Cô gái 26 tuổi qua đời vì kiệt sức sau 4 tháng làm việc ở EY
Anna Sebastian Perayil (26 tuổi) là cô gái được nhắc đến nhiều nhất lúc này ở mạng xã hội Ấn Độ, sau cái chết đau thương của cô vào ngày 20/7. Trước đó vào tháng 3/2024, cô gái đã tự hào khoe đỗ vào tập đoàn EY (một trong 4 tập đoàn kiểm toán hàng đầu thế giới).
Sự ra đi đau thương của cô gái đã được bà Anita Augustine (mẹ của Anna) viết trong tâm thư dài 3 trang A4 gửi đến Chủ tịch tập đoàn EY. Tâm thư này đã vạch trần văn hoá làm việc độc hại tại tập đoàn lớn, đồng thời chỉ ra chính những áp lực lẫn thời gian làm việc quá tải đã gián tiếp đẩy Anna đến cái chết.
Ngay khi mới nhận việc, Anna biết rằng trong nhóm của cô có rất nhiều nhân viên từ chức vì áp lực công việc, không ai trụ nổi quá 3 tháng. Thế nhưng vì EY là công ty đầu tiên, lại là tập đoàn hàng đầu thế giới, nên cô gái đã luôn cố gắng đi làm để không bị ảnh hưởng con đường thăng tiến.
Bà Augustine tiết lộ những gì con gái phải trải qua:
“Anna sẽ về nhà trong tình trạng kiệt sức, đôi khi còn gục ngã luôn trên giường mà không kịp thay quần áo, liên tục bị tấn công bởi những tin nhắn yêu cầu báo cáo thêm. Con gái tôi làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí cả cuối tuần, không có thời gian để thở.
Quản lý từng gọi cho con bé vào ban đêm, giao 1 nhiệm vụ cần phải hoàn thành vào sáng hôm sau, khiến con hầu như không có thời gian nghỉ ngơi hay hồi phục sức khoẻ. Khi con bé nói về vấn đề đó, đã phải nhận câu trả lời: "Bạn có thể làm việc vào ban đêm. Đó là văn hoá tất cả chúng tôi đều đang làm”.
Những áp lực công việc dồn nén đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoé của Anna. Cô cũng đã báo cáo việc này với bộ phận nhân sự, nhưng chỉ nhận được thái độ thờ ơ.
Cách ngày qua đời khoảng 2 tuần, bố mẹ đã bay đến gặp Anna trong buổi lễ tốt nghiệp của cô. Anna chia sẻ dạo gần đây hay bị những cơn đau co thắt ngực, nên cả gia đình đã đi khám. Bác sĩ cho biết các chỉ số cơ thể thì bình thường, nhưng sức khoẻ của Anna bị báo động do ảnh hưởng của việc ăn đêm và thiếu ngủ. Tất cả điều này đều vì nguyên nhân công việc kéo dài đến đêm khuya.
Cho đến ngày 20/7, Anna đã gục ngã và qua đời khi mới 26 tuổi, khi cô còn cả tương lai phía trước.
Bà Augustine viết trong bức tâm thư: "Những gì trải qua với Anna đã chứng minh kiểu văn hoá làm việc quá sức, bỏ bê bản thân đóng vai trò rất lớn trong cái chết của con bé. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của con gái tôi, mà là những người trẻ bước chân vào tập đoàn EY với biết bao hi vọng và ước mơ, chỉ để rồi bị đè bẹp dưới sức nặng của những kì vọng không thực tế..."
Gia đình tiết lộ Anna đã định nghỉ việc ở EY, nhưng chưa kịp từ chức thì cô đã qua đời.
EY gây phẫn nộ khi thái độ dửng dưng, không một ai đến viếng đám tang của Anna
Sau khi bức tâm thư của bà Augustine viral khắp cõi mạng, tập đoàn EY đã hứng chịu làn sóng phẫn nộ vì có thái độ dửng dưng và vô cảm trước sự ra đi của nhân viên.
Bà Augustine tiết lộ sự thật đau lòng: Không một ai trong tập đoàn EY đến viếng đám tang của Anna! Chỉ sau khi bức tâm thư viral, tập đoàn này mới có động thái quan tâm đến sự ra đi của nhân viên.
Ông Rajiv Memani (chủ tịch tập đoàn EY ở Ấn Độ) cho biết vô cùng đau buồn trước những gì xảy ra, cảm thấy hối hận khi không một ai trong công ty đi viếng đám tang của Anna.
Tuy nhiên, vị chủ tịch này gây phẫn nộ khi bày tỏ sự nghi ngờ về những cáo buộc cho rằng Anna qua đời vì làm việc kiệt sức. “Cô ấy được phân công làm việc như mọi nhân viên khác. Chúng tôi không tin rằng áp lực công việc có thể cướp đi mạng sống của cô ấy”, ông Rajiv Memani trả lời phỏng vấn.
Tập đoàn EY khẳng định sẽ có những động thái để quan tâm hơn đến đời sống của nhân viên, đồng thời không để xảy ra câu chuyện đau lòng như cái chết của Anna.
