Chị Phạm Thị Nhí, một nạn nhân nhiễm chất độc Da cam – Dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt Nam mới đây đã gửi tới Báo điện tử Trí thức trẻ bức thư chị viết, với hi vọng, bằng cách nào đó, nội dung của nó đến được với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong lá thư, chị Nhí bày tỏ nguyện vọng: Hiến thân thể của mình cho Y học.
Bởi chị hi vọng, các nhà khoa học Mỹ và thế giới có thể dùng cơ thể chị, để nói với người Mỹ rằng hậu quả của Dioxin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam vô cùng tàn khốc.
Bức thư của người phụ nữ "3 không", không có nhà, phải đi ở nhờ, không dám có một mối tình vì nghèo và mặc cảm tật nguyền, không chồng, nhưng cũng không thể làm mẹ, đã lay động tận cùng trái tim của nhiều người.
Một độc giả mà theo lời giới thiệu trong thư, là người sinh vào những năm 60 tại Hà Nội, cũng là người chứng kiến và trải qua giai đoạn khốc liệt nhất của những trận rải thảm bằng máy bay ném bom B52 của Mỹ xuống Hà Nội, sau khi đọc xong bức thư của chị Phạm Thị Nhí đã chia sẻ sự đồng cảm với nỗi đớn đau của chị.
Từng thấy người Hà Nội lặng lẽ lượm nhặt những thi thể người thân còn vương vãi khắp nơi trong ánh sáng lóe lên trên bầu trời rực lửa của bom, đạn, tận mắt thấy nỗi đau của em bé đã mất hết người thân, khi đọc lá thư và những dòng suy nghĩ của chị Phạm Thị Nhí, độc giả này cho biết, còn những nỗi đau mà người viết chưa hình dung và cảm nhận được.
Báo điện tử Trí thức trẻ xin đăng nguyên văn bức tâm thư đầy cảm xúc của độc giả này:
"Kính thưa Chị Phạm Thị Nhí,
Tôi quá xúc động khi đọc lá thư của Chị gửi Tổng thống Obama nhân dịp Ông có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 25/5/2016.
Tôi thuộc thế hệ những người sinh ra vào những năm 60 tại Hà Nội, là người chứng kiến và đã trải qua giai đoạn khốc liệt nhất của những trận rải thảm bằng máy bay ném bom B52 của Mỹ xuống thủ đô Hà Nội vào năm 1972.
Là người chứng kiến nỗi đau tột cùng của những gia đình đã mất người thân, những em bé mà tiếng khóc đã không thể phát ra thành tiếng trong nỗi bàng hoàng đến ngơ ngác khi biết rằng em đã mất tất cả, cả bố mẹ, ông bà và anh, chị, em trong trận rải thảm bẳng bom B52 ập xuống đường phố Hà Nội những năm 70.
Trong mùi thuốc súng còn nồng nặc, người Hà Nội lặng lẽ lượm nhặt những thi thể người thân còn vương vãi khắp nơi trong ánh sáng lóe lên trên bầu trời rực lửa của bom, đạn cùng với âm thanh rền vang của súng, của bom, tiếng máy bay gầm rít xé tai.
Chị Phạm Thị Nhí, người phụ nữ "3 không", đã viết thư gửi tới tổng thống Obama với nguyện vọng được hiến xác cho y học.
Vâng, có ai thấu được, diễn tả được nỗi đau của em bé đã mất hết người thân, tôi chỉ biết mình lặng lẽ và cảm nhận một điều gì đó quá sức ngay cả đối với tôi lúc đó khi nhìn vào ánh mắt của em bé mà không thể diễn tả bằng lời.
Tôi hình dung một phần sự tàn khốc của chiến tranh, hiểu những mất mát đau đớn của con người trong tiếng gầm rít của đạn bom và mơ ước đến một ngày hạnh phúc được bình yên như hôm nay.
Vâng, tôi nghĩ không có nỗi đau nào thấu được nỗi đau của em bé mất người thân, của các gia đình mất mát trong chiến tranh, tôi vẫn sống và luôn lưu giữ trong ký ức của mình những hình ảnh của Hà Nội đau thương đó để tự nhủ rằng tôi đã may mắn, trong tôi luôn có một nỗi đau, một động lực để sống, để tạo nên sức mạnh và để tự răn mình vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, và cho đến khi tôi đọc được lá thư và những dòng suy nghĩ của Chị, tôi hiểu rằng còn những nỗi đau mà tôi chưa hình dung và cảm nhận được.
Điều làm tôi xúc động không chỉ là những gì mà bản thân Chị đã phải chịu đựng và vượt qua cả về thể xác và tinh thần, mà có lẽ lớn hơn thế, Chị đã vượt qua chính mình, vượt qua tất cả đau đớn thực tại của cả thể xác và tinh thần để viết ra những suy trong bình thản, không chút hận thù, mà trái lại với một trái tim nhân hậu tràn đầy tình yêu thương.
Vâng, có ai hình dung ra được một người phụ nữ "3 không"; không có nhà, không có chồng, không thể làm mẹ vì di chứng chất độc da cam, lại có quyết định hiến thân thể của mình cho Y học, cho chính các nhà khoa học Mỹ và thế giới để họ có thể dùng cơ thể của mình nói với mọi người rằng hậu quả của Dioxin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam vô cùng tàn khốc, trong đó có cả những người lính Mỹ cũng là nạn nhân bị phơi nhiễm giống như Chị.
Thử hỏi có ai hình dung ra được, diễn tả được những nỗi đau, những mất mát mà chị đã gánh chịu, đã trải qua trong cuộc đời của Chị cho đến bây giờ.
Có ai hình dung ra được, diễn tả được những đau đớn của các em nhỏ đã mất tất cả người thân, gia đình trong những trận ném bom rải thảm. Có ai làm nhân chứng để diễn tả được nỗi đau của họ, có ai làm chứng để diễn tả hết những mất mát của cuộc chiến tranh vừa qua, kể cả những mất mát của quân nhân, những gia đình Mỹ đã mất người thân trong những cuộc chiến.
Vâng, có ai hình dung ra nỗi đau của 3.000.000 nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam như Chị. Có ai định giá được những nỗi đau như vậy đáng giá bao nhiêu tiền, và thật khôi hài khi nói rằng cần có nhân chứng để chứng minh cho những mất mát, đau đớn đó, thật khôi hài với câu hỏi hãy chứng minh những mất mát và đau đớn của con người trong chiến tranh để có cơ sở cho ai đó móc ví ra trả tiền cho những nỗi đau của Con Người.
Vâng chắc chắn Chị, và các em nhỏ (đã mất hết người thân) giờ đã lớn sẽ bình thản trả lời rằng "trong tôi không có nỗi đau nào để định giá để trả bằng tiền".
Cũng như Chị và tôi, chúng ta không ai diễn tả được nỗi đau của Morrison, của gia đình Ông (vợ còn rất trẻ và con gái Emily mới một tuổi) khi Ông đắm mình trong ngọn lửa tự thiêu để phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, không ai diễn tả được nỗi đau, những mất mát của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, những gia đình, người thân phải chịu đựng mất mát trong suốt cuộc chiến tranh này.
"Đã khóc như cả thế giới sụp đổ trước mắt mình nhưng quá khứ có thể khép lại để cùng hướng tới tương lai", chị Phạm Thị Nhí chia sẻ với phóng viên Trí thức trẻ về nỗi đau da cam chị đã mang suốt mấy chục năm qua.
Điều tuyệt vời hơn cả là Chị, tất cả chúng ta, cả những em bé đã mất hết người thân giờ đã lớn, đã vượt lên, đã vượt lên chính mính, vượt lên tất cả trong thái độ bình thản và chân thành để nói rằng chúng tôi đều vui mừng khi Ngài Tổng thống đến Việt Nam để hai bên kiến tạo những chiếc cầu tốt đẹp nối gần thêm hai đất nước.
Vâng để nhân dân hai nước Việt – Mỹ vượt qua tất cả, vượt qua những nỗi đau và nước mắt, cùng nắm tay nhau bước tới tương lai. Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai. Chúng ta lớn lên từ những nỗi đau và mất mát, chúng ta xây dựng tương lai bằng tình yêu và sự chân thành với niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của con người.
Vâng, tôi cũng có suy nghĩ và cảm nhận giống Chị là ở Ngài Tổng thống toát ra sự thân thiện tuyệt vời, có tình cảm chân thành; một người sống có trách nhiệm, giàu tình cảm với gia đình và xã hội. Ngài luôn đề cao hòa bình, hữu nghị và công bằng.
Dù Ông Obama là một Tổng thống của nước Mỹ, tuy nhiên vì sự kính trọng cũng như ngưỡng mộ sự chân thành của Ông trong thời gian Ông thăm Việt Nam, tôi muốn nói với Ông Obama như một lời tâm sự chân thành của tôi đối với người một bạn thân thiết như sau:
Tất cả chúng ta chỉ có một bầu trời để hít thở, cùng dùng chung nguồn nước, cùng vật lộn với thiên tai, cùng sống và ước mơ trên một quả đất nhỏ bé cho dù chúng ta là ai, sống ở đâu, thuộc dân tộc nào.
Hỡi các bạn, thế giới này được phát triển, tiến lên và được cứu rỗi bởi tình yêu thương, sự chân thành và lòng dũng cảm. Thế giới đó cũng sẽ bị hủy diệt bởi lòng tham và ý muốn tước đoạt. Chúng ta xây dựng tương lai bằng cách giáo dục cho các thế hệ những giá trị truyền thống, trong đó có cả những nỗi đau, mất mát và sự hy sinh của các thế hệ đi trước chúng ta.
Nếu con người có cùng niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, con người sẽ không gây ra thảm họa với những hậu quả thảm khốc cho chính mình.
Ở đâu có sự chân thành, cảm thông và chia sẻ, ở đó có niềm tin, tình yêu, hạnh phúc, những giá trị tốt đẹp và sự phát triển.
Khi đọc những dòng tâm sự của Chị Phạm Thị Nhí, tôi thấy con người tôi nhỏ bé trước Chị, tôi thấy nỗi đau của Chị quá lớn, không một ai, không giá trị nào có thể đo lường và bù đắp được, tôi thấy cả lòng vị tha và một tâm hồn đẹp đẽ hướng tới những giá trị đích thực, hướng tới tương lai của chúng ta, của tôi và của các bạn, của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cám ơn Chị đã cho tôi thấy những giá trị đích thực của sự chân thành và tôi cho rằng tất cả chúng ta, hai dân tộc Việt Nam và Hoa kỳ đã bước qua một chặng đường dài vì có sự chân thành đó, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ và hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Một lần nữa xin chân thành ơn Chị và chúc Chị luôn mạnh khỏe".