Toan tính của Tổng thống Pháp khi chỉ trích mạnh mẽ Trump?

Cẩm Anh |

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần thể hiện thái độ gay gắt khi trực tiếp chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đó, Tổng thống Pháp chỉ trích gay gắt các chính sách của Mỹ tại Trung Đông đã châm ngòi cho bất ổn ở khu vực. Đồng thời, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nới lỏng hàng loạt quy định về môi trường trong nước đã gây ra những hậu quả xấu đến các nước trên thế giới.

"Những cá nhân từ chối hành động tập thể “sẽ tự khiến họ trở nên dễ tổn thương hơn", Tổng tống Pháp khẳng định và đề nghị các nước ngừng ký kết thỏa thuận thương mại với những nước không tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Emmanuel Macron cũng khẳng định vai trò của toàn cầu hóa bằng việc đề nghị các nước cần chung tay để hành động giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, dân số và kỹ thuật số.

"Không nước nào có thể đơn độc giải quyết những vấn đề nói trên. Chủ nghĩa dân tộc luôn dẫn đến diệt vong", Tổng thống Macron khẳng định.

Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận song phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ không hiệu quả và đề cao giá trị của những tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Có thể thấy, Tổng thống Pháp đã chọn ở thế đối đầu với Mỹ khi bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh vai trò của toàn cầu hóa, đối chọi với con đường bảo hộ của Mỹ.

Từ nhiều năm nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp luôn được giữ ở thế cân bằng. Mặc dù có một số khác biệt và vẫn có sự cạnh tranh về kinh tế, nhưng Pháp và Mỹ chưa bao giờ đối đầu trực diện với nhau.

Hợp tác quân sự, chính trị và tình báo của quân đội Pháp-Mỹ vẫn còn rất quan trọng từ châu Phi đến Trung Đông. Ở Washington, kinh nghiệm của Pháp về châu Phi được Mỹ coi trọng, được thể hiện cụ thể nhất trong việc tham gia vào các dự án do Mỹ tài trợ ở Mali và Cộng hòa Trung Phi vào năm 2013.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ này thường bị đẩy vào tình trạng xung đột, và dần suy yếu bởi các tranh chấp bắt nguồn chủ yếu từ những khác biệt sâu sắc trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân P5+1 (JCPOA) được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama không ngăn cản chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay việc Tehran hỗ trợ cho các nhóm phiến quân tại Trung Đông; trong khi đó, Tổng thống Pháp vẫn duy trì quan điểm trước đó khi nhấn mạnh tầm quan trọng của JCPOA và cho rằng thỏa thuận này là sự lựa chọn tốt nhất để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Bà Agathe Demarais, một nhà phân tích của Cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tạp chí Economist nhận định, Pháp đang nỗ lực giành lại vị thế cường quốc của mình và việc mạnh mẽ đối đầu với Mỹ của vị Tổng thống Pháp là minh chứng cho điều đó.

"Là người đối thoại của Châu Âu, ông Macron đang có thời điểm thuận lợi để đưa Pháp trở lại vị thế cường quốc của mình. Anh và Đức đang gặp một số bất lợi, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn còn bối rối với Brexit, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lại bị “yếu thế” sau 6 tháng thành lập chính phủ liên minh. Rất có khả năng Pháp sẽ trở thành trụ cột mới của châu Âu", bà Agathe Demarais nhận định.

Theo các nhà phân tích, trong những năm qua, Pháp đã tận dụng tốt cơ hội để lấp đầy khoảng trống của Mỹ và Anh tại nhiều khu vực, trong đó có Trung Đông và châu Phi. Do đó, Tổng thống Pháp đã có thể mạnh dạn đảm nhận vai trò dẫn dắt những nỗ lực quốc tế.

Tuy nhiên, Pháp vẫn cần nhiều thời gian để chính thức thay thế Mỹ khi Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và như nhiều nhận định gần đây, những phát ngôn "gây chiến" của Tổng thống Macron chỉ là "cây gậy" thúc ép Tổng thống Mỹ quay lại với JCPOA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại