Ngày 26/10 tới đây là một ngày đặc biệt, với một sự kiện được xem là "cổ tích thời hiện đại" ở Hoàng gia Nhật Bản. Đó là khi Công chúa Nhật Bản làm đám cưới với một "thường dân" là luật sư, rồi sau đó rũ bỏ tước vị để bắt đầu cuộc sống mới tại New York.
Nhưng kể từ lúc Công chúa Mako và Kei Komuro thông báo đính hôn vào năm 2017, chuyện tình của họ không lúc nào yên ổn. Nó chìm trong scandal, sự phản đối của công chúng, và sự quay cuồng của truyền thông lá. Sự tức giận của họ được xác thực từ cách đây 1 tháng, khi chú rể đến Nhật Bản để chuẩn bị cho đám cưới ngày 26 tới đây. Anh xuất hiện với một mái tóc dài, cột đuôi.
Truyền thông Nhật Bản đăng tải vô số hình ảnh về chiếc "đuôi ngựa" của Komuro ở mọi góc độ, một số còn so sánh với búi tóc của samurai thời xưa. Trên mạng xã hội, có các ý kiến tỏ ra ủng hộ, số khác thì mặc định đó là một ngoại hình không phù hợp với một chú rể trong đám cưới hoàng gia.
Dĩ nhiên ở phương Tây, chiếc đuôi tóc ấy chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng ở Nhật Bản, người ta kỳ vọng nhiều hơn ở một người có địa vị cao, thông qua hành động và lời nói. Người ta nghĩ rằng mái tóc của Komuro là dấu hiệu cho thấy anh không tôn trọng văn hóa xã hội Nhật Bản - theo Hitomi Tonomura, giáo sư ĐH Michigan (Mỹ).
"Nếu anh ta là ca sĩ hay nghệ sĩ thì chẳng làm sao, nhưng mọi người cho rằng anh ta không giống một luật sư, hay bất kỳ ai đang chuẩn bị có một đám cưới với công chúa hoàng tộc," - Tonomura nói thêm.
Hiện tại, Komuro đã cắt bỏ chiếc đuôi tóc trước thềm lễ cưới. Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó.
Kei Komuro và chiếc đuôi tóc gây tranh cãi
Trong khi hầu hết các lễ cưới hoàng gia sẽ có một sự hào nhoáng, đám cưới lần này tổ chức khá im lặng, diễn ra trong một văn phòng chính phủ và kèm theo một buổi họp báo, rồi Mako sẽ rời bỏ hoàng tộc và chuyển đến Mỹ sau đó. Một số người tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc những hoàng tộc trẻ tuổi không còn quá bó buộc với các quy định được cho là "khắt khe" về những gì họ có thể làm, và đối tượng họ chọn để kết hôn.
Không môn đăng hộ đối?
Công chúa Mako đã tròn 30 tuổi vào ngày 23/10 vừa qua, là cháu của Thiên hoàng Naruhito và lớn trong thập niên 1990, ở một hoàng tộc tràn ngập các quy tắc.
Là cháu nội của cựu hoàng đế, từ nhỏ Mako đã nhận được sự chú ý rất lớn của công chúng. "Cô ấy có một cách cư xử không tì vết. Mọi người nhìn nhận cô là một hoàng tộc hoàn hảo," - Mikiko Taga, nhà báo Nhật Bản cho biết.
Công chúa Mako được kỳ vọng sẽ vào đại học tư nhân Gakushuin giống như các tinh hoa giàu có khác của Nhật Bản, nhưng cô lại chọn học cử nhân nghệ thuật và di sản văn hóa tại một trường quốc tế ở Tokyo. Đó là nơi cô gặp Komuro, chàng trai ra đời trước cô 3 tuần vào tháng 10/1991, với gia thế khiêm tốn hơn rất nhiều.
Komuro lớn lên dưới bàn tay của một bà mẹ đơn thân. Anh mất cha và ông bà từ khi còn rất nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc cho một công ty luật tại Tokyo, trước khi giành được học bổng của trường luật Fordham tại New York.
Trong khi đó, việc học đã đưa Công chúa Mako đi sang một nhánh khác. Năm 2014, cô đến ĐH Leicester (Anh Quốc) theo diện sinh viên trao đổi, trước khi có bằng thạc sĩ nghiên cứu bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật. Cặp đôi tái hợp vào năm 2017, và quyết định thông báo kết hôn của họ đã thu hút sự chú ý cực mạnh từ công chúng.
