Tổ chức thi ca khúc giữa mùa dịch, Tổng liên đoàn Lao động nói gì?

Lê Hữu Việt |

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác bài hát và video về phòng chống dịch COVID-19 giữa lúc dịch đang căng thẳng; đời sống người lao động, công đoàn viên mất việc làm, khó khăn đã gây ra những ý kiến trái chiều. Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc này.

Tại sao trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người lao động khó khăn, cơ quan đại diện người lao động lại tổ chức chương trình thi sáng tác ca khúc, video, thưa ông?

 Ông Ngọ Duy Hiểu: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta đang vào thời điểm có tính quyết định. Dịch bệnh đang đè nặng lên tâm tưởng của một bộ phận nhân dân, người lao động, lực lượng tuyến đầu chống dịch như y, bác sĩ...

Chúng tôi thấu hiểu khó khăn, vất vả của lực lượng y tế, cũng là đoàn viên công đoàn ở các tâm dịch. Những bài hát, video xúc động sẽ tiếp thêm nghị lực, sức mạnh và sự lạc quan cho họ, những bài tập ngắn để có thêm sức khỏe, hay bài thiền để giảm stress...

Hơn lúc nào hết, bên cạnh chăm lo, hỗ trợ về vật chất, rất cần sự khích lệ, động viên tinh thần, sẻ chia và thấu hiểu của toàn xã hội đối với lực lượng tuyến đầu; lan tỏa những thông điệp tích cực, niềm tin, tinh thần đoàn kết và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của nhân dân cả nước. Đó là động lực, liều vắc-xin tinh thần để mọi người dân, nhất là lực lượng tuyến đầu vượt lên mọi áp lực, khó khăn để cứu dân, giúp nước.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng vận động các văn nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật để cổ vũ, khích lệ, động viên cả nước phòng chống COVID-19. Nhiều văn nghệ sĩ cũng là đoàn viên Công đoàn. Công đoàn thấy mình có bổn phận tạo cơ hội giúp họ được thể hiện tình cảm, trách nhiệm để tham gia cuộc chiến chống dịch. Do đó, chúng tôi đã phối hợp cùng Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức thi sáng tác ca khúc về phòng chống dịch COVID-19.

Một số ý kiến cho rằng, thay vì tổ chức thi, Công đoàn nên dành tiền đó hỗ trợ công đoàn viên, người lao động đang gặp khó khăn, mất việc làm thay vì nghe hát lúc này? Hơn nữa, số tiền tổ chức lấy từ nguồn nào, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Đây là cuộc thi để có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, phản ánh và kịp thời phục vụ cuộc chiến chống COVID-19 đang rất cam go. Tôi nghĩ, cuộc thi tổ chức vào thời điểm này là phù hợp nhất. Nếu cuộc thi được tổ chức khi dịch bệnh đã được kiểm soát, hay COVID-19 đã biến mất, lúc đó chúng ta mới nên đặt câu hỏi: Tổ chức cuộc thi lúc này để làm gì?

Trong cuộc chiến với COVID-19, chắc chắn những bản nhạc, lời ca hay video xúc động sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo sức mạnh tinh thần cho cho cả nước chiến thắng dịch bệnh.

Về kinh phí tổ chức cuộc thi, toàn bộ giải thưởng của cuộc thi (dự kiến 700 triệu đồng – PV) đã có 4 đơn vị cam kết tài trợ, còn kinh phí cho công tác tổ chức không nhiều.

Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã có những hỗ trợ gì cho người lao động, công đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?

Tổ chức thi ca khúc giữa mùa dịch, Tổng liên đoàn Lao động nói gì? - Ảnh 1.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu: Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các cấp công đoàn đã chủ động trích quỹ tài chính công đoàn để chăm lo, hỗ trợ bằng tiền mặt, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch... cho đoàn viên, người lao động và các lực lượng chống dịch.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy và xã hội hóa để hỗ trợ công đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa, người nhiễm bệnh, tử vong... với mức từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” mỗi người 1 triệu đồng; y bác sĩ tham gia chống dịch tại các tỉnh thành phía Nam 1 triệu đồng/người; mua bảo hiểm an toàn cho 20.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch... Tổng số tiền hỗ trợ là gần 3.950 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên có mức lương thấp; lùi đóng kinh phí đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn...

Xin cám ơn ông!

Ngày 17/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”, và thi sáng tác video “Thời khắc khó quên”, về chủ đề phòng chống COVID-19.

Trong đó, cuộc thi sáng tác ca khúc có tổng giá trị giải thưởng dự kiến 500 triệu đồng (giải Nhất là 100 triệu đồng, các giải khác trị giá từ 10 - 50 triệu đồng/giải). Thời gian nhận tác phẩm kéo dài tới hết ngày 1/10/2021, dự kiến trao giải sau đó nửa tháng.

Với cuộc thi sáng tác video “Thời khắc khó quên" trên nền tảng TikTok, tổng giải thưởng dự kiến hơn 200 triệu đồng (giải Nhất là 30 triệu đồng, giải Nhì 15 triệu đồng và nhiều giải chuyên đề khác). Thời gian nhận bài dự tới hết ngày 30/9/2021.

Theo Tổng cục thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, đã có gần 12,8 triệu lao động mất việc, giảm giờ làm và thu nhập, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Đã có trên 475.300 lao động được giải quyết hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến hết năm 2019, số tích luỹ tài chính công đoàn là hơn 28.364 tỷ đồng, được tích luỹ qua nhiều năm. Trong đó, ở cấp Tổng Liên đoàn kết dư 3.793 tỷ đồng; tại 63 liên đoàn lao động tỉnh thành và 20 công đoàn ngành trung ương kết dư 10.334 tỷ đồng; tại 1.269 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (cấp quận/huyện) kết dư 6.644 tỷ đồng; tại 120.825 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp kết dư 7.593 tỷ đồng. Số dư được gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Hiện mức đóng quỹ công đoàn gồm: Đoàn phí hàng tháng bằng 1% tháng lương tính đóng Bảo hiểm xã hội do người lao động đóng; kinh phí công đoàn hàng tháng bằng 2% tháng lương tính đóng Bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp đóng.

Cuối năm 2020, góp ý cho sửa Luật Công đoàn năm 2012, có 8 hiệp hội doanh nghiệp đã đồng ký văn bản gửi tới Quốc hội, Chính phủ kiến nghị giảm kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp đóng từ 2% xuống còn tối đa 1% tiền lương tháng; Cùng với đó là tăng tỷ lệ phí để lại cho công đoàn cơ sở, vì công đoàn cơ sở luôn thiếu tiền hỗ trợ người lao động (trong khi công đoàn các cấp trên cơ sở kết dư số tiền lớn).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại