Tốn cả mớ tiền đi du lịch chỉ để đầu tư cho giấc ngủ

Đông Hà |

Với hội đam mê du lịch ngủ, giường, kích cỡ gối, chất liệu chăn, hương thơm, hay nhiệt độ phòng, đều nằm trong các tiêu chí đánh giá khi lựa chọn khách sạn.

Du lịch để đầu tư cho giấc mơ

Khi đi du lịch, nhiều người muốn lấp đầy trải nghiệm của mình bằng những lịch trình xếp kín, những kế hoạch vui chơi thâu đêm, hay những món ăn bản địa hấp dẫn. Nhìn chung, với họ, du lịch là sự vận động liên tục. Tuy nhiên, trái ngược với kiểu du lịch này, một xu hướng trải nghiệm nghỉ dưỡng kiểu mới đang tăng lên: Du lịch ngủ.

Với hội đam mê du lịch ngủ, giường, kích cỡ gối, chất liệu chăn, hương thơm, hay nhiệt độ phòng, đều nằm trong các tiêu chí đánh giá khi lựa chọn khách sạn. Họ sẽ nhắm đến những khách sạn, khu nghỉ mát được lắp đặt các tiện nghi, cơ sở vật chất giúp giấc ngủ trọn vẹn hơn.

Tốn cả mớ tiền đi du lịch chỉ để đầu tư cho giấc ngủ - Ảnh 1.

Chất liệu, mùi thơm, ánh sáng là những yếu tố quan trọng nhất khi chọn lựa khách sạn. (Nguồn: Pexels)

Tại sao du lịch ngủ được đón nhận?

Theo chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ, tiến sĩ Rebbecca Robbins, mọi người đang ngày càng quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe và chất lượng sống, do vậy họ có sự ưu tiên nhất định về giấc ngủ.

Đại dịch dường như là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến thói quen ngủ và sức khỏe của chúng ta trong những năm qua. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Y học Journal of Clinical Sleep Medicine, 40% trong số hơn 2.500 người tham gia cảm thấy chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm sút kể từ đại dịch, kéo theo những vấn đề như lo âu, trầm cảm, tính khí thất thường.

Vanessa Infante, Giám đốc tại Viceroy Los Cabosrong cũng nhận định rằng đại dịch đã thay đổi chu kỳ tự nhiên con người. Các vấn đề về sức khỏe tâm lý tăng lên, trực tiếp ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ. Khi trở lại cuộc sống bình thường, họ tìm kiếm những trải nghiệm mới để nâng cao chất lượng sống, bao gồm ăn uống, tập thể dục và ngủ nghỉ điều độ.

Người hướng dẫn thiền, nhà trị liệu bằng phương pháp thôi miên Malminder Gill cho rằng việc “thức đêm để làm cho xong việc” sẽ không còn là một tôn chỉ thịnh hành nữa. Có nhiều người đã quá mệt với phong trào sống hối hả, những gì họ cần chỉ là một giấc ngủ bớt xáo động.

Khách sạn kết hợp trị liệu, cải thiện giấc ngủ

Hiểu được nhu cầu đang ngày một tăng lên, Zedwell, một khách sạn ở Anh, tập trung thiết kế các phòng nghỉ để tạo ra môi trường hoàn hảo cho giấc ngủ. Các nhân viên thiết kế tập trung vào việc loại bỏ các yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ, như tiếng ồn, màn hình TV.

Mỗi phòng đều tập trung vào 5 yếu tố chính: sự êm ả, độ tĩnh lặng, độ thoải mái, ánh sáng tối và không khí. Theo tiêu chí này, căn phòng có thể được thiết kế với nhiều vật liệu cách âm, bỏ lắp đặt cửa sổ để ánh sáng ban ngày không làm phiền giấc ngủ. Thiên nhiên, cỏ cây được bố trí xen kẽ để du khách có cảm giác thoát ly khỏi đời sống đô thị hối hả.

Tốn cả mớ tiền đi du lịch chỉ để đầu tư cho giấc ngủ - Ảnh 2.

Khách sạn Zedwell thiết kế phòng theo 5 yếu tố chính: sự êm ả, độ tĩnh lặng, độ thoải mái, ánh sáng tối và không khí. (Nguồn: Globetrender)

Cadogan, một khách sạn khác ở London, còn cung cấp gói dịch vụ đặc biệt mang tên Sleep Concierge. Theo đó, người sử dụng sẽ được cung cấp các đoạn âm thanh hướng dẫn thiền, trà an thần, gối tùy chọn cho người thích nằm nghiêng, chăn với trọng lượng khác nhau, thậm chí họ còn được cung cấp xịt thơm cho gối.

Không dừng lại ở đó, một số nơi nâng tầm nghỉ dưỡng bằng cách kết hợp với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nhằm tạo ra dịch vụ tốt nhất. Các chương trình chăm sóc đặc biệt này còn giúp khách hàng nhận biết liệu họ có tiềm ẩn bệnh liên quan đến giấc ngủ không, ví dụ chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không nghỉ (Restless Leg Syndrome), hay rối loạn giấc ngủ.

Điển hình, khách sạn Mandarin Oriental, Geneva đã cộng tác với CENAS, một phòng khám điều trị giấc ngủ ở Thụy Sỹ, để thiết kế một chương trình kéo dài 3 ngày giúp nghiên cứu giấc ngủ của khách hàng và xác định các hội chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn.

Hiện các phòng ngủ cao cấp này chỉ phổ biến tại các khách sạn hạng sang, nhưng tiến sĩ Robbins cho rằng ngành nghỉ dưỡng, du lịch nói chung nên bắt đầu để tâm nhiều hơn đến loại hình dịch vụ này. Những tiềm năng phòng ngủ đem lại cho cả ngành du lịch và khách sạn là khó có thể phủ nhận.

Du lịch ngủ ở nhà được không?

Không phải ai trong chúng ta cũng dư dả để trải nghiệm một căn phòng ngủ thiên đường. Nhưng vẫn có những cách nho nhỏ để cải thiện không gian phòng và giúp giấc ngủ êm ái hơn. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Sử dụng chất liệu vải cao cấp.

- Chọn nệm có độ đàn hồi phù hợp.

- Đảm bảo nhiệt độ phòng vừa phải.

- Để các thiết bị công nghệ ra khỏi tầm với.

- Giữ phòng luôn thông thoáng.

- Sơn phòng màu xanh dương hoặc xanh lục đậm.

- Tận dụng tinh dầu thơm.

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại