Toàn cảnh khí hậu thế giới 2019: Con số nhức nhối, thức tỉnh những người ngủ mê

Trang Ly |

"Climate emergency" được cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford chọn là "Từ của năm 2019". Đây là lý do!

1. Thế giới thức tỉnh trong tình trạng khẩn cấp khí hậu

Nhận định của WMO, Oxford Dictionary, Met Office

Tổ chức Khí tượng Thế giới

Trong báo cáo tổng kết năm 2019 vào đầu tháng 12, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) viết: Năm 2019 kết thúc một thập kỷ chứng kiến sự nóng lên toàn cầu đặc biệt, băng tan và mực nước biển tăng kỷ lục do khí nhà kính phát thải ồ ạt từ hoạt động của con người.

Nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 5 năm (2015-2019) và 10 năm (2010-2019) đều xác lập những mức nhiệt cao nhất trong lịch sử.

Năm 2019 xác lập hàng loạt kỷ lục rất đáng lo ngại: Là năm nóng thứ hai trong lịch sử; Đồng thời xác nhận mức nhiệt trung bình của Trái Đất năm 2019 là 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; Nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đạt mức kỷ lục là 407,8 ppm trong năm 2018 và tiếp tục tăng vào năm 2019; Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục đồng thời đang bị axit hóa nặng nề (cao hơn 26% so với thời điểm bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp).

"Nếu chúng ta không thực hiện hành động khẩn cấp về khí hậu ngay bây giờ, thì chúng ta đang hướng tới sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ, với những tác động có hại hơn đối với sức khỏe con người và sinh vật sống." Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói.

Oxford English Dictionary

Tháng 11/2019, Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) đã chọn cụm từ "Climate emergency" là Từ của năm 2019.

Oxford định nghĩa: Tình trạng khẩn cấp khí hậu là một tình huống trong đó cần phải có hành động khẩn cấp để giảm hoặc ngăn chặn biến đổi khí hậu và tránh các thiệt hại tiềm ẩn từ môi trường.

Met Office

Giáo sư Richard Betts, nhà khoa học khí hậu thuộc Trung tâm Khí tượng Anh (Met Office) cho biết: Năm 2019 là năm thế giới thức tỉnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông lý giải:

Đối với những người ít quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu; hoặc có thể họ không thể nhìn ra được các vấn đề liên quan đến sự nóng lên toàn cầu một cách sâu sắc như giới khoa học, nay cũng đã biết nhìn nhận nghiêm túc hơn đến vấn đề này. Bởi sao? Nắng nóng, sóng nhiệt và bão lũ kinh hoàng đã khiến họ phải đặt câu hỏi về một thế giới mà tại sao thiên tai ngày càng dữ dội hơn, liên tục hơn.

Họ đã không còn bình thản trước những lời kêu gọi, cảnh báo của giới khoa học nữa khi mà chính bản thân họ và gia đình, quốc gia đang phải trải qua những trận hoành hành của tự nhiên.

Đồng ý là trong quá khứ, thiên tai đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, gây tổn thất về kinh thế không hề nhỏ. NHƯNG, thiên tai trong một thế giới đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết thì cơn thịnh nộ của tự nhiên đang diễn biến khó lường, thường xuyên hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử.

Đó là mấu chốt của vấn đề!

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra đối với nhân loại và Trái Đất khi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, giải phóng khí CO2 ồ ạt ra bầu khí quyển. Nhưng thông điệp này chỉ thức tỉnh được người dân trên thế giới khi năm 2019 vừa kết thúc đã lập kỷ lục là năm thứ hai nóng nhất trong lịch sử, WMO thông tin.

Thỏa thuận Paris 2015 cho thấy các quốc gia cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C so với mức trước công nghiệp như một cách để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, giới khoa học đưa ra giới hạn an toàn đó là: Nhiệt độ Trái Đất phải dưới hoặc bằng 1,5 độ C.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã kết luận rằng lượng khí thải CO2 toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 - và đạt 0% vào năm 2050 thì nhân loại may ra mới cứu được Trái Đất và vạn vật sống của nó trước khi thảm họa thực sự xảy ra.

Thực tế báo động

Khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC...) vẫn tiếp tục phát thải ồ ạt ra bầu khí quyển năm 2019 sau khi đạt kỷ lục năm 2018. Các hiện tượng thời tiết cực đoan sinh ra trong một hành tinh nóng dần lên dường như đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới:

Bão Idai ở Mozambique; siêu bão Hagibis ở Nhật Bản; một đợt nắng nóng kinh hoàng, phá kỷ lục trên khắp châu Âu; cháy rừng ở California (Mỹ) và miền đông Australia; lũ lụt ở Venice... danh sách này đến nay vẫn không ngừng tăng lên.

Mối đe dọa do biến đổi khí hậu trở nên rõ rệt vào năm 2019 đến nỗi Indonesia, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, đã quyết định chuyển thủ đô của mình đến một nơi không có nguy cơ bị chìm bởi nước biển (từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo).

Toàn cảnh khí hậu thế giới 2019: Con số nhức nhối, thức tỉnh những người ngủ mê - Ảnh 2.

Ảnh chụp một cậu bé ở châu Phi. Photo: Ben White / Unsplash

Biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan là một trong những nguyên nhân chính của sự gia tăng nạn đói toàn cầu gần đây và là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sau một thập kỷ suy giảm ổn định, nạn đói lại gia tăng trở lại - hơn 820 triệu người lâm vào tình trạng nghèo đói năm 2018. Trong số 33 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực năm 2018, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gây ra một cú sốc kinh tế và xung đột ở 26 các quốc gia.

Hơn 10 triệu trường hợp di dời trong nước từ tháng 1-6/2019; 7 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sự kiện nguy hiểm như bão Idai ở Đông Nam Phi, bão Fani ở Nam Á, bão Dorian ở Caribe; lũ lụt ở Iran, Philippines và Ethiopia... Tất cả đang gây ra những cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng.

"Chúng ta đang chứng kiến ​​sự thay đổi khí hậu bằng chính đôi mắt của mình. Thực tế đang buộc chúng ta phải hành động", Corinne Le Quéré, Chủ tịch Cao ủy về biến đổi khí hậu của Pháp; kiêm thành viên của Ủy ban về biến đổi khí hậu của Anh cho biết.

2. Toàn cảnh bức tranh tối màu về khí hậu Trái Đất năm 2019

Từ: Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu của WMO

Ngày 3/12/2019, Tuyên bố tạm thời của WMO về Tình trạng Khí hậu toàn cầu đã được đăng tải. Dữ liệu hoàn chỉnh của Tuyên bố cuối cùng về Tình trạng Khí hậu toàn cầu sẽ được công bố vào tháng 3/2020.

Sau đây là nội dung chính mà WMO cung cấp:

01. Gam màu tối của Trái Đất

Năm 2019 kết thúc một thập kỷ nóng nhất trong lịch sử

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2019 là 1,1 ± 0,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Trung bình 5 năm (2015-2019) và 10 năm (2010-2019) tương ứng là khoảng thời gian 5 năm và thập kỷ nóng nhất được ghi nhận.

Năm 2019 là năm nóng thứ hai từng được được ghi nhận. Năm 2016, bắt đầu với một El Niño đặc biệt mạnh mẽ, vẫn là năm nóng nhất lịch sử.

Các khu vực rộng lớn ở Bắc Cực nóng lên khác thường vào năm 2019. Hầu hết các khu vực đất liền nóng hơn so với mức trung bình gần đây, bao gồm Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và Châu Đại Dương. Tiểu bang Alaska của Mỹ cũng đặc biệt nóng.

Nồng độ khí nhà kính tăng kỷ lục

Năm 2018, nồng độ khí nhà kính đạt mức cao mới, với phân số mol trung bình toàn cầu của carbon dioxide (CO2) ở mức 407,8 ± 0,1 phần triệu (ppm), metan (CH4) ở mức 1869 ± 2 phần tỷ (ppb) và oxit nitơ ( N2O) ở mức 331,1 ± 0,1 ppb. Các giá trị này tạo thành, tương ứng, 147%, 259% và 123% so với mức tiền công nghiệp năm 1750.

Toàn cảnh khí hậu thế giới 2019: Con số nhức nhối, thức tỉnh những người ngủ mê - Ảnh 4.

Photo: Kallanishenergy

Số liệu trung bình toàn cầu cho năm 2019 sẽ không có sẵn cho đến cuối năm 2020, nhưng dữ liệu thời gian thực từ một số địa điểm cụ thể cho thấy mức CO2 tiếp tục tăng trong năm 2019.

Mực nước biển toàn cầu tăng mạnh mẽ

Mực nước biển đã tăng lên mạnh mẽ, phá vỡ kỷ lục quan sát của vệ tinh thời tiết. Sự tăng tốc đáng lo ngại này một phần do sự tan chảy của các tảng băng rGreenland và Nam Cực. Vào tháng 10 năm 2019, mực nước biển trung bình toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 1993.

Nhiệt đại dương

Hơn 90% năng lượng dư thừa tích lũy trong hệ thống khí hậu là kết quả của việc tăng nồng độ khí nhà kính đi vào đại dương. Năm 2019, hàm lượng nhiệt đại dương ở độ sâu trên 700 mét (trong một chuỗi bắt đầu từ những năm 1950) và độ sâu trên 2000 mét (trong một chuỗi bắt đầu từ năm 2005) tiếp tục ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục, với mức trung bình của năm vượt xa so với mức cao kỷ lục được thiết lập năm 2018.

Năm 2019, đại dương đã trải qua trung bình khoảng 1,5 tháng nhiệt độ ấm áp khác thường. Phần lớn đại dương có sóng nhiệt biển được phân loại là "Mạnh" (38%) so với "Trung bình" (28%). Riêng tại phía đông bắc Thái Bình Dương, mức nhiệt tại các vùng biển đã đạt đến mức "Dữ dội".

Axit hóa đại dương không ngừng tăng

Trong thập kỷ 2009-2018, đại dương đã hấp thụ khoảng 22% lượng khí thải CO2 hàng năm, giúp làm giảm sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tăng nồng độ CO2 trong khí quyển ảnh hưởng đến độ hóa học của đại dương.

Các quan sát đại dương đã cho thấy sự giảm pH trung bình trên bề mặt đại dương toàn cầu ở mức 0,017 đến 0,027 đơn vị pH trên mỗi thập kỷ kể từ cuối những năm 1980, tương đương với sự gia tăng nồng độ axit lên 26% kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, theo Báo cáo đặc biệt của IPCC về Đại dương và Băng quyển.

Sự sụt giảm báo động của băng biển

Sự sụt giảm dài hạn liên tục của băng biển Bắc Cực đã được xác nhận vào năm 2019. Mức trung bình hàng tháng trong tháng 9 (thường là thấp nhất trong năm) là mức thấp thứ ba trong lịch sử đo đạc. Băng biển ở Nam Cực và dải băng Greenland cũng đang mất rất nhiều tấn trong năm qua.

02. Gam màu tối của thời tiết cực đoan

Bão nhiệt đới

Hoạt động bão nhiệt đới trên toàn cầu năm 2019 cao hơn so với trung bình năm. Bắc bán cầu, cho đến nay, đã có 66 cơn bão nhiệt đới, so với mức trung bình tại thời điểm này là 56. Mùa bão tại Nam bán cầu cũng ở trên mức trung bình, với 27 cơn bão.

Bão nhiệt đới Idai đổ bộ Mozambique ngày 15/3 được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được biết đến ở bờ biển phía đông châu Phi, dẫn đến nhiều thương vong và tàn phá diện rộng. Idai đã góp phần phá hủy hoàn toàn gần 780.000 ha cây trồng ở Malawi, Mozambique và Zimbabwe, làm xói mòn thêm tình hình an ninh lương thực bấp bênh trong khu vực. Lốc xoáy cũng khiến ít nhất 77.019 ở Mozambique buộc phải di dời.

Toàn cảnh khí hậu thế giới 2019: Con số nhức nhối, thức tỉnh những người ngủ mê - Ảnh 5.

Siêu bão Dorian gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Quần đảo Bahamas. Photo: AP

Một trong những cơn bão nhiệt đới dữ dội nhất trong năm là siêu bão Dorian, đã đổ bộ Quần đảo Bahamas với sức mạnh của một siêu bão cấp 5 - cấp mạnh nhất. Sự tàn phá đã trở nên tồi tệ hơn khi nó di chuyển rất chậm và duy trì sức mạnh và sự tàn phá tại Bahamas trong 24 giờ.

Còn cơn bão Hagibis đã đổ bộ vào phía tây Tokyo vào ngày 12/10 cũng gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Lũ lụt

Trung Mỹ, Bắc Canada, Bắc Nga và Tây Nam Á đã phải hứng chịu lượng mưa lớn bất thường. Lượng mưa 12 tháng trung bình tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019 (đạt 962 mm) đạt mức cao nhất trong lịch sử nước này.

Lũ lụt lớn ở miền bắc Argentina, Uruguay và miền nam Brazil đã khiến các quốc gia Nam Mỹ này thiệt hại kinh tế lên đến 2,5 tỷ USD.

Hạn hán

Năm 2019, hạn hán đã ảnh hưởng đến nhiều vùng của Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương. Vùng nội địa phía đông Australia vốn chịu hạn hán từ năm 2017 và 2018 đã tiếp tục mở rộng và tăng cường vào năm 2019. Tính trung bình trên toàn Australia, từ tháng 1 đến tháng 10/2019 là khô nhất lịch sử kể từ năm 1902.

Vùng Trung Mỹ cũng không ngoại lệ. Honduras, Guatemala, Nicaragua và El Salvador cũng trải qua những đợt hạn hán, khiến mùa màng thất thu. Miền trung Chile cũng có một năm 2019 đặc biệt khô hạn, với lượng mưa trong năm đến 20/11 tại Santiago chỉ là 82 mm, thấp hơn 25% so với trung bình dài hạn.

Sóng nhiệt

Chưa bao giờ châu Âu phải hứng chịu hai đợt nắng nóng kỷ lục vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7/2019. Tại Pháp, kỷ lục nhiệt độ tại nước này là 46,0 ° C đã được thiết lập vào ngày 28/6. Các kỷ lục quốc gia cũng được thiết lập ở Đức (42,6 ° C), Hà Lan (40,7 ° C), Bỉ (41,8 ° C), Luxembourg (40,8 ° C) và Vương quốc Anh (38,7 ° C). Sức nóng của sóng nhiệt cũng lan rộng vào các quốc gia Bắc Âu, nơi Helsinki (thủ đô của Phần Lan) có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử (33,2 ° C vào ngày 28/7).

Australia đã có một mùa hè nóng đặc biệt. Ngày 24/1/2019, nhiệt độ nóng kỷ lục tại thành phố Adelaide lên đến 46,6 ° C.

Cháy rừng

Toàn cảnh khí hậu thế giới 2019: Con số nhức nhối, thức tỉnh những người ngủ mê - Ảnh 6.

Photo: Vanguard Newspapers

2019 là một năm hỏa hoạn diễn biến vô cùng phức tạp, ác liệt. Những vụ cháy rừng không chỉ diễn ra ở các vùng vĩ độ cao [bao gồm Siberia (Liên bang Nga) và Alaska (Mỹ) và một số vùng của Bắc Cực - nơi trước đây rất hiếm xảy ra cháy rừng], giặc lửa còn diễn ra ở Indonesia, rừng Amazon tại Brazil.

Trên toàn thế giới, các vụ cháy rừng tại Nam Mỹ diễn biến ác liệt hơn cả kể từ năm 2010.

trên trung bình ở một số vùng vĩ độ cao, bao gồm Siberia (Liên bang Nga) và Alaska (Mỹ), với hoạt động cháy xảy ra ở một số vùng của Bắc Cực, nơi trước đây cực kỳ hiếm. Bolivia và Venezuela là 2 trong số những quốc gia hứng chịu thảm họa đáng sợ này.

03. Gam màu tối của rủi ro tác động lên con người

Nguy cơ sức khỏe gia tăng (Báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới - WHO)

Năm 2019, nhiệt độ cao kỷ lục tại Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu đã ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người. Tại Nhật Bản, đợt sóng nhiệt lớn đã ảnh hưởng đến nước này vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2019 khiến hơn 100 trường hợp tử vong và 18.000 ca nhập viện.

Châu Âu đã trải qua hai đợt nắng nóng đáng kể vào mùa hè năm 2019. Vào tháng 6, một đợt nắng nóng ảnh hưởng đến Tây Nam đến Trung Âu đã dẫn đến một số ca tử vong ở Tây Ban Nha và Pháp. Đợt nắng nóng đáng kể nhất là vào cuối tháng 7, ảnh hưởng đến phần lớn trung và tây Âu.

An ninh lương thực tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực (Báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp - FAO)

Hạn hán kéo dài ở miền nam châu Phi khiến sản lượng ngũ cốc trong khu vực được dự báo sẽ thấp hơn khoảng 8% so với mức trung bình 5 năm, khiến 12,5 triệu người trong khu vực dự kiến ​​sẽ gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đến tháng 3 năm 2020, tăng hơn 10% so với năm trước.

Trận lụt tồi tệ nhất trong một thập kỷ ảnh hưởng đến một số khu vực của Afghanistan vào tháng 3/2019 đã khiến 13,5 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Thảm họa tự nhiên làm tăng tỷ lệ lánh nạn (Báo cáo từ Cao ủy LHQ về người tị nạn và Tổ chức di cư quốc tế)

Hàng loạt các thảm họa tự nhiên như bão Idai ở Đông Nam Phi, bão Fani ở Nam Á, bão Dorian ở Caribe và lũ lụt ở Iran, Philippines và Ethiopia... đã gây ra những cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng, khiến hàng triệu người buộc phải rời quê hương đi lánh nạn.

Khu vực châu Á và Thái Bình Dương là những khu vực dễ lâm vào tình trạng dân cư di dời để lánh nạn nhất do các khu vực này thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai hàng năm.

Bài viết sử dụng nguồn: WMO, Sciencealert

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại