Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, số ca nhiễm bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 19-10, số ca mắc mới chỉ ở mức dưới 500 ca/ngày, chưa bằng 1/50 thời điểm virus lây lan mạnh nhất.
Chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc và các biện pháp nghiêm ngặt khác vào ngày 30-9. Dù vậy, nguyên nhân chính xác của sự sụt giảm nhanh chóng vẫn chưa được xác định và các chuyên gia đang phân tích.
Trong cuộc họp báo ngày 28-9, ông Omi Shigeru, trưởng ban cố vấn của chính phủ về đại dịch, đã giải thích 1 số lý do dẫn đến quyết định chấm dứt các biện pháp khẩn cấp của chính phủ. Các lý do này bao gồm những ngày lễ dài ngày đã chấm dứt, người dân thay đổi hành vi và tuân thủ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn và chương trình tiêm chủng toàn quốc có tiến triển. Ngoài ra, tình hình thời tiết cũng đã thay đổi.
Nhật Bản bối rối vì số ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh không rõ nguyên nhân. Ảnh: AP
Theo lời ông Omi, mọi người có xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn trong thời tiết ôn hòa. Điều này làm giảm sự tiếp xúc gần gũi trong không gian hẹp, nơi virus dễ lây lan hơn. Dù vậy, điều này chưa thể xác minh một cách khoa học nên ông Omi sẽ tiếp tục xem xét các yếu tố góp phần vào sự suy giảm nhanh chóng số ca nhiễm.
Giáo sư Wada Koji của trường ĐH Y tế và Phúc lợi Quốc tế là 1 thành viên của ban cố vấn của bộ y tế Nhật Bản về Covid-19. Ông cũng cho rằng số ca nhiễm giảm nhanh 1 phần là do chương trình tiêm chủng và yếu tố thời tiết.
Theo lời giáo sư, rất khó để xác định chính xác điều gì đã giúp số ca nhiễm giảm nhanh. Ông Wada cảnh báo các ca mắc mới có thể tăng trở lại khi nhiệt độ xuống thấp và những người mắc đầu tiên có thể là thanh thiếu niên gần 20 tuổi. Nguyên nhân là do chỉ một số ít những người trong độ tuổi này đã được miễn dịch nhờ mắc bệnh hay tiêm vắc-xin.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiêm vắc-xin Covid-19 vào ngày 16-3. Ảnh: Reuters
Sau đó, virus có thể lây nhiễm cho những người trung niên và người lớn tuổi chưa được tiêm vắc-xin. Ông Wada cũng chỉ ra rằng nồng độ kháng thể ở những người cao tuổi được tiêm chủng sẽ giảm qua thời gian.
Về tình hình y tế, giáo sư Wada cho biết tỉ lệ tiêm chủng cao hơn có thể giúp các bệnh viện không bị quá tải. Ông hy vọng những người chưa tiêm sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng 10.
Một thành viên khác của ban cố vấn, giáo sư Yamamoto Taro của Viện Y học Nhiệt đới ĐH Nagasaki, tin rằng Nhật Bản đang bước vào 1 giai đoạn mới, trong đó mức độ nghiêm trọng của tình hình không được xác định bằng số ca nhiễm mà bằng số bệnh nhân bệnh nặng và số ca tử vong. Ông cũng cảnh báo virus có thể đột biến và lây lan nhanh hơn.
Đài NHK dẫn lời ông Yamamoto cho biết các phương pháp điều trị và hệ thống chăm sóc sức khỏe phải được thiết lập thành một mạng lưới an toàn để ngăn ngừa các ca tử vong và tăng cường dịch vụ cho những ca bệnh nặng.
Giáo sư Nishiura Hiroshi của Trường ĐH Kyoto cũng đang tìm hiểu những gì đã khiến số ca nhiễm giảm nhanh. Ông tỏ ra chắc chắn về 1 điều rằng tốc độ lây lan của virus có xu hướng tăng lên sau các kỳ nghỉ lễ và cuối tuần khi mọi người đi du lịch, gặp gỡ người khác và ăn tối bên ngoài nhiều hơn.
Theo lời ông Nishiura, sự gia tăng không được kiểm soát trong tiếp xúc giữa người với người chắc chắn sẽ dẫn đến một làn sóng lây nhiễm khác bất chấp chương trình tiêm chủng. Vì vậy, ông kêu gọi chuẩn bị cho 1 đợt bùng phát dịch vào mùa đông.