Sự lo ngại của dư luận về một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã không nổ ra trong “Ngày Thái Dương” của người dân Bình Nhưỡng.
Điều gì khiến sự căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên - có thể khiến “Tomahawk của Mỹ phóng tới Triều Tiên” như đã xảy ra với Syria không thể bùng nổ? Tác nhân có thể chính là Trung Quốc.
Bắc Kinh chủ động hạ nhiệt để tháo ngòi nổ chiến tranh
Khi The South China Mornig Post (SCMP - Hồng Kông) cho biết, từ ngày 14/4, hãng hàng không Trung Quốc Air China tạm hoãn các chuyến bay đến Bình Nhưỡng vì doanh thu không đảm bảo đã khiến giới phân tích hoài nghi về động thái của Bắc Kinh.
Air China là hãng hàng không duy nhất có các chuyến bay đến Triều Tiên trong các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần.
Hãng này bắt đầu các chuyến bay đến Triều Tiên từ năm 2008 và các chuyến bay cũng thường bị huỷ nhưng nguyên nhân không được tiết lộ.
Song việc Air China hoãn các chuyến bay trong bối cảnh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay dường như đã mang một ý nghĩa khác.
Trung Quốc được cho là "đồng minh lớn duy nhất" của Triều Tiên nhưng nước này phản đối các chương trình vũ khí hạt nhân cũng như không ủng hộ các cuộc đối đầu giữa Bình Nhưỡng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Mới đây, Bắc Kinh đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Sau khi các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã có những quyết định đánh vào hoạt động kinh tế của Triều Tiên, khi cấm nhập khẩu than của nước này kể từ ngày 26/2. Trong khi than đá được xem là sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Triều Tiên.
Trong chuyến công du tới Mỹ vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump cần có biện pháp với vấn đề vũ khí của Bình Nhưỡng, nhằm hạ nhiệt cho bán đảo Triều Tiên.
Hải quân Mỹ cũng đã cho tàu sân bay USS Carl Vinson từ Singapore tiến về phía bán đảo Triều Tiên khiến giới phân tích nhận định một cuộc leo thang quân sự sẽ diễn ra tại khu vực Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng, Trung Nam Hải lại có nhiều động thái khác lạ, cho thấy dường như không còn coi Bình Nhưỡng là đồng minh chiến lược của Bắc Kinh nữa.
Ví như, từ việc Tập Cận Bình gọi điện thoại cho Donald Trump chỉ mấy ngày sau chuyến công du Mỹ, đến việc truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không có nghĩa vụ bảo vệ Bình Nhưỡng, từ việc Bắc Kinh cử đặc sứ đến Seoul, Tokyo và cuối cùng là ngừng các chuyến bay đến Bình Nhưỡng.
Theo đó, tất cả các biện pháp mà Bắc Kinh thực hiện đều nhằm ngăn cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự, bùng phát chiến tranh.
Những chuyến ngoại giao con thoi hay những cảnh báo nguy hại với Triều Tiên đều hướng tới cả Washington và Bình Nhưỡng. Việc Air China hoãn bay tới Triều Tiên được cho là động thái cuối cùng của Bắc Kinh tháo ngòi nổ chiến tranh.
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: EPA
Trung Nam Hải xoay chuyển cục diện tại Đông Bắc Á
Có thể thấy rằng, Trung Quốc và Triều Tiên có thể giảm "thân thiết" trong quan hệ, thậm chí không còn là đối tác kinh tế của nhau, song Bắc Kinh vẫn luôn cần Bình Nhưỡng, bất kể điều gì xảy ra từ hành động cứng rắn của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Khi Bình Nhưỡng thể hiện sự bất tuân, Bắc Kinh chỉ trích, ủng hộ cấm vận của LHQ và chủ động cấm vận, kinh tế với Triều Tiên. Tất cả những hành động trừng phạt đó chỉ được xem là Bắc Kinh “bỏ đói” láng giềng, chứ không phải “bỏ chết” Bình Nhưỡng, bởi điều đó sẽ gây nguy hại gấp nhiều lần sự ương ngạnh của người anh em.
Khi Air China dừng các chuyến bay tới Triều Tiên trong bối cảnh đang gia tăng căng thẳng Mỹ - Triều, có thể khiến Bình Nhưỡng hiểu là Bắc Kinh có thể chọn “bỏ chết” Triều Tiên, nếu Kim Jong-un vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Với Washington, khi nhận thấy sự quyết tâm của Bắc Kinh ngăn chặn hành động của Bình Nhưỡng và khi Air China ngừng bay tới Triều Tiên thì chắc chắn Nhà Trắng không thể không ghi nhận tích cực với hành động này.
Thực ra, trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng chỉ là mục tiêu Washington hướng tới, còn Bắc Kinh mới là mục đích chiến lược của Mỹ tại khu vực này.
Khi Bắc Kinh có những động thái tích cực, có thể hiểu là mục đích của Mỹ dường như đã đạt được, do vậy Washington phải có những thay đổi trong việc làm thế nào để đạt mục tiêu của mình. Khi Bắc Kinh có dấu hiệu bỏ mặc Bình Nhưỡng thì kế hoạch của Washington đối với hành động của Kim Jong-un sẽ phải hiệu chỉnh lại cho phù hợp.
Có thể Bình Nhưỡng sẽ táo bạo hơn, quyết liệt hơn khi “không còn gì để mất”, lúc đó các đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á sẽ gặp nguy hiểm hơn rất nhiều.
Washington phải có những thay đổi và “chờ động tĩnh mới” từ Bình Nhưỡng, “cơn mưa Tomahawk Mỹ bay vào Triều Tiên” vì vậy rất khó xảy ra.
Hành động cuối cùng của Bắc Kinh khi ngừng các chuyến bay của Air China tới Triều Tiên có thể đã khiến "Tomahawk không bay vào Bình Nhưỡng", qua đó thay đổi cục diện xung đột tại vùng Đông Bắc Á. Từ đây, vị thế của Bắc Kinh trong khu vực sẽ thay đổi đáng kể.