TOÀN VĂN: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

chinhphu.vn |

Toàn văn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12, Luật số 72/2014/QH13 và Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 1 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13 như sau:

“Điều 11. Chức vụ của sĩ quan

1. Chức vụ cơ bản của sĩ quan gồm có:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

c) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

d) Phó Tổng Tham mưu trưởng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

đ) Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục;

Tư lệnh, Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn;

e) Phó Chủ nhiệm Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng, Phó Chính ủy Tổng cục;

Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy: Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn;

g) Tư lệnh, Chính ủy Binh chủng; Tư lệnh, Chính ủy Vùng Hải quân;

h) Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Binh chủng; Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Vùng Hải quân;

i) Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;

k) Phó Sư đoàn trưởng, Phó Chính ủy Sư đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;

Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;

l) Phó Lữ đoàn trưởng, Phó Chính ủy Lữ đoàn;

Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện), Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;

m) Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy Trung đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;

n) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn;

o) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn;

p) Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội;

q) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội;

r) Trung đội trưởng”.

2. Chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định tại các điểm đ, e và điểm g khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định; chức vụ, chức danh tương đương với chức vụ quy định từ điểm h đến điểm r khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 2 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13 như sau:

“Điều 13. Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan

1. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:

Cấp úy: 50;

Thiếu tá: 52;

Trung tá: 54;

Thượng tá: 56;

Đại tá: 58;

Cấp Tướng: 60.

2. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 05 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị quy định từ điểm h đến điểm r khoản 1 Điều 11 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 3 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13 như sau:

“Điều 15. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan

1. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:

a) Đại tướng, số lượng không quá 03, bao gồm:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

b) Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm:

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá 06;

Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá 03;

Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng;

c) Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; số lượng không quá 398;

d) Các chức vụ, chức danh quy định từ điểm h đến điểm r tại khoản 1 Điều 11 Luật này và các chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy.

2. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng;

3. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng quân hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 17 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác, trường hợp không còn đủ 03 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.

Chính phủ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy vượt bậc.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 như sau:

“Điều 18. Thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn

1. Sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được tặng Huân chương;

b) Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý.

2. Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn nếu trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được khen thưởng.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

6.Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 32 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

“3. Sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ”.

7.Sửa đổi Điều 33 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

“Điều 33. Chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ

1. Sĩ quan tại ngũ được bảo đảm chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, thai sản, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.

2. Cha đẻ, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; cha đẻ, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông của sĩ quan tại ngũ không có chế độ bảo hiểm y tế thì được Cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.”.

8.Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 36 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

“3. Hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13 Luật này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu”.

9. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 như sau:

“e) Được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần theo quy định của Chính phủ”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

“Điều 38. Tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị

1. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau:

Cấp Úy: 53;

Thiếu tá: 55;

Trung tá: 57;

Thượng tá: 59;

Đại tá: 61;

Cấp Tướng: 63”.

2. Đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 49 của Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, căn cứ trình độ đã được đào tạo, kết quả học tập, rèn luyện được phong quân hàm sĩ quan dự bị.”.

b) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:

“6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 5 Điều này.”.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 46 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sĩ quan; ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt về điều kiện, môi trường làm việc, lương thưởng, chăm sóc sức khỏe và các chính sách khácđể thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội; quy định chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với cán bộ Tình báo và người cộng tác với Lực lượng Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện việc quản lý nhà nướcvề sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện”.

c) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:

“2a. Bộ Nội vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương đối với sĩ quan theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”.

13. Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 47 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10 như sau:

“5. Bố trí quỹ đất, bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng và khả năng của từng địa phương”.

14. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều sau đây:

a) Bổ sung cụm từ “Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng” vào sau cụm từ “Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam” tại điểm b khoản 1 Điều 25 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13;

b) Bổ sung cụm từ “cùng ngành nghề làm việc” vào sau cụm từ “cùng điều kiện làm việc” tại khoản 1 Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 7 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13;

c) Bổ sung cụm từ “chính sách về đất ở” vào trước cụm từ “phụ cấp nhà ở” tại khoản 7 Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13;

d) Thay thế từ “hộ khẩu” bằng từ “thường trú” tại khoản 1 Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 19/2008/QH12;

đ) Thay thế cụm từ “kế hoạch của Chính phủ” bằng cụm từ “quyết định của Thủ tướng Chính phủ” tại Điều 40 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10;

e) Bỏ cụm từ “được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích” tại khoản 1 Điều 43 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2024;

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại