Tôi 72 tuổi, định cho cháu trai 139 triệu đồng khi cháu đỗ đại học, nhưng nghe được con trai, con dâu nói chuyện, tôi đổi ý: Chúng quá tham lam!

Minh Nguyệt |

Bà Hoa chia sẻ, khi biết cháu trai đỗ đại học, bà đã rất vui và đến ngân hàng rút tiền để cho cháu. Đến nhà con trai, tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của con trai, con dâu, muốn bà chuyển quyền sở hữu nhà, bà rất buồn và thất vọng. Bà quyết định, có tiền thì sẽ để dành cho bản thân, dùng để ăn uống, hưởng thụ cuộc sống tuổi già một cách tốt đẹp hơn.

Câu chuyện đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện của bà Hoa:

***

Tôi tên Ngô Thu Hoa, năm nay tôi đã 72 tuổi. Mấy chục năm trước, tôi gặp chồng mình, chồng tôi khi ấy cũng đã ly dị nhiều năm và có một con gái riêng. Lúc đó, tôi mới gần 30 tuổi. Gia đình ba người chúng tôi sống rất hòa thuận.

Tôi sinh con trai vào năm thứ 3 sau khi kết hôn nhưng tôi không bỏ mặc con gái, tôi yêu thương cả hai con như nhau. Con gái cũng coi tôi như mẹ ruột, tôi không nói thì không ai biết tôi là mẹ kế. Tôi cũng thấy con gái hiếu thảo hơn con trai.

Con trai tôi học không giỏi và không được nhận vào đại học, nhưng cháu trai tôi lại học giỏi. Cháu đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng 6 năm nay. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào cháu trai mình và hy vọng cháu có thể vào được một trường đại học tốt. Cách đây vài ngày, con trai tôi gọi điện báo tin vui. Con nói rằng cháu trai của đã được nhận vào trường đại học tốt và sẽ nhận được giấy báo trúng tuyển trong vài ngày tới. Nghe tin này, tôi cười không ngớt, còn gọi điện báo tin vui cho tất cả bạn bè và họ hàng.

Tôi nghĩ cháu đạt kết quả tốt như vậy, đã làm rạng danh gia đình, nên phải thưởng cho cháu một món quà. Tôi tính rằng cháu sẽ học 4 năm đại học nên tôi sẽ thưởng cho cháu 40.000 NDT (khoảng 139 triệu đồng), coi như tấm lòng của một người bà.

Sáng sớm hôm sau, tôi chạy đến ngân hàng gần đó để rút tiền. Tôi đến ngân hàng vào khoảng 7 giờ 30 phút, ngân hàng vẫn chưa mở cửa. Tôi nhìn giờ mới biết là 9 giờ mới bắt đầu làm việc. Trước đây tôi chưa từng đi rút tiền vào buổi sáng, cứ tưởng 8 giờ đã mở cửa, nên đến sớm hơn rất nhiều.

Mặc dù thời gian chờ đợi khá lâu, nhưng tôi không cảm thấy sốt ruột, tâm trạng rất vui vẻ. Sau hơn một tiếng chờ đợi, tôi cuối cùng cũng rút được 40.000 NDT (khoảng 139 triệu đồng), bỏ tiền vào túi rồi vui vẻ đến nhà con trai.

Tôi 72 tuổi, định cho cháu trai 139 triệu đồng khi cháu đỗ đại học, nhưng nghe được con trai, con dâu nói chuyện, tôi đổi ý: Chúng quá tham lam!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước đây, tôi đã xin con trai một chìa khóa nhà của các con nên khi đến nơi tôi tự mở cửa vào. Vừa bước vào tôi đã lớn tiếng gọi tên cháu trai, nhưng không thấy cháu trả lời. Một lát sau, con dâu bước ra và nói: "Mẹ, sao mẹ đến sớm thế? Chúng con còn chưa dậy mà."

Tôi đáp: "Mẹ phấn khởi quá nên dậy sớm, muốn qua đây thăm cháu nội của mẹ!". Nói rồi tôi đi về phía phòng cháu trai. Đi được nửa đường thì con dâu ngăn lại nói: "Tối qua chúng con về nhà ngoại ăn cơm, đúng lúc anh họ của Hào Hào cũng ở đó, nên Hào Hào ở lại đó ngủ”.