Về phía gia đình Anna, mẹ của cô gái cho biết gia đình không tiến hành những vụ kiện pháp lý, chỉ mong công ty thay đổi để không còn bậc cha mẹ nào phải chịu nỗi mất mát đau đớn kia.
“Đã đến lúc phải suy ngẫm về văn hóa làm việc trong công ty và thực hiện các bước có ý nghĩa để ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên. Điều này có nghĩa là tạo ra một môi trường mà nhân viên cảm thấy an toàn khi lên tiếng, nơi mà họ được hỗ trợ trong việc quản lý khối lượng công việc của mình và là nơi sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của họ không bị hy sinh vì hiệu suất công việc”, bà Augustine cho biết.
Làn sóng phản đối dữ dội, nhiều nhân viên tố cáo tập đoàn EY bóc lột
Hiện tại, làn sóng phản đối văn hoá làm việc của tập đoàn EY đang được đẩy lên dữ dội. Đặc biệt là những người làm trong những tập đoàn Big 4 về Kiểm toán (bao gồm: Deloitee, PwC, KPMG, EY) đã chia sẻ những trải nghiệm tương tự trên MXH. Họ thường xuyên phải làm 14-18 tiếng/ngày, và nhận được rất ít sự hỗ trợ từ quản lý để giảm tải bớt căng thẳng và khối lượng công việc.
Một người đồng nghiệp với Anna cho biết: Họ nhận được thông báo về sự qua đời của Anna thông qua email, đính kèm trang LinkedIn của cô gái cùng dòng tin tức “cô ấy qua đời vì tình hình sức khoẻ ngày càng tệ đi”.
Người đồng nghiệp này cũng chia sẻ văn hoá làm việc tại EY ở Ấn Độ:
“Chúng tôi làm việc trung bình 16 tiếng/ngày trong mùa cao điểm, và 12 giờ/ngày vào những lúc không bận. Không có ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ trong năm. Hàng năm, EY tự động thông báo 1 ngày nghỉ cho nhân viên. Nhưng bạn đoán đúng rồi đó! Kể cả ngày đó cũng không được nghỉ. Chúng tôi vẫn phải làm việc trong văn phòng. Làm việc quá sức là cách duy nhất để được thăng tiến, và dường như nhiều người trong đây đều như vậy!”.
Trong khi đó, một nhân viên ở KPMG trong 4 năm, cho biết vẫn phải tiếp tục làm việc dù bị mắc Covid-19, và chỉ được nghỉ “cho đến khi không thể ngồi dậy được cho quá yếu và sốt”.
Người này tiết lộ hành động tồi tệ của vị sếp quản lý trực tiếp: “Người này còn nhấn mạnh với các leader khác rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù tôi đã nộp báo cáo xét nghiệm dương tính với Covid-19”.
Chính phủ vào cuộc, công ty bị thanh tra
Chính phủ Ấn Độ đang mở cuộc điều tra toàn diện để tìm ra nguyên nhân đằng sau cái chết của Anna.
Công ty EY ở thành phố Pune – nơi Anna làm việc, đã bị thanh tra sau cái chết của cô gái 26 tuổi. “Một số điểm nghi vấn đã được tìm thấy, và công ty được gia hạn 7 ngày để trả lời những phát hiện này” - đại diện cơ quan thanh tra cho hay.
Bất chấp sự giám sát ngày càng chặt chẽ, tập đoàn EY vẫn phủ nhận cáo buộc liên quan đến cái chết của Anna. Công ty khẳng định tuân thủ theo tiêu chuẩn của ngành, và đáp ứng những gì nhân viên cần có.
Hiện cuộc điều tra này vẫn đang được tiến hành. Kết quả chính thức còn phụ thuộc vào phản hồi của công ty và kết quả của báo cáo thanh tra.
Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ (viết tắt: NHRC) đã yêu cầu Bộ Lao động Ấn Độ đưa ra thông báo chi tiết về cái chết của Anna. NHRC cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các tình tiết xung quanh cái chết của cô gái này. Bộ trưởng Bộ Lao động Ấn Độ cũng xác nhận đang xem xét về vấn đề này.
Theo NHRC, các báo cáo xung quanh cái chết của Anna cho thấy văn hoá nơi làm việc có thể tác động nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất của nhân viên trẻ. Đặc biệt là những người làm trong ngành có tính áp lực cao như tài chính, tư vấn, luật.
Sự ra đi đau lòng của Anna đã gây nên bùng nổ ở MXH Ấn Độ. Bởi sự thiếu bảo vệ cho người lao động và căng thẳng gia tăng nơi làm việc từ lâu đã là vấn đề đáng lo ngại ở Ấn Độ.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 51% người lao động ở Ấn Độ làm việc hơn 49 giờ/tuần – cao hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á. Một báo cáo khác chỉ ra 62% nhân viên tại quốc gia này bị căng thẳng và kiệt sức vì công việc.