành của nước Sở.
Nhờ tài năng của Tôn Vũ, sức mạnh quân sự của nước Ngô nhất thời lớn mạnh, đại quân nước Ngô uy hiếp bốn phương. Cùng với danh tiếng của ông, tác phẩm "Binh pháp Tôn Tử" của ông càng trở nên nổi tiếng và ngày càng lan xa.
Tôn Vũ cho rằng "binh vô thường thế", tức là việc dùng binh không thể cố định bất biến, phải thay đổi cùng với sự thay đổi của tình hình chiến tranh.
Trong "Binh pháp Tôn Tử", Tôn Vũ đã đưa ra một loạt nguyên tắc tác chiến và phương pháp tác chiến có ý nghĩa chỉ đạo phổ biến, binh pháp của ông thay đổi linh hoạt.
Tư tưởng binh pháp của ông đánh đấu sự chín muồi của nghiên cứu quân sự cổ đại Trung Quốc.
Thời cổ đại Trung Quốc, "Binh pháp Tôn Tử" là tác phẩm binh pháp kinh điển của các nhà quân sự, được đặc biệt đề cao ở thời nhà Tống. Đến nay, tác phẩm này cũng được lưu truyền rộng rãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thậm chí, những tư tưởng của Tôn Tử đã được vận dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thương trường.
Theo "Sử ký", 13 thiên của "Tôn Tử" là do Tôn Vũ viết nhằm yết kiết Ngô Vương, tham mưu làm cho nước giàu quân mạnh, chống lại nước Sở ở phía tây, răn đe nước Tề ở phía bắc, tranh bá Trung Nguyên.
Trong lịch sử Trung Quốc, về binh pháp, ngoài Tôn Vũ, người ta còn hay nói đến Tôn Tẫn. Vậy Tôn Tẫn và Tôn Vũ có mối quan hệ như thế nào?
Theo ghi chép, Tôn Tẫn là hậu duệ của Tôn Vũ. "Binh pháp Tôn Tử" do Tôn Vũ sáng tác, còn "Binh pháp Tôn Tẫn" do Tôn Tẫn viết ra. Trong lịch sử, Tôn Tẫn vẫn được ghi chép rất kỹ lưỡng.
Cũng có tư liệu cho biết, Binh pháp Tôn Tử do Tôn Vũ viết và được hoàn thiện bởi Tôn Tẫn. Tôn Tẫn đã kế thừa những thành tựu từ Tôn Vũ và viết ra binh pháp của mình.
(Theo Baidu, People)