Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại?

Trang Ly |

Lịch sử từng chứng kiến ngày 'Thứ Bảy đen tối' khiến nhân loại chìm trong nỗi ám ảnh mang tên: Chiến tranh hạt nhân.

Trong 4 thập kỷ có lẻ diễn ra Chiến tranh Lạnh (1946-1991) giữa Mỹ và Liên Xô, rất nhiều vụ tai nạn hạt nhân và các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân xảy ra được chính phủ hai bên bưng bít, giấu kín trước công chúng.

Tuy nhiên, một điều đáng kinh ngạc là không có sự kiện nào trong số này kết thúc bằng việc kích nổ loại vũ khí hủy diệt đáng sợ này.

Lịch sử thế kỷ 20 chứng kiến thế giới có những lần gần chạm đến ngưỡng cửa chiến tranh hạt nhân. Làm sao thế giới thoát được cuộc chiến tàn khốc này? Và ai đã cứu chúng ta? MegallanTV và National Geographic sẽ giải đáp vấn đề này.

Bộ phim tài liệu hai phần "Broken Arrow: The Lost Bombs of Cold War" đề cập đến một số vụ tai nạn trong thập kỷ 1950, 1960 ở Mỹ khi máy bay ném bom gặp nạn, và gặp sự cố trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân đã khiến học giả đưa ra công thức:

CW + NW = NA (+ M3)

Ẩn ý trong công thức này là Chiến tranh Lạnh + Vũ khí hạt nhân = Tai nạn hạt nhân (+ Truyền thông sai lầm, Tính toán sai lầm, Quyết định sai lầm).

May mắn thay, bom hạt nhân đã không nổ, hàng trăm nghìn người đã không vĩnh viễn biến mất khỏi Trái Đất, rồi tàn dư của nó còn để lại hậu quả nặng nề hơn về sau.

Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại? - Ảnh 1.

Lịch sử thế kỷ 20 chứng kiến thế giới có những lần gần chạm đến ngưỡng cửa chiến tranh hạt nhân. Ảnh minh họa: Pixabay/Geralt.

Tuy nhiên, những sự cố tương tự Broken Arrow diễn ra nhiều hơn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh so với những gì công chúng được biết kể từ sau khi Mỹ mở ra kỷ nguyên nguyên tử bằng việc cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử năm 1945 tại Alamogordo, New Mexico.

Broken Arrow (Mũi tên gãy) là một thuật ngữ quân sự Mỹ sử dụng cho các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân, không liên quan đến khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Bao gồm, vũ khí hạt nhân thất lạc hoặc vô tình phát nổ. Các thảm họa gây sốc tại Chernobyl, Ukraine và Fukushima (Nhật Bản)... nơi các lò phản ứng hạt nhân tan chảy, giải phóng lượng phóng xạ khổng lồ, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm nghìn cư dân phải di dời là ví dụ của Broken Arrow.

Những nỗi ám ảnh hạt nhân khác diễn ra cả trong và sau Chiến tranh Lạnh đều thuộc về những tính toán sai lầm, truyền thông sai lầm, hiểu lầm. Nguy cơ hạt nhân đến từ tính toán sai lầm thể hiện rõ ràng trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba (CMC).

Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại? - Ảnh 2.

Mùa Thu năm 1962, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev nhận định việc đặt một loại tên lửa có đầu đạn hạt nhân ở Cuba là một kế sách đúng đắn. 

Vào tháng 9 cùng năm, chính phủ Cuba và Liên Xô bí mật xây dựng căn cứ để triển khai tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân tầm trung trên đất Cuba, có khả năng đánh trúng một số mục tiêu trên đất Mỹ.

Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại? - Ảnh 3.

