Tổ chức SCSPI: Mỹ ép Trung Quốc tối đa ở biển Đông

Cao Lực |

Quân đội Mỹ tạo sức ép tối đa tại biển Đông vào năm ngoái nhờ mức độ hiện diện chưa từng có của hải quân và không quân.

Các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận chung trên biển Đông hồi tháng 2-2021. Ảnh: Hải quân Mỹ

Các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận chung trên biển Đông hồi tháng 2-2021. Ảnh: Hải quân Mỹ

"Cường độ, quy mô, số lượng và thời lượng của các hoạt động quân sự Mỹ trên biển Đông vào năm 2020 là hiếm thấy trong những năm gần đây" – Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược biển Đông (SCSPI – Trung Quốc) khẳng định trong báo cáo mới nhất.

Theo tạp chí News Week, SCSPI theo dõi hoạt động quân sự trên biển Đông với sự chú ý đặc biệt đến các lực lượng Mỹ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp họ công bố báo cáo chi tiết về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phần lớn biển Đông. Mỹ thường triển khai chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải để thách thức những yêu sách và hoạt động hàng hải phi pháp của Trung Quốc.

Các nhóm tác chiến Hải quân và Không quân Mỹ, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm tác chiến hạt nhân thường xuyên xuất hiện tại biển Đông vào năm ngoái, "tạo ra sự răn đe chưa từng có nhằm vào Trung Quốc", SCSPI khẳng định.

Theo SCSPI, các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan là những ví dụ điển hình về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ trên biển Đông vào năm ngoái.

USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành 2 cuộc tập trận chung trong khu vực trong năm cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tháng rồi, dưới thời của Tổng thống Joe Biden, USS Nimitz tiếp tục được triển khai để tập trận chung với nhóm tác chiến của một tàu sân bay khác, lần này là USS Theodore Roosevelt.

Tàu chiến Mỹ không ngại hoạt động tại "những khu vực đặc biệt nhạy cảm" trong các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, kể cả quanh các bãi đá do Trung Quốc ngang ngược kiểm soát ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), SCSPI khẳng định.

Tổ chức SCSPI: Mỹ ép Trung Quốc tối đa ở biển Đông - Ảnh 2.

Mỹ ngày càng lo ngại về tham vọng gia tăng của Trung Quốc trên biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ

Cũng theo tổ chức này, Washington triển khai kết hợp máy bay dân sự và máy bay quân sự đến biển Đông trong các chiến dịch trinh sát nhằm giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Riêng năm 2020, theo SCSPI, máy bay gián điệp Mỹ thực hiện gần 1.000 chiến dịch trinh sát trên biển Đông, so với 17 chiến dịch của máy bay ném bom Mỹ.

SCSPI khẳng định dữ liệu này cho thấy Washington đang gia tăng "mức độ sẵn sàng tác chiến của toàn bộ lực lượng" trong lúc lên kế hoạch đối phó với Trung Quốc.

Góc Tây Nam của Đài Loan – lối vào biển Đông từ Tây Thái Bình Dương, hiện đã trở thành điểm nóng đối đầu quân sự Mỹ-Trung. Trong năm 2020, tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan 13 lần - cao kỷ lục trong 14 năm trở lại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại