Nỗi lo xung đột "không hồi kết"
Tờ Financial Times (FT) mới đây đưa tin, những người lính Ukraine chiến đấu ở tiền tuyến từng được truyền cảm hứng bằng hy vọng giành lại lãnh thổ, nhưng giờ đây họ cũng bày tỏ mong muốn đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh.
Gần trung tâm hậu cần Pokrovsk ở phía đông Ukraine, Mykhailo Temper - chỉ huy Tiểu đoàn 21 thuộc Lữ đoàn Tổng thống Độc lập Ukraine - cho biết mục tiêu của ông đã bắt đầu thay đổi.
“Bây giờ tôi đang nghĩ cách bảo vệ binh sĩ của mình. Thật khó để tưởng tượng rằng chúng tôi có thể đẩy lùi đối phương về biên giới năm 1991”, Temper nói.
Yuryy - một chỉ huy quân đội Ukraine khác ở tiền tuyến miền đông Ukraine - cho biết, hiện tại ông ủng hộ đàm phán vì lo ngại cuộc xung đột này có thể kéo dài vô tận, và các con trai, cháu trai của ông sẽ phải chiến đấu trong tương lai.
Các cuộc điều tra cho thấy thiệt hại do chiến tranh gây ra cho Ukraine ngày càng gia tăng. Một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 5 bởi Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS) cho thấy 77% số người được hỏi có thành viên gia đình, bạn bè hoặc người quen thiệt mạng trong cuộc xung đột, gấp 4 lần so với 2 năm trước. 2/3 số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy khó khăn hoặc rất khó khăn để sống bằng thu nhập thời chiến.
Ngoài ra, luật tuyển quân mới được chính phủ Ukraine thông qua cũng đang gây căng thẳng trong xã hội nước này. Theo luật mới, hàng triệu nam giới Ukraine sẽ phải đối mặt với mức phạt rất lớn nếu không đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, theo FT, việc các văn phòng tuyển quân chặn ngẫu nhiên nam giới vào ban đêm tại các ga tàu điện ngầm hoặc nhà ga để đưa đến trung tâm động viên đã không còn là bí mật trong xã hội Ukraine. Những người này chỉ trải qua huấn luyện ngắn hạn trước khi được gửi ra tiền tuyến.
“Mọi người nghĩ rằng đây là một hành động lạm dụng, còn tệ hơn tội phạm hình sự, vì tội phạm hình sự ít nhất còn có thủ tục tố tụng hợp pháp”, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Kinh tế Ukraine (CES) Hlib Vyshlinsky cho biết. “Điều này khiến mọi người chia rẽ, đồng thời họ cũng sợ các văn phòng tuyển quân tham nhũng và lạm quyền”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine Alexander Merezhko nói thẳng: “Toàn bộ xã hội đã kiệt sức”.
“Kế hoạch chiến thắng” chưa hoàn toàn được ủng hộ
Bên cạnh đó, những đồng minh phương Tây đang ngày càng gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, yêu cầu ông tìm cách giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Jeremy Shapiro - giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) - nói rằng, chính phủ Mỹ nhận ra rằng chiến lược hiện tại là không bền vững vì “chúng ta đang thua trong cuộc chiến này”.
FT đưa tin rằng, vào tuần trước, Tổng thống Ukraine đã tới Mỹ để “quảng bá” “kế hoạch chiến thắng” của mình. Tuy ông Zelensky không tiết lộ nội dung cụ thể của cái mà ông gọi là “chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh”, nhưng một cố vấn của Tổng thống Ukraine - người giúp chuẩn bị tài liệu “Kế hoạch chiến thắng” - cho rằng phương Tây buộc phải “mở khóa” vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga, nhằm củng cố vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán, là trọng tâm của kế hoạch.
Truyền thông Mỹ không đánh giá cao “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky, cho rằng kế hoạch này không thực tế, mà nó giống như một “danh sách mong muốn” của Ukraine hơn.
FT cũng chỉ ra rằng, ông Zelensky đã không nhận được các cam kết từ Washington về hai vấn đề cốt lõi là “nới lỏng” các hạn chế sử dụng vũ khí ở Ukraine và thúc đẩy tư cách thành viên chính thức của Ukraine trong NATO. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến xung đột leo thang.
Ngoài ra, điều “nguy hiểm nhất” đối với Ukraine là khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Ukraine chính thức lên tiếng về tin cân nhắc "đổi đất"
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói rằng, mặc dù “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine tiếp tục nhắc lại hai mục tiêu cũ là gia nhập NATO và "mở khóa" vũ khí tầm xa, nhưng ý nghĩa thực sự của kế hoạch này là “thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến”, chuyển mục tiêu từ “giải phóng hoàn toàn [các lãnh thổ bị chiếm đóng]” sang hướng xung đột có lợi cho Kyiv và đưa Nga trở lại bàn đàm phán.
“Ông Zelensky tin tưởng điều này”, quan chức này nói.
Trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Ukraine, ông Andriy Sybiha đã có các cuộc họp kín với các ngoại trưởng phương Tây để thảo luận về những phương án thỏa hiệp tiềm năng. FT bình luận, ông có thái độ thực tế hơn so với người tiền nhiệm khi bàn về khả năng đàm phán “đổi đất lấy an ninh”.
Dường như dư luận Ukraine cũng đang có quan điểm cởi mở hơn về đàm phán hòa bình. Theo kết quả khảo sát từ Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS), 57% người được hỏi cho rằng Ukraine nên đàm phán hòa bình với Nga, cao hơn so với 33% một năm trước.
Khảo sát cũng cho thấy, người Ukraine có thể chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp, trong đó Nga giữ quyền kiểm soát thực tế đối với các vùng lãnh thổ hiện đang nắm giữ nhưng không được công nhận chủ quyền, đổi lại Ukraine sẽ gia nhập NATO.
Nhưng bất kỳ sự nhượng bộ nào về lãnh thổ sẽ có thể gây ra sự phẫn nộ từ các lực lượng dân tộc chủ nghĩa bên trong Ukraine, một số trong đó đã được trang bị vũ khí và huấn luyện chiến đấu.
Một quan chức Ukraine nói với FT: “Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng có thể gây ra bất ổn xã hội và ông Zelensky rất hiểu điều này”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine vào ngày 1/10 đã phủ nhận thông tin của FT rằng các quan chức ngoại giao Ukraine đã thảo luận với phương Tây về “đàm phán đổi đất lấy an ninh”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định rằng, “không có đề xuất, thảo luận hay ám chỉ về sự thỏa hiệp lãnh thổ” tại bất kỳ cuộc gặp nào ở New York.
“Ngược lại, lập trường của Ngoại trưởng [Ukraine] vẫn rất vững chắc, ông ấy đã nhấn mạnh điều này trong các cuộc họp kín. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thể thương lượng”, người phát ngôn nói.
Ukraine khó có cơ hội gia nhập NATO
Đối với hầu hết các thành viên NATO, Ukraine khó có thể chính thức gia nhập liên minh nếu không có một lệnh ngừng bắn lâu dài và rõ ràng, cũng như không có đường biên giới xác định rõ ràng về khu vực mà điều khoản phòng thủ chung của NATO sẽ được áp dụng.
Trong bối cảnh này, một số ý kiến đã được đưa ra về khả năng Ukraine gia nhập NATO theo mô hình của Tây Đức trước đây. Chuyên gia Shapiro đến từ ECFR nói rằng mô hình này đặc biệt được ủng hộ tại Nhà Trắng.
Ngày 12/10, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tổ chức một hội nghị với Ukraine và các đồng minh tại Đức. Một quan chức phương Tây nắm rõ tình hình cuộc đàm phán của ông Zelensky tại Washington hé lộ, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy ông Biden có thể đồng ý thúc đẩy tiến trình Ukraine gia nhập NATO trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cũng nghi ngờ rằng Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra. “Tôi không nghĩ Nga sẽ đồng ý cho chúng tôi gia nhập NATO”, một quan chức cấp cao của Ukraine nói. “Ngay cả khi chúng tôi nhận được lời mời từ NATO, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đây là một quyết định chính trị”.
Nga từ lâu đã phản đối việc Ukraine gia nhập NATO. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói rằng các quốc gia phương Tây cần nhận thức rằng vấn đề Ukraine gia nhập NATO là “rất nguy hiểm”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây cũng từng tuyên bố rằng, Nga sẽ không chấp nhận việc NATO mở rộng về phía đông thông qua Ukraine, vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh dài hạn và tương lai chiến lược của Nga.