Tôi dừng lại hỏi: "Thế làm sao bây giờ? Hôm nay nó có về không?".

Con dâu trả lời: "Có về, có về, bảo là chiều nay sẽ về, tối còn ra ngoài ăn cơm, mẹ cũng đi cùng nhé. Tối qua bố mẹ con thưởng cho Hào Hào 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng), mẹ là bà nội, mẹ có gì thưởng cho cháu không?".

Tôi vỗ vỗ vào túi xách nói: "Con yên tâm, phần thưởng cho cháu mẹ đã chuẩn bị xong, đợi cháu về mẹ sẽ đưa, chắc chắn các con sẽ hài lòng”.

Nói xong tôi vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho con trai và con dâu, sau đó tôi cũng ăn một chút. Lúc này đã trưa rồi, ban đầu tôi định xem TV để giết thời gian, nhưng TV ở nhà con trai tôi không biết bật, dù trước đó chúng đã dạy tôi nhưng tôi luôn quên. Con trai đã ra ngoài, con dâu không biết đang làm gì trong phòng, tôi cũng không muốn làm phiền nên nói với con dâu rằng tôi sẽ nghỉ một chút ở phòng khách.

Tôi thường ngủ trưa khoảng một tiếng, không ngủ quá lâu. Vì đã quen nên mỗi lần đến giờ là tôi tự dậy. Sau khi dậy, tôi chơi điện thoại một lúc, rồi nghĩ đến việc đi siêu thị mua ít đồ ăn vặt và hoa quả mà cháu trai thích.

Khi đi siêu thị về, mở cửa nhà, tôi nghe thấy tiếng trò chuyện của con trai và con dâu. Tôi vừa đứng lại thì nghe con dâu nói: “Hôm nay mẹ nói sẽ thưởng cho Hào Hào, chúng ta nên bảo mẹ chuyển quyền sở hữu căn nhà gần bệnh viện cho Hào Hào”.

Con trai đáp: “Điều này chắc không được đâu, muốn lấy căn nhà đó mẹ chắc chắn sẽ không đồng ý”.

Con dâu nói: “Không đồng ý cũng phải đồng ý, mẹ chỉ có mỗi Hào Hào là cháu ruột, không cho Hào Hào thì cho ai? Chúng ta phải nhanh chóng lấy căn nhà đó, mẹ có hơi thiên vị chị anh, mà chị anh lại rất khéo léo. Nếu bây giờ không lấy, sau này có thể sẽ rơi vào tay chị anh. Tôi cần căn nhà này, bố mẹ tôi già rồi, sức khỏe không tốt, căn nhà đó gần bệnh viện thuận tiện cho việc khám bệnh. Lấy được nhà, tôi sẽ để bố mẹ tôi vào ở. Tối nay anh phải đứng về phía tôi, giúp tôi nói chuyện, bằng mọi cách cũng phải lấy được căn nhà trước đã”.

Tôi 72 tuổi, định cho cháu trai 139 triệu đồng khi cháu đỗ đại học, nhưng nghe được con trai, con dâu nói chuyện, tôi đổi ý: Chúng quá tham lam!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Nghe đến đó, tôi lặng lẽ quay lại phòng khách, lòng có chút lạnh lẽo. Tôi có 2 căn nhà, căn nhà tôi đang ở đã mua nhiều năm, khu chung cư đã cũ, tôi sống ở tầng 5 nên đi lên xuống cũng không tiện nhưng tôi đã quen và không muốn dọn đi.

Căn nhà gần bệnh viện là do chồng tôi quyết định mua cách đây vài năm. Ông ấy cho rằng để tiền trong ngân hàng không có nhiều lãi, nên lấy ra mua nhà, giá nhà đất ngày càng tăng, mua nhà là một khoản đầu tư, chắc chắn không lỗ.

Khi chồng tôi qua đời, ông ấy dặn tôi rằng 2 căn nhà này là bảo đảm cho cuộc sống tuổi già của tôi, dù 2 đứa con có nói gì cũng không được cho đi. Tôi không phải người thông minh, không nghĩ nhiều, nhưng tôi rất nghe lời chồng, ông ấy nói không cho thì tôi sẽ không cho.

Thực ra khi chồng tôi vừa mất, tôi đã định đến ở cùng con trai, nhưng con dâu nói nhà quá nhỏ, không ở được. Con dâu còn gợi ý rằng căn nhà mới rộng rãi hơn, bảo tôi chuyển quyền sở hữu căn nhà cho các con để có thể ở cùng họ dưỡng già.

Lúc đó tôi không đồng ý, con trai và con dâu còn lạnh nhạt với tôi một thời gian. Bây giờ họ lại nhắc lại chuyện cũ, muốn tôi giao căn nhà, lại còn muốn để bố mẹ ruột của con dâu đến đấy ở. Đúng là vô lý.

Thực lòng tôi thấy rất buồn, về mặt tình cảm tôi đối xử với các con như nhau, nhưng về tiền bạc tôi vẫn thiên vị con trai hơn một chút. Gia đình của con gái tôi tương đối khá giả, không thiếu tiền, nên tôi ít khi phải giúp đỡ con.

Con trai tôi sau khi kết hôn, tôi vừa bỏ tiền vừa bỏ công sức, không chỉ giúp các con trông con mà còn thường xuyên cho tiền tiêu vặt, những năm qua thật sự đã tiêu tốn không ít. Nhưng bây giờ con dâu lại nói tôi thiên vị, thật đúng là lòng tham không đáy.

Con trai là con ruột nhưng thực sự không tốt bằng con gái. Mỗi lần chúng tôi đi bệnh viện là con gái hoặc con rể xin nghỉ để đi cùng, còn con trai thì chỉ thỉnh thoảng về thăm.

Ngay cả khi chồng tôi mất, con gái vẫn quan tâm tôi như trước. Thỉnh thoảng mời tôi đến nhà ở, năm ngoái cả gia đình đi du lịch còn đưa tôi đi cùng, thực sự đối xử rất tốt với tôi. So sánh hai đứa con, tôi càng thêm thất vọng về con trai.

Tôi 72 tuổi, định cho cháu trai 139 triệu đồng khi cháu đỗ đại học, nhưng nghe được con trai, con dâu nói chuyện, tôi đổi ý: Chúng quá tham lam!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Đừng nói đến việc chuyển nhượng căn nhà cho các con, tôi thậm chí không muốn thưởng 40.000 NDT (khoảng 139 triệu đồng) nữa và cũng không còn tâm trạng ở lại ăn cơm. Một lát sau, tôi lặng lẽ mang balo rời khỏi nhà con trai.

Sau đó, con dâu gọi điện hỏi tôi đi đâu, tôi nói: "Mẹ không ăn tối với các con nữa, còn phần thưởng cho cháu nội mẹ sẽ đưa sau”. Con dâu muốn nói thêm gì đó, nhưng tôi bảo tôi có việc rồi cúp máy ngay.

Tôi chuyển 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) cho cháu trai, ông bà thông gia cho 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng), tôi đưa 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng), tôi nghĩ như vậy là hợp lý. Cháu nhận tiền rất nhanh nhưng lại không nói một lời cảm ơn nào, điều này khiến tôi càng thêm thất vọng.

Thực ra từ trước đến nay thái độ của cháu với chúng tôi không tốt, cháu cũng không thích về thăm chúng tôi. Bình thường chỉ khi nào cần tiền thì cháu mới đối xử tốt với chúng tôi một chút, lần này có lẽ cháu cảm thấy số tiền quá ít nên mới không để ý đến tôi.

Dù sao thì tôi cũng đã hiểu rõ, những đứa con không hiếu thảo thì tôi cũng không cần phải đối xử quá tốt. Có tiền thì tôi nên giữ cho mình, dùng để ăn uống, hưởng thụ cuộc sống tuổi già một cách tốt đẹp hơn.

Theo Toutiao

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại