Đó là điều kì lạ xảy ra ở Đan Mạch - đất nước thường xuyên được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới. Và giờ học "ăn bánh" đó chính là giờ dạy trẻ về sự đồng cảm.
Tại sao dạy về sự đồng cảm lại quan trọng như vậy?
Trong hệ thống giáo dục Đan Mạch, lòng thấu cảm được đánh giá quan trọng chẳng kém gì học toán và văn. Nó xuất hiện trong giáo trình dành cho trẻ từ 6 - 16 tuổi.
Sự đồng cảm phát triển ở cấp độ cao của người Đan Mạch là một trong những lý do đất nước này liên tiếp góp mặt trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (năm nay, lại một lần nữa, Đan Mạch xếp vị trí số 1).
Lòng thấu cảm đóng vai trò chủ chốt trong việc cải thiện những kết nối xã hội - vốn là nhân tố chính khi đánh giá hạnh phúc tổng thể của người dân.
Trẻ em Đan Mạch được dạy trẻ về sự đồng cảm ngay từ nhỏ (Ảnh minh họa).
Điều mà nhiều người không nhận ra là, lòng thấu cảm chính là một kỹ năng có thể học hỏi được nhưng không ít người đã bỏ lỡ.
Trên thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ở Mỹ, mức độ thấu cảm giảm tới 40% trong vòng 30 năm qua. Trong khi đó, chủ nghĩa ái kỷ (tự yêu mình, quá chăm sóc tới bản thân) ngày một gia tăng.
Dạy trẻ biết chia sẻ, đồng cảm được chứng minh không chỉ giúp trẻ thành thạo hơn về cả mặt cảm xúc lẫn xã hội, giảm trừ đáng kể nạn bắt nạt trong nhà trường mà còn giúp trẻ trở thành những người lớn thành công hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Giờ học "ăn bánh" nằm trong chương trình bắt buộc của quốc gia
Tại Đan Mạch, dạy trẻ biết đồng cảm là giờ học bắt buộc nằm trong chương trình giảng dạy quốc gia, được áp dụng từ ngày đầu tiên trẻ bước vào lớp 1 và tiếp tục cho tới khi tốt nghiệp phổ thông - tức là khi trẻ 16 tuổi.
Học về kĩ năng đồng cảm là giờ học bắt buộc trong chương trình giáo dục quốc gia Đan Mạch (Ảnh minh họa).
Giờ học này diễn ra 1 lần/tuần và luôn là điểm nhấn trong tuần ở mọi trường lớp. Mục đích của giờ học nhằm tạo bầu không khí an toàn và ấm cúng - nơi bọn trẻ học được cách trò chuyện, đưa ra quan điểm của mình.
Các vấn đề được thảo luận có thể là vấn đề cá nhân hoặc của một nhóm: một bạn bị bắt nạt, bị bỏ rơi, mâu thuẫn giữa hai bạn hay bất cứ vấn đề nào khác chẳng liên quan gì tới trường học...
Cả lớp sẽ cùng nhau tôn trọng tất cả quan điểm cá nhân và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết.
Thậm chí, có cả một chiếc bánh mỗi học sinh thay nhau tự nướng và mang đến lớp để cùng ăn với nhau trong khi nói chuyện cũng như lắng nghe người khác nói.
Chiếc bánh này đã trở thành một phần không thể thiếu của nền văn hoá Đan Mạch đến nỗi nó thậm chí có công thức chế biến riêng.
Trong suốt giờ học này, giáo viên sẽ cập tới bất cứ vấn đề nào mình quan sát được trong lớp, bên cạnh những điều học sinh nhắc đến.
Vì vậy, đây cũng là cơ hội để giáo viên suy ngẫm, tạo môi trường học tập toàn diện mà học sinh muốn học tập và tham gia.
"Tôi nhớ năm 10 hay 11 tuổi, chúng tôi thường trò chuyện về mọi vấn đề của tụi con gái", Anne Mikkelson, một học sinh cấp 3 ở Stroer, cho biết. "Đó là một chủ đề phổ biến và chúng tôi sẽ cùng thảo luận, cố gắng tìm ra cách xử lý.
Đôi khi, chúng tôi thảo luận để tụi con gái trở trở nên có ý thức hơn và cố gắng tương tác nhiều hơn với người xung quanh. Nó luôn giúp chúng tôi có thể thoải mái bộc bạch mọi chuyện cùng nhau".
Jesper Vang, một giáo viên cấp 3 tại Tingkærskolen ở Odense, thì cho biết: "Điều quan trọng là tất cả mọi người đều lắng nghe.
Công việc của giáo viên chúng tôi là đảm bảo học sinh hiểu người khác cảm thấy thế nào và biết tại sao người ta lại có cảm giác đó.
Bằng cách này, chúng tôi cùng tìm ra một giải pháp dựa trên sự lắng nghe thực sự và thấu hiểu thực sự".
Dù không rõ mỗi tuần, chủ đề được bàn luận là gì, điều rõ ràng nhất là giờ học này đã giúp dạy trẻ về sự đồng cảm, giúp học sinh học cách hiểu cảm giác của người khác chứ không chỉ của chính bản thân mình.
Thật thú vị khi nghĩ về những lợi ích mà giờ học "ăn bánh" có thể đem lại cho mọi hệ thống trường học trên thế giới nếu được áp dụng.
Bằng cách dành 1 giờ/tuần để dạy trẻ đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của người khác, để rồi cùng nhau tìm ra cách giải quyết, chúng ta chắc chắn có thể mang lại những thay đổi.
Vài nét về tác giả:
Jessica Alexander là một người Mỹ, tác giả, nhà báo và chuyên gia hướng dẫn về văn hoá.
Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý và đi dạy kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp ở vùng Scandinavia cũng như miền Trung châu Âu.
Kết hôn suốt 13 năm qua, hiện Alexander sống tại Rome cùng chồng là người Đan Mạch và 2 con.