Trong một buổi họp báo, Công chúa Mako bảo rằng cô đã "nụ cười tỏa nắng" của Komuro thu hút, và qua thời gian hiểu được rằng anh là một người "chân thành, kiên định, chăm chỉ và giàu lòng bác ái." Truyền thông Nhật Bản gọi anh là "Hoàng tử đại dương", dựa trên nhân vật anh đóng vai trong chuyến du lịch tới bờ biển thành phố Fujisawa, phía nam Tokyo.
Mọi chuyện đều rất ổn, cho đến khi sóng gió ập đến.
Cặp đôi dự định làm đám cưới vào năm 2018, nhưng kế hoạch buộc phải dời lại. Hoàng gia Nhật Bản thông báo sự trì hoãn là do "thiếu chuẩn bị", nhưng một số người cho rằng nguyên nhân là vì mẹ Komuro đã không thể trả được khoản tiền 36.000 USD vay mượn từ chồng cũ.
Komuro bác bỏ điều này, thậm chí đưa ra một bản thông báo dài 28 trang hồi đầu năm 2021, trong đó nói rằng mẹ anh đã nghĩ số tiền ấy là một món quà từ chồng cũ, và khẳng định sẽ trả lại số tiền này. Nhưng truyền thông đã kịp thêu dệt rất nhiều tin tức về Komuro và gia đình anh. Người ta khắc họa anh như một kẻ đào mỏ và thiếu tư cách.
"Dù ở Mỹ, người ta sẽ cho rằng chuyện của mẹ anh ta chẳng liên quan gì cả. Nhưng người Nhật xem đó là một vấn đề và chuyển thái độ về anh, từ một người tốt bụng, đáng tin trở thành một kẻ cơ hội, nhắm đến vinh hoa và tiền bạc," - Tonomura nhận xét.
Nhân duyên bất thường
Trường đại học không phải là một nơi thường thấy để một thành viên Hoàng gia Nhật Bản gặp được ý trung nhân của mình.
Kaori Hayashi, chuyên gia truyền thông từ ĐH Tokyo nhận định, người phối ngẫu thường được lựa chọn cẩn thận trong các mối quan hệ truyền thống và thân thuộc với hoàng gia. Hơn nữa tại Nhật Bản, còn đó định kiến rằng mẹ đơn thân khó lòng nuôi dạy được một người tử tế. Một số cho rằng làn sóng không tán thành quá trình lớn lên của Komuro cho thấy hiện thực bất bình đẳng giới tính ở Nhật Bản - nơi có khoảng cách giới tính lớn nhất trong các nước thuộc khối G7.
"Sự phân biệt vai trò giới tính không chỉ tồn tại trong hoàng tộc, mà ở nhiều khía cạnh khác," - Nancy Snow, giáo sư quan hệ công chúng tại ĐH Kyoto.
Theo Tonomura, rắc rối tài chính của mẹ Komuro đã làm "ô uế" hình ảnh của hoàng gia - vốn được xem là biểu tượng của sự thuần khuyết và thịnh vượng của Nhật Bản. Như Kei Kobuta - một YouTuber theo dõi hoàng tộc đã tổ chức cuộc tuần hành phản đối hơn 100 người tham gia cách đây 1 tuần. Kobuta cho rằng nhiều người giống như ông xem Công chúa Mako như một người em gái hoặc con gái "quốc dân" đang đưa ra lựa chọn sai lầm
"Có rất nhiều nghi ngại về Kei Komuro và mẹ của anh ta. Nhiều người sợ rằng hình ảnh của hoàng tộc sẽ bị vấy bẩn."
Áp lực từ hoàng tộc
Những lời đồn đoán và gièm pha nhiều năm qua đã khiến Công chúa Mako chịu nhiều áp lực. Đầu tháng 10, cung điện cho biết cô đang phải trải qua chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).
Công chúa "luôn thấy bi quan và khó cảm thấy hạnh phúc vì sợ rằng cuộc sống của mình sẽ bị hủy hoại," - Tsuyoshi Akiyama, bác sĩ tâm lý của Mako cho biết.
Công chúa Mako không phải là nữ nhân hoàng tộc duy nhất cảm thấy áp lực vì cuộc sống vương giả. Hoàng hậu Masako kết hôn với Thiên hoàng Naruhito vào năm 1993 đã phải từ bỏ sự nghiệp học vấn của mình cho cuộc sống hoàng tộc. Quá trình chuyển đổi ấy rất khó khăn với bà, đến mức phải mất rất lâu để chống lại căn bệnh mang tên " rối loạn điều chỉnh", theo lời các bác sĩ tâm lý.
Những phụ nữ trong hoàng tộc phải chịu những áp lực khác nhau
"Mỗi trường hợp nữ nhân hoàng gia phải chống chọi với bệnh tâm lý đều có những hoàn cảnh riêng biệt," - Ken Ruoff, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản Học tại ĐH Portland nhận định.
"Với Hoàng hậu Masako, áp lực quả bà xoay quanh việc không thể hạ sinh một nam nhân kế vị hoàng gia."
"Giờ đến Công chúa Mako, nó liên quan đến việc cuộc hôn nhân của cô phải chịu đựng sự theo sát của công chúng, ở mức độ lớn bất thường. Đặc biệt là khi cô sẽ nhanh chóng rời hoàng tộc sau đám cưới ấy."
Theo quy định của Nhật Bản, thành viên hoàng tộc phải từ bỏ tước vị và rời khỏi cung điện nếu kết hôn với người bình thường. Hiện tại chỉ có 18 thành viên Hoàng gia Nhật Bản, và Công chúa Mako không phải người đầu tiên rời đi. Người gần nhất là dì của cô - Sayako, con gái duy nhất của Thiên Hoàng Akihito - đã kết hôn với nhà quy hoạch đô thị Yoshiki Kuroda vào năm 2005.
Vì là phụ nữ, Công chúa Mako không nằm trong các nhánh kế vị. Trách nhiệm của cô trong hoàng tộc là hỗ trợ anh em nam giới mà thôi.
Sau khi rời hoàng tộc, Công chúa Mako sẽ được nhận khoản tiền 1 triệu đô. Tuy nhiên để xoa dịu công chúng, cô quyết định từ bỏ khoản tiền này. Sau đám cưới, cô sẽ tới New York, nơi Komuro đang làm việc cho một công ty luật.
"Đây là vụ 'đào tẩu' đầy bi kịch," - Ruoff nhận định. "Đó là lời cảnh báo cho hoàng tộc. Ý tôi là, cô ấy đã chán ngấy cuộc sống này rồi."
Cuộc sống thầm lặng
Cuộc đào thoát khỏi hoàng gia của Mako và Komuro được truyền thông quốc tế so sánh với một cặp đôi nổi tiếng khác - Meghan Markle và Hoàng tử Harry của Hoàng gia Anh.
Cuộc kết hôn của Meghan Markle với Hoàng tử Anh Harry vào tháng 11/2017 đã châm ngòi cho vô số tranh cãi ngay từ thời điểm ấy. Cũng giống như trường hợp của Komuro, nhiều người cho rằng một nữ diễn viên đa sắc tộc và đã từng ly hôn không có chỗ đứng trong Hoàng gia Anh.
Qua thời gian, truyền thông Anh cũng trở nên "toxic" hơn trong các bản tin về Harry và Meghan, đến mức Harry phải tung ra thông báo lên án "làn sóng quấy rối" mà Meghan phải chịu đựng. Sau cùng, cặp đôi quyết định rời khỏi Hoàng gia Anh vào tháng 1/2020.
Nhưng dẫu vậy, sự tương đồng giữa 2 cuộc hôn nhân cũng chỉ dừng lại ở đó - theo Ruoff. "Hoàng gia Anh có khối tài sản lớn, và họ dành thời gian kêu gọi tiền cho nhiều quỹ từ thiện khác nhau. Vậy nên khi Harry và Meghan đến Mỹ, bằng việc 'nói xấu' Hoàng gia Anh, họ có thể kiếm được hàng triệu đô."
"Tôi có thể dự đoán là sẽ không đời nào Mako và chồng tương lai của cô cư xử như vậy cả. Thực tế thì tôi nghĩ họ sẽ biến mất khỏi truyền thông."
Còn theo nhà báo Mikiko Taga, những ngày một người phải hoàn thành trách nhiệm gánh vác ngay từ khi sinh ra sắp đến hồi kết.
"Đó là lý do vì sao tôi nghĩ chuyện 2 người hoàng tộc từ phương Đông và phương Tây chọn sống theo ý mình là quan trọng. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới."
Nguồn: CNN