LTS: VOV.VN xin giới thiệu toàn văn bài viết của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về vụ án nhà báo Saudi Jamal Khashoggi bị thủ tiêu bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Bài báo đăng ngày 2/11 trên tờ Washington Post (Mỹ) mà nhà báo Khashoggi từng viết bài cho.
<<
Saudi Arabia vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp về vụ sát hại Jamal Khashoggi
Câu chuyện này quá quen thuộc: Jamal Khashoggi, một nhà báo Saudi và một con người của gia đình, vào trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul vào ngày 2/10 để làm thủ tục liên quan đến việc kết hôn. Không ai, thậm chí kể cả vị hôn thê của ông đang đợi ở bên ngoài tòa nhà, được thấy ông ấy quay trở lại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Greek Reporter.
Trong quá trình một tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi tới chân trời cuối bể để rọi sáng lên mọi khía cạnh của vụ án này. Nhờ vào các nỗ lực của chúng tôi, thế giới được biết rằng Khashoggi đã bị một biệt đội tử thần giết chết theo kiểu máu lạnh, và thế giới giờ cũng biết được rằng vụ sát hại này đã được mưu tính từ trước.
Những vẫn còn đó những câu hỏi khác, không kém phần quan trọng mà nếu được trả lời sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu được hành động đáng bị lên án này. Thi thể của Khashoggi giờ ở đâu?
Ai là tòng phạm ở địa phương mà các quan chức Saudi Arabia tuyên bố là đã trao thi thể Khashoggi? Ai đã ra lệnh giết chết một tâm hồn lương thiện này? Thật không may, giới chức Saudi từ chối trả lời những câu hỏi này.
Chúng ta biết những kẻ gây án nằm trong số 18 nghi phạm bị bắt giữ ở Saudi Arabia. Chúng ta cũng biết những cá nhân đó đã tới để thực hiện các mệnh lệnh dành cho họ: Giết Khashoggi rồi rút đi. Cuối cùng, chúng tôi biết được rằng lệnh giết chết Khashoggi đến từ các cấp cao nhất của chính quyền Saudi Arabia.
Vài người dường như lại hy vọng “vấn đề” này rồi sẽ qua đi theo thời gian. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đặt ra những câu hỏi đó – những câu hỏi này đóng vai trò trọng yếu không chỉ đối với quá trình điều tra hình sự ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đối với gia đình Khashoggi và những người thương yêu của ông.
Một tháng sau vụ sát hại Khashoggi, chúng ta vẫn chưa biết thi thể ông giờ nằm ở đâu. Ít nhất, ông xứng đáng được hưởng nghi lễ mai táng đúng theo phong tục Hồi giáo. Chúng ta mắc nợ gia đình và bạn bè của ông, bao gồm các đồng nghiệp của ông ở Washington Post, vì chưa cho họ cơ hội nói lời vĩnh biệt và viếng thăm người đàn ông đáng kính này. Để bảo đảm rằng thế giới sẽ tiếp tục hỏi những câu tương tự, chúng tôi đã chia sẻ bằng chứng với bạn bè, đồng minh, kể cả Mỹ.
Khi chúng tôi tiếp tục truy tìm câu trả lời, tôi muốn nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có mối quan hệ hữu nghị. Tôi không tin dù chỉ một giây rằng Quốc vương Salman, người bảo hộ các nhà thờ Hồi giáo linh thiêng, đã ra lệnh tiêu diệt Khashoggi. Vì vậy, tôi không có lý do để tin rằng vụ sát hại này phản ánh chính sách chính thức của Saudi Arabia. Theo nghĩa này, sẽ là sai nếu xem vụ giết hại Khashoggi là một “vấn đề” giữa 2 nước.
Tuy nhiên, tôi phải bổ sung thêm rằng mối quan hệ hữu nghị giữa chúng tôi và Riyadh, vốn có bề dày thời gian, không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ nhắm mắt làm ngơ trước một vụ sát nhân đã được mưu tính trước đang hé lộ dần chân tướng trước mắt chúng ta. Vụ sát hại Khashoggi là không thể lý giải được. Nếu tội ác này mà diễn ra trên đất Mỹ hoặc nơi nào khác, giới chức ở các nước đó sẽ đi tới tận cùng của điều đã xảy ra. Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi cũng không thể làm khác thế.
Không thể để ai đó lại dám tái phạm phải các điều đó trên lãnh thổ một đồng minh NATO. Nếu ai đó cứ phớt lờ cảnh báo này, họ sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề. Vụ sát hại Khashoggi là một sự vi phạm rõ ràng và lạm dụng trắng trợn Công ước Vienna về các mối Quan hệ Lãnh sự. Nếu không thể trừng phạt những kẻ phạm tội thì điều này có khả năng tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm.
Đây là một lý do nữa khiến chúng tôi bị sốc và buồn đau trước các nỗ lực của một số quan chức Saudi Arabia nhất định trong việc che giấu vụ sát hại mưu tính trước này thay vì phục vụ công lý mà mối quan hệ hữu nghị của chúng tôi đòi hỏi.
Mặc dù Riyadh đã bắt giữ 18 nghi phạm, vẫn có mối quan ngại sâu sắc là họ không có hành động nào đối với Tổng lãnh sự Saudi, người đã nói dối bằng chính miệng mình trước giới truyền thông rồi bỏ trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó.
Tương tự, việc công tố viên Saudi – người mới đây thăm người đồng cấp ở Istanbul, từ chối hợp tác với nhóm điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ và trả lời những câu hỏi dù là đơn giản, cũng là điều cực kỳ gây ức chế. Việc ông này mời các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ sang Saudi Arabia để nói chuyện thêm về vụ này có vẻ là chiến thuật án binh.
Vụ sát hại Jamal Khashoggi liên quan nhiều người, không chỉ giới hạn vào một nhóm quan chức an ninh, tương tự vụ bê bối Watergate trước đây lớn hơn là một vụ đột nhập nghe lén, hay vụ tấn công khủng bố 11/9 vượt lên trên bản thân những kẻ không tặc.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng tôi phải tiết lộ danh tính những kẻ chủ mưu đằng sau vụ sát hại Khashoggi và tìm ra những kẻ mà các quan chức Saudi (vẫn đang cố tình che giấu vụ sát hại này) đã đặt niềm tin vào./.