Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công từ tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành trong khoảng năm 2011. Dự án nằm ở phía nam Thủ Đô, trên diện tích 4 ha, gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3 và đường Giải Phóng.
Quy mô ban đầu của dự án gồm 6 hạng mục tòa nhà cao trung bình 17 tầng (A1, A2, A3, A4, A5, A6), tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, được kỳ vọng cung cấp hơn 1.400 phòng cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học. Dự án hiện được UBND TP Hà Nội giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai.
Tuy dự kiến đi vào hoạt động năm 2011, đến nay chỉ có một nửa dự án đã hoàn thành vào tháng 1/2015 là A1, A5 và A6; nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng; nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và dừng triển khai phần xây thô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2009 đến 2013, Chính phủ bố trí cho dự án 1.113,2 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và thực tế đã giải ngân 1.133,094 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương, bao gồm chi phí trang thiết bị nội thất và dự phòng, đến nay đã thực hiện khoảng 44,3 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa tại các hạng mục nhà A1, A5, A6.
Các tòa nhà A1, A5, A6 đã hoàn thành có sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, ở được tối đa 8 người với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước). Các thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, lắp đầu chờ điều hòa… được trang bị đầy đủ.
Nhà A1 từng được sử dụng để làm khu cách ly trong khoảng thời gian dịch Covid-19. Sau khi hết dịch, tòa nhà trở về trạng thái vắng vẻ. Lần gần nhất tòa nhà này đón sinh viên tới thuê là khóa học 2019-2020. Hiện trong số các tòa nhà chỉ có tòa A6 đang có sinh viên thuê ở, nhưng chưa lấp đầy.
3 khối nhà A2, A3, A4 bị bỏ hoang, xuống cấp do không được đưa vào sử dụng. Cây cối và cỏ dại mọc um tùm và phủ nhiều hạng mục của dự án.
Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề chỗ ở cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên dự án lại có vị trí khá xa hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Phương tiện giao thông công cộng kết nối đến khu vực và cả tiện ích xung quanh cũng là một trở ngại lớn đối với sinh viên thuê phòng tại đây.
Trước sự lãng phí lớn, UBND TP Hà Nội sẽ dành gần 224 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục còn lại thành nhà ở xã hội cho thuê. Dự kiến việc hoàn thiện dự án và chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội này sẽ hoàn tất trong năm 2025.
Việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội cũng được nhiều chuyên gia quan tâm. Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS TP Hà Nội, khi chuyển đổi cần có những hạ tầng xã hội đi kèm phù hợp với nhu cầu của cư dân đô thị. Cùng với đó cần có cả một hệ thống chuyển đổi từ kiến trúc, cấu trúc, đến tài chính và bộ máy quản trị. Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành những căn hộ khép kín, tiện nghi phải có sự tính toán kỹ trước khi triển khai thực hiện.