Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa công bố BCTC quý 1/2024. Trong đó, đối với hoạt động của SCG tại ASEAN (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng trong kỳ ghi nhận mức tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 17.020 tỷ đồng (tương đương 693 triệu USD).
Theo SCG, sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào điều kiện các thị trường trong khu vực được cải thiện, đặc biệt là ở Việt Nam với doanh thu phần lớn đến từ Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP). Tổng doanh thu ASEAN theo đó đóng góp 20% tổng doanh thu Tập đoàn.
Riêng thị trường Việt Nam, doanh thu quý đầu năm nay đạt 8.280 tỷ đồng (tương đương 337 triệu USD), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tăng trưởng chủ yếu từ Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP).
SCG cũng cho biết đang nỗ lực hoàn thiện và kiểm tra toàn bộ các hoạt động của nhà máy tại Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn, đảm bảo cho việc sản xuất hạt nhựa chất lượng cao trong quý 3 năm nay, cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Về SCG, đây là Tập đoàn đa ngành lớn tại Thái Lan. Ở Việt Nam, SCG không còn xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ trong thập niên qua.
SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 đến nay với hơn 21 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.500 nhân viên. Trong đó, các sản phẩm thuộc ngành Xi măng - Vật liệu xây dựng gồm: ngói bê tông; xi măng trắng; bê tông tươi thương hiệu SCG; gạch men ốp tường và lót sàn thương hiệu Prime; sứ vệ sinh và phụ kiện nhà tắm COTTO.
Đặc biệt là thương vụ đình đám nhất diễn ra vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.
SCG cũng là cổ đông chi phối của Nhựa Bình Minh (BMP), Bao bì Biên Hoà (SVI), Nhựa Duy Tân…
Từ năm 2023, SCG gây chú ý khi Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn đi đến những khâu cuối cùng để vận hành. Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối.
Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển). Đây cũng là dự án duy nhất có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD của Thái Lan tại Việt Nam và chiếm tới hơn 30% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa dùng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm từ Tổ hợp sẽ giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.
Ngày 22/3/2024, SCG cho biết, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã gặp phải sự cố kỹ thuật bất ngờ trong quá trình chạy thử và hiện đang được điều tra nguyên nhân. Dự kiến LSP sẽ tiếp tục chạy thử vào tháng 6/ 2024. Được biết, nhà máy của Công ty TNHH Rayong Olefins (ROC) sẽ tiếp tục hoạt động sau khi bảo trì vào cuối tháng 3/2024, điều này có thể giảm thiểu tác động đến LSP và các khách hàng trong khu vực.