Nhắc tới tổng thống Donald Trump, nhiều người không khỏi nghĩ ngay tới mục tiêu "viết lại" mối quan hệ giao thương giữa Mỹ - Trung Quốc và bản năng của một doanh nhân thành đạt trong những cuộc đàm phán, thỏa thuận.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần và thị trường tài chính đã bước qua tháng 10 trắc trở, ông Trump dường như đang kiểm soát mọi cuộc chơi trong tay.
"Chúng ta sẽ có thỏa thuận với Trung Quốc, và tôi nghĩ nó sẽ rất công bằng với tất cả mọi người," ông Trump trả lời phóng viên vào ngày 2/11 sau buổi tư vấn với các quan chức trước khi bắt đầu lên ý tưởng cho kế hoạch gặp mặt Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Argentina ngày 30/11-1/12 sắp tới.
Ông Trump cũng nói thêm rằng "cả hai phía sắp cùng nhau đạt được một thứ gì đó".
Tuy nhiên, lý tưởng của ông Trump - và quan điểm "diều hâu" của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc - sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tạm thời "đình chiến"
Ông Tập có thể sẽ thể hiện quan điểm của mình vào ngày 5/11 khi ông tới dự hội chợ thương mại tại Thượng Hải. Tuy nhiên, các nhà phân tích Nhà Trắng cho rằng, bất kì thỏa thuận nào được thiết lập tại G-20 cũng chỉ là một biến thể của lệnh "đình chiến", chứ không phải "hòa bình toàn diện" cho cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng ngày nay.
Tức là, việc đình chiến sẽ buộc hai bên ngừng tiếp tục áp đặt thêm thuế quan, và thậm chí có thể loại bỏ một số thuế quan trong khi các quan chức cấp cao đàm phán cho những hiệp ước ở mức cao hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, việc đình chiến như vậy sẽ được coi là một thành tựu to lớn cho các thị trường. Nhưng điều đó đồng nghĩa rằng Bắc Kinh và Washington sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn phía trước trong quá trình đàm phán.
Chiến tranh thương mại đang ngày càng nóng hơn, dựa trên những số liệu về các mức thuế quan đã được áp dụng.
Ảnh minh họa: Getty
Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, trả lời trong cuộc họp báo tại Chicago: "Nếu hai bên đều có thiện chí và đồng thuận với nhau - ít nhất là trên tư cách cá nhân giữa hai nguyên thủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - chúng ta sẽ tiến tới và hợp tác chi tiết hơn với Trung Quốc".
Nhưng theo ông Kudlow, kể cả khi cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập diễn ra suôn sẻ, thì vẫn còn "nhiều quy trình phức tạp, khó khăn" ở phía trước.
Lý giải cho điều này, một số chuyên gia cho rằng những động thái về kinh tế của Washington với Bắc Kinh để lại nhiều hậu quả hơn rất nhiều so với những đối tác thương mại khác.
Gần đây, chính quyền ông Trump đã có nhiều tuyên bố mang tính đối đầu với Trung Quốc. Lời phát biểu của quan chức cấp cao như Phó Tổng thống Mike Pence đã khiến nhiều người cho rằng đây là sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Đối đầu kinh tế
Khi những vấn đề ngoại giao thương mại tiếp tục là điểm nóng, ông Trump lại ngày càng biểu hiện rõ hơn rằng ông đang hướng tới phát triển thị trường nội địa. Dữ liệu được công bố ngày 2/11 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tăng, cán mốc 301 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2018.
Con số này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp gần 3 lần thâm hụt với Liên minh Châu Âu (EU) và sáu lần với Nhật Bản - hai thị trường mà chính quyền ông Trump đang ưu tiên đàm phán thương mại.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt kỉ lục mới trong tháng 9. Nguồn: USCB
Ngoài ra, ông Trump cũng thường xuyên gọi những chính sách công nghiệp lớn như "Made in China 2025" của Trung Quốc - với tham vọng dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực công nghệ cao như robot - đã đe dọa tới vị thế của Mỹ trên nền kinh tế toàn cầu.
Từ bỏ - hoặc giảm bớt - nguồn tài trợ chính phủ và những hỗ trợ khác cho kế hoạch "Made in China 2025" không phải là điều mà ông Tập sẵn sàng thực hiện. Tương tự, Bắc Kinh cũng sẽ không sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong việc hủy bỏ mạng lưới các công ty nhà nước đang kiểm soát phần lớn thị trường Trung Quốc.
Sở hữu trí tuệ
Một trong những lĩnh vực mà hai bên có thể đồng ý là bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ hợp tác với chính quyền Mỹ trong bối cảnh Washington tăng cường xử lí những hacker quốc tịch Trung Quốc có hành vi đánh cắp bí mật thương mại.
Tuần qua, Mỹ đã cấm các doanh nghiệp bán sản phẩm tới Công ty Mạch Tích hợp Jinhua ở Phúc Kiến, Trung Quốc bởi lo ngại mối đe dọa tới an ninh quốc gia từ nhà sản xuất chip này. Tháng trước, Mỹ đã dẫn độ một điệp viên Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ nhiều công ty lớn, bao gồm General Electric.
Nhưng thay đổi chính sách kinh tế của Trung Quốc về mặt dài hạn sẽ là điều khó khăn với Bắc Kinh.
"Rất khó để biết Trung Quốc sẽ cam kết như thế nào để giải quyết các nghi ngại của Mỹ, đặc biệt là chương trình 'Made in China 2025'," Eswar Prasad - một cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) tiết lộ.
Zhou Xiaoming - cựu quan chức Bộ Thương Mại - cho rằng nỗi sợ lớn của Bắc Kinh là chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục đòi hỏi những thứ mà ông Tập không bao giờ đồng ý.
Nếu Trung Quốc không đáp ứng được những đòi hỏi ấy, Mỹ "sẽ đá lại quả bóng về phía Trung Quốc và buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những đàm phán không đem lại hiệu quả".