"Trong khi người người đi chơi, nhà nhà đi nghỉ mát thì lại có những người mong được một ngày nghỉ yên bình mà cũng không trọn vẹn.
Lúc chưa có tờ "Chú ý" dán ngoài cửa, một ngày ông cụ không biết có bao nhiêu lần khách bấm chuông gọi cửa hỏi "nhà D. đâu?"
Vì tình làng nghĩa xóm ho to cũng nghe tiếng nên ông đành nói "Không biết". Bởi vậy ông bị vu oan "Chắc lão giấu tội cho con", bao lần mắm tôm, sơn, dầu luyn ném vào tận sân, tận cửa.
Giờ thì không chịu được nữa, ông đành dán thông báo ở cửa. Nhà con nợ kịp bịt hết cả cửa, che chắn hết cả tầng một đến tầng ba rồi nên bọn đòi nợ chán chả buồn ném, ném vào nhà ông cho bõ tức.
Mà không phải có một hội, ông "Chúa Chổm" kia kể cũng giỏi, loanh quanh phải vay tiền chục hội ý.
Hai nhà lại thiết kế gần giống nhau. Nhà kia có mái che chỗ sân tầng một, nhà ông muốn thoáng sân không có mái che nên hội người ta ném nhầm, ném trượt thì nhà ông cũng "ăn đủ".
Thật sự là thương ông, vợ mới mất đã ăn không ngon ngủ không yên rồi.
Một người vay tiền, cả xóm ảnh hưởng. Có hôm mùi mắm tôm sộc lên từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mình bán quần áo hàng thùng, phơi trên tầng 3 mà ám vào cả quần áo phải giặt lại.
Nhiều hôm 2,3 giờ sáng cả xóm lại được giật mình tỉnh giấc vì tiếng chai thuỷ tinh đựng sơn đựng mắm tôm đựng dầu luyn ném bị vỡ.
P/s: người nợ tiền tên là D. ở số 32 bên cạnh nhà ông", đây là câu chuyện của facebook Truong Quynh Tram kể về tờ giấy dán trước cửa nhà hàng xóm.
Tờ giấy dán ngoài cửa nhà ông cụ.
Chỉ vì ở sát vách với "con nợ" mà chẳng biết bao nhiêu lần ông cụ gần 70 tuổi phải khổ sở khi các hội đến đòi tiền.
"Chú ý: Nhà này không phải nhà D. Nhà D. bên cạnh số 32, tôi già rồi, đừng làm phiền", đây là nội dung được ghi trên tờ giấy dán ngay ở cửa nhà số 34. Nội dung thể hiện rõ sự bất lực, chán nản khi suốt ngày bị làm phiền, dính "tai bay vạ gió" vì hàng xóm.
Người kể câu chuyện là Trương Quỳnh Trâm. Sự việc xảy đến tại một ngõ ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị Trâm cũng sinh sống ở ngõ này.
Hai nhà có kiến trúc giống nhau nên các chủ nợ rất dễ nhầm lẫn.
"Từ cách đây tầm 2 tháng nhà đó bắt đầu có người đến đòi nợ, hiện tại vì chưa trả tiền nên việc ném đồ vẫn xảy ra.
Ban đầu mấy hội đó không biết chính xác nhà ông nợ kia ở đây nên cứ đến hỏi người xung quanh đấy. Không ai muốn lằng nhằng nên bị hỏi đến toàn đáp "không biết". Hiện tại đi qua nhìn là người ta biết luôn, bịt kín mít thế cơ mà ai cũng nghĩ có vấn đề.
Mình không chắc là họ ném sang nhà ông cụ gần 70 tuổi là vô tình hay do tức giận, cũng có thể là ném trượt. Nhà ông ấy không có mái che nên "lãnh đủ", chị Quỳnh Trâm kể.
Nhà D. che chắn kín mít còn phía chịu khổ là ông cụ hàng xóm sát bên.
Tờ giấy dán trước cửa nhà được ông cụ dán mới được một tuần sau hơn một tháng không chịu đựng nổi những phiền phức.
"Nhà trước đó có hai vợ chồng bác chủ nhưng bác gái mới mất do bệnh. Hai cô con gái thì đã lớn lấy chồng ở riêng. Khổ thân bác gái, cuối đời cứ bị đòi nợ oan đến khổ.
Lúc chưa biết rõ nhà nào thì mấy hội đứng dưới nhà kêu "D.ơi" ầm ĩ cũng đủ khiến cả xóm mệt mỏi. Gõ cửa bác mà bảo "không biết D. nào" thì bị nghi là bố đang bảo vệ con.
Mấy hội chủ nợ chỉ ném buổi đêm, lúc người ta đi ngủ cả và ném không cố định ngày nào nên chẳng ai rình bắt được.
Đến sau đó gọi người nhà D. ra thì vợ anh đó cũng bảo "chẳng biết D. là ai đâu". Thậm chí bị nói rằng "mày là vợ nó mà mày không biết nó là ai à?" chị ấy vẫn đáp "không biết là ai".
Cả xóm ồn ào, nhà bác ấy khó chịu nên có sang góp ý nhưng nhà đó cũng chịu, chẳng biết D. ở đâu nên "bó tay". Bác phải về làm cái thông báo và dán được một tuần nay", chị Quỳnh Trâm kể thêm.