Tổng thống John F. Kennedy phát biểu trên truyền hình về việc phong tỏa chiến lược của Cuba và đưa ra cảnh báo với Liên Xô về các lệnh trừng phạt tên lửa, trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba ngày 24/10/1962 tại Washington, DC. Photo: GETTY IMAGES

Hay tin tình báo, Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy dĩ nhiên không thể để yên. Chính phủ Mỹ gửi thông điệp tức tốc yêu cầu Liên Xô và Cuba phải tháo dỡ các căn cứ triển khai tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân cùng các vũ khí tấn công khác, có khả năng gây nguy hiểm cho nước Mỹ.

Song song với các kênh ngoại giao của hai địch thủ Chiến tranh Lạnh, Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược của Mỹ nhanh chóng đặt vào tình trạng báo động Defcon 2 - mức cảnh báo cao thứ hai cho chiến tranh hạt nhân.

DEFCON

Quân đội Mỹ sử dụng các cấp Defcon (Tình trạng sẵn sàng phòng thủ), gồm các cấp độ:

  • Defcon 1: Chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra - Mức độ sẵn sàng: Tối đa (cao nhất)

  • Defcon 2: Tiến gần tới chiến tranh hạt nhân - Mức độ sẵn sàng: Các lực lượng vũ trang sẵn sàng triển khai và tham chiến trong vòng 6 giờ.

  • Defcon 3: Các lực lượng vũ trang sẵn sàng hơn mức thông thường

  • Defcon 4: Tăng cường giám sát tình báo và các biện pháp an ninh

  • Defcon 5: Tình trạng sẵn sàng thấp nhất

Trong 13 ngày căng thẳng nhất của sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ và Liên Xô đã trên bờ vực của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3 - Chiến tranh hạt nhân.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng rơi vào vào ngày 27/10/1962. Đây là ngày mà sử gia thời ấy gọi là 'Thứ Bảy đen tối'.

Khi đó, Tổng thống Mỹ Kennedy, từ chối một cách khôn ngoan các khuyến nghị từ các cố vấn quân sự của mình, đã ra lệnh phong tỏa Cuba thay vì tấn công quân sự toàn diện vào nước này.

Thứ Bảy ngày 27/10 định mệnh đó, trong khuôn khổ của nhiệm vụ phong tỏa, một nhóm tàu ​​khu trục của Hải quân Mỹ đã quấy rối một tàu ngầm lớp Foxtrot của Liên Xô, B-59, khi đó đang hoạt động ngoài khơi Cuba.

Các tàu Mỹ, vì không biết B-59 của Liên Xô chứa một át chủ bài: Một ngư lôi hạt nhân được trang bị đầu đạn 10 kiloton, đã chủ quan sử dụng bom ngầm để tấn công tàu ngầm Liên Xô, mục đích buộc B-59 phải trồi lên mặt nước đầu hàng.

Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại? - Ảnh 5.

Ai đủ sức 'điên rồ' trở thành một trong những chỉ huy cao cấp của một tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân 10 kiloton? Không ai khác chính là sĩ quan Hải quân Liên Xô Vasili Alexandrovich Arkhipov - Nhân vật đi vào lịch sử khi trở thành người hùng cứu thế giới khỏi cuộc thảm sát hạt nhân thập kỷ 60 của thế kỷ 20.

Thomas Blanton, cựu giám đốc Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, nói một cách ngắn gọn: "Vasili Alexandrovich Arkhipov đã cứu cả nhân loại."

Vasili Alexandrovich Arkhipov khi đó 36 tuổi. Trầm tính. Và có cái nhìn cùng gương mặt cương nghị.

Khi cuộc gây hấn của tàu Mỹ diễn ra với tàu ngầm B-59, bộ ba quan chức cấp cao trên tàu ngầm hạt nhân tấn công B-59 gồm: Thuyền trưởng B-59, Đại tá Valentin Grigorievitch Savitsky, thuyền phó Vasili Alexandrovich Arkhipov, và sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov.

Công bằng mà nói, tàu ngầm B-59 đang ở dưới nước sâu, và Đại tá Savitzky cùng Maslennikov không thể liên lạc ngay lập tức với cấp trên của chính phủ Liên Xô. Những gì mà họ biết được là Thế chiến III có thể đã bắt đầu.

Phút sai lầm của Mỹ đẩy thế giới bên bờ vực thẳm hạt nhân hủy diệt: Ai đã cứu nhân loại? - Ảnh 6.

Vasili Alexandrovich Arkhipov sinh ngày 30/1/1926 - mất ngày 19/8/1998. Ảnh gốc: COURTESY OF M. YAROVSKAYA AND A. LABUNSKAYA

Trong những tình huống đó, giao thức của Hải quân Liên Xô cho phép bộ ba thuyền trưởng, phó thuyền trường và sĩ quan chính trị của tàu được đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.

Nhưng trong trường hợp này, tình huống lệnh phức tạp hơn một chút vì trong khi cả Đại tá Savitzky và sĩ quan chính trị Maslennikov đồng ý khai hỏa tấn công thì thuyền phó Vasili Alexandrovich Arkhipov lại phủ quyết.

Nếu B-59 bắn ngư lôi, áp lực này sẽ buộc Tổng thống Kennedy phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân tương tự. Khi đó, sự leo thang 'ăn miếng trả miếng' gần như không thể dừng lại giữa Mỹ và Liên Xô. Chiến tranh hạt nhân giữa 2 cường quốc Chiến tranh Lạnh đang ở rất gần.

Cuối cùng, bằng sự quyết đoán của mình, thuyền phó Vasili Alexandrovich Arkhipov giữ vững quan điểm KHÔNG TẤN CÔNG LẠI tàu Mỹ. Kết quả, B-59 đã không khai hỏa do bất đồng giữa 3 chỉ huy cao cấp của tàu, giúp thế giới tránh được cuộc thảm sát hạt nhân đáng sợ.

35 năm sau sự kiện này, vào năm 2002, Nga mới tiết lộ thông tin: Trên tàu ngầm B-59 trang bị vũ khí hạt nhân.

Trên chiếc tàu ngầm B-59 khi đó của Liên Xô, rất ít người biết làm thế nào mà Vasili Alexandrovich Arkhipov có thể hội đủ bao nhiêu bản lĩnh để giữ được bình tĩnh trong tình huống 'nước sôi lửa bỏng đó', và làm thế nào anh ấy có thể thuyết phục được thuyền trưởng cũng như sĩ quan chính trị cấp cao ấy 'án binh bất động'? Tất cả những gì người ta biết về sau, đó là Vasili Alexandrovich Arkhipov là một người hùng Liên Xô, một người hùng thế giới cứu cả nhân loại khỏi chiến tranh hạt nhân hiển nhiên.

Năm 2017, người hùng Vasili Alexandrovich Arkhipov được vinh dự truy tặng giao thưởng "Future of Life Award" của Viện Future of Life Institute (FLI), Mỹ. Lên nhận giải thưởng thay cho cha của mình, con gái của ông là Elena nói: "Ông ấy đã góp phần tạo dựng tương lai để mọi người có thể sống tốt đẹp hơn trên hành tinh này."

Trong lịch sử, mới chỉ có 3 người được vinh dự nhận giải thưởng "Future of Life Award" trị giá 50.000 USD này, bên cạnh Vasili Alexandrovich Arkhipov, còn có sĩ quan Phòng không Liên Xô Stanislav Petrov (tháng 9/1983 đã có công cứu thoát cả thế giới khỏi nguy cơ Thế chiến III) và Tiến sĩ Mỹ Matthew Meselson (người đi đầu trong việc ban lệnh quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời là một trong những người tiên phong lập nên Công ước vũ khí sinh học năm 1972).

Vũ khí hạt nhân vốn đã nguy hiểm. Xử lý chúng, sử dụng chúng hay không sử dụng chúng, đòi hỏi phải thận trọng, cẩn thận. Với 'cái đầu lạnh' như Vasili Alexandrovich Arkhipov, nhân loại nhờ thế tránh được thảm họa hạt nhân mười mươi.

Bài viết sử dụng nguồn: MagellanTV, National Geographic

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây/Đọc các bài hồ sơ Mỹ-Xô